Độc đáo: Tết hoa mào gà của người Cống ở Lả Chà
Đến Lả Chà trong những ngày Tết Hoa mào gà, con đường vào bản ngập tràn trong sắc hoa mào gà. Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp.
Trong ngày Tết, phụ nữ Cống mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, cùng nhau tết hoa mào gà thành những vòng hoa đội đầu đẹp mắt để diện chơi Tết. Những người đàn ông khỏe mạnh thì tất bật bắt lợn, gà để chuẩn bị cho mâm cỗ Tết.
Chị Lò Thị Phưn, bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, Điện Biên nói: Mỗi năm cứ đến tháng 10 âm lịch khi mùa màng đã xong là người dân bản Lả Chà mình ăn Tết hoa mào gà. Chị em mình cùng nhau đi hái hoa mào gà quấn thành vòng hoa để đi chơi các trò chơi dân gian. Hằng năm dân tộc Cống mình tổ chức Tết Hoa để không mất truyền thống của dân tộc mình.
Trong dịp Tết Hoa mào gà, người chủ trì lễ cúng trong ngày Tết Hoa là già làng, người có uy tín được bà con trong bản kính trọng và cũng chính là thầy cúng trong phần lễ. Trong ngày Tết này, các gia đình sẽ mang lễ vật đến để thầy cúng làm lễ báo cáo tổ tiên, thần linh về một năm vừa qua và cầu những điều may mắn trong năm mới. Lễ cúng được diễn ra trong khoảng thời gian từ 15 -17 giờ.
Sau lễ cúng, thầy cúng nâng chén rượu chúc mừng mọi người sang năm mới những điều tốt đẹp nhất. Mọi người quây quần uống rượu cần và phá cỗ Tết tại nhà già làng rồi ai về nhà nấy để thực hiện nghi lễ Tết tại nhà mình và chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên, sau đó đến nhà bà con, hàng xóm đến chúc Tết.
Ông Lù Văn Chanh, thầy cúng bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, Điện Biên cho biết: Trong ngày Tết Hoa, chúng tôi dâng lên tổ tiên các lễ vật gà, lợn, rượu… Cúng xin ông bà tổ tiên phù hộ cho mọi người trong gia đình không ốm đau. Từ nay trở đi con cháu được mạnh khỏe, năm mới làm ăn phát triển kinh tế, trâu bò lợn gà đầy nhà, không bị dịch bệnh.
Sau phần lễ, tối đến cả bản tập trung cùng nhau vui hội với những tiếng hát, điệu xòe, cùng nhảy múa, hát ca. Đến sáng ngày hôm sau, bà con lại cùng tham gia các trò chơi dân gian như kéo có, cà kheo, cù quay... Các trò chơi diễn ra sôi nổi trong sự cổ vũ nhiệt tình của bà con dân bản.
Ông Lò Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, Điện Biên: Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm giúp dân bản giữ gìn bản sắc dân tộc, Tết Hoa là nghi lễ độc đáo và quan trọng nhất của đồng bào người Cống. Theo tổ tiên người Cống lưu truyền, nếu Tết Hoa chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát. Tết Hoa là nghi lễ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứa đựng những yếu tố văn hóa tích cực gắn với xã hội của người Cống, phản ánh sinh động đời sống và bản sắc người dân tộc Cống.
Người Cống sống tập trung tại bản Lả Chà với 82 hộ, hơn 400 nhân khẩu. Đời sống tinh thần của người Cống khá phong phú với nhiều nghi lễ. Trong đó, Tết Hoa là nghi lễ độc đáo và quan trọng nhất của đồng bào người Cống, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứa đựng những yếu tố văn hóa tích cực gắn với xã hội của người Cống, phản ánh sinh động đời sống và bản sắc người dân tộc Cống. Tết hoa mào gà hiện là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Điện Biên.