Nghề nuôi yến lấy tổ đang mang lại nhiều lợi nhuận về kinh tế cho nông dân tại TP.HCM. Riêng tại huyện Cần Giờ, có khoảng 500 nhà nuôi yến với sản lượng bình quân 11 – 12 tấn tổ yến/năm, giá trị khoảng 250 tỷ/năm.
Năm 2012, UBND TP.HCM giao Sở NNPTNT thành phố lập quy hoạch cho vùng nuôi yến trong nhà trên địa bàn, trong đó có huyện Cần Giờ, nhưng tới nay vẫn chưa được thông qua.
Bà Trần Kim Thúy, nông dân nuôi yến ở xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) chia sẻ, nghề nuôi yến trong nhà đã giúp cho gia đình bà và những hộ nuôi yến trên địa bàn khá lên thấy rõ.
Tuy nhiên, sau nhiều năm nuôi yến, cho đến giờ cái nghề này vẫn là tự phát, nhỏ lẻ với nhiều phát sinh ngoài ý muốn bởi chính quyền chưa quy hoạch vùng nuôi.
"Do đó, bà con nuôi yến không dám mạnh dạn đầu tư để phát triển nghề, tăng thu nhập", bà Thúy thổ lộ.
Theo bà Thúy, UBND huyện Cần Giờ có bố trí khu vực nuôi yến tập trung diện tích 500ha thuộc xã Tam Thôn Hiệp. Đây là diện tích tập trung, hệ thống giao thông cơ bản đã hình thành, gần khu vực có diện tích rừng lớn và thuận lợi cho việc mở khu du lịch sinh thái, làng nghề nuôi yến tại địa phương.
Tuy nhiên, theo bà Thúy, thực tế thủ tục xây dựng nhà yến trong khu tập trung này rất khó khăn khiến bà con ít mặn mà...
"Đã bố trí khu nuôi yến tập trung mà đất lại không cho chuyển mục đích nông nghiệp lên thổ cư để xây nhà yến thì làm sao người dân dám xây nhà nuôi yến", bà Thúy thắc mắc.
Bà Lê Thị Hồng Anh, đại diện một doanh nghiệp nuôi yến ở xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) cho biết, nuôi yến là hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhà yến là công trình chăn nuôi nên đất nhà yến là đất nông nghiệp khác không phải là đất thổ cư.
Tuy nhiên, dù là vậy thực tế rất khó xây dựng nhà yến vì không chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp.
"Bà con xây nhà nuôi yến trong ruộng, trong rẫy không phải đất thổ cư thì làm sao xin được cấp phép xây dựng. Do đó, bắt buộc người dân phải lấy đất thổ cư trong khu dân cư để xin phép xây dựng nhà, sau đó chuyển đổi thành nhà nuôi yến", bà Anh chia sẻ.
UBND huyện Cần Giờ cho biết, trong tháng 10, sản lượng tổ yến thu hoạch trên địa bàn được hơn 325kg.
Tính chung, 10 tháng năm 2022, thu hoạch tổ yến ở huyện đạt hơn 13 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ. Cơ quan chức năng cũng đã gửi hơn 50 mẫu phân chim yến để xét nghiệm cúm gia cầm.
Việc quy hoạch phát triển nghề nuôi yến trong nhà nhằm giúp người dân yên tâm đầu tư và đảm bảo công tác quản lý nhà nước về an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, một cán bộ Sở NNPTNT TP cho biết, cho đến giờ quy hoạch vùng yến trên địa bàn huyện Cần Giờ nói riêng và TP nói chung vẫn chưa có.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ Hồ Ngọc Thiện, nghề nuôi yến được xác định là ngành nghề chủ lực của địa phương...
UBND huyện Cần Giờ phối hợp cùng Sở NNPTNT đã xác định cụ thể vùng nuôi yến. Vừa qua, huyện đã đề xuất UBND thành phố trình HĐND TP.HCM xem xét quyết định trong kỳ họp cuối năm 2022.
Huyện Cần Giờ cũng đang lập quy hoạch sử dụng đất kỳ 2021 - 2030, trong đó dự kiến bố trí quỹ đất nông nghiệp khác tại các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn để phát triển vùng nuôi chim yến và hoạt động sản xuất khác.
"Trước đây, chưa có quy hoạch đất nông nghiệp khác bà con có cải tạo công trình để nuôi yến trong nhà trong khu dân cư. Vấn đề này diễn ra phức tạp và địa phương hiện đang tăng cường quản lý vấn đề này", ông Thiện cho biết.
Hiện, nuôi yến tại TP.HCM được xác định là một trong những nghề tiềm năng, có khả năng thu nguồn lợi kinh tế cao. Tại thành phố có tất cả 19 quận/huyện ghi nhận có nhà nuôi yến với tổng số 727 nhà. Trong đó, số nhà nuôi yến nhiều nhất là tại huyện Cần Giờ (chiếm 70%).
Hiện, theo dự thảo phương án quy hoạch vùng nuôi yến trong nhà trên địa bàn TP đến 2025 do Sở NNPTNT TP trình UBND TP, chỉ huyện Cần Giờ, Củ Chi và Q.9 mới được nuôi yến tập trung với tổng diện tích quy hoạch hơn 8.200ha. Số nhà nuôi yến đến năm 2025 tại 3 địa phương này là 590 nhà, ước khoảng gần 1,3 triệu con chim yến, sản lượng hơn 8,4 tấn.
Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ra thông báo, các sản phẩm tổ yến Việt Nam đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm, kiểm dịch chính thức được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.