Xây nhà bề thế, chờ hoài chỉ lác đác "chim tiền tỷ" vào cặp đôi, ai ngờ giờ anh nông dân Ninh Bình phát tài

Thứ năm, ngày 17/11/2022 18:42 PM (GMT+7)
Năm 2019, anh Phạm Văn Tiệp, xóm 6, xã Kim Đông (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) quyết định xây dựng nhà nuôi yến với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên lúc mới bắt đầu nuôi, anh gặp nhiều khó khăn. Gần 1 năm nhưng thu hoạch chưa được 1 kg tổ yến.
Bình luận 0

Không phải là người tiên phong nuôi chim yến trong nhà, tuy nhiên anh Phạm Văn Tiệp, xóm 6, xã Kim Đông (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) là người có mô hình nuôi yến mang lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian ngắn.

Anh Phạm Văn Tiệp, sinh năm 1987, sinh ra và lớn lên ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Lăn lộn kiếm sống với đủ các nghề nhưng chưa tìm được công việc cho thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống là niềm trăn trở lớn nhất của chàng trai trẻ này.

Theo anh Tiệp chia sẻ: Cơ duyên với nghề nuôi yến của anh đến khá bất ngờ, trong vài lần chăm sóc vườn cây, anh nhận thấy rất nhiều chim yến trong vùng. Tổ yến có chất dinh dưỡng cao, được coi như một thực phẩm chức năng quý.

Nhận thấy có thể làm giàu bằng việc thu hút yến về làm tổ, anh đã bỏ công sức và thời gian vào các vùng như Khánh Hòa, Phú Yên để học hỏi kinh nghiệm và công nghệ nuôi yến trong nhà. 

Sau một thời gian nghiên cứu, năm 2019, anh quyết định xây dựng nhà nuôi yến với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng.

Là người có tính cầu tiến, anh Tiệp thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu công nghệ nuôi yến tốt nhất, phục vụ việc nuôi yến trong nhà của mình. Tuy nhiên lúc mới bắt đầu nuôi, anh gặp nhiều khó khăn. Gần 1 năm nhưng thu hoạch chưa được 1 kg tổ yến. Với giá thành lúc đó thì số tiền này chỉ đủ trang trải chi phí kỹ thuật và tiền nhân công.

Xây nhà bề thế, chờ hoài chỉ lác đác "chim tiền tỷ" vào cặp đôi, ai ngờ giờ anh nông dân Ninh Bình phát tài - Ảnh 2.

Anh Phạm Văn Tiệp, anh Phạm Văn Tiệp, xóm 6, xã Kim Đông (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) giới thiệu về mô hình nuôi chim yến trong nhà của gia đình.

Không nản chí, anh Tiệp tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn về quy trình nuôi yến, nhờ thế số lượng chim yến tăng lên theo cấp số nhân. 

Đến nay nhà yến của anh đã có 750 tổ với hơn 1.000 cặp chim yến. 

"Mỗi năm có 3 vụ thu hoạch tổ yến là tháng 3, tháng 8 và tháng 12, trong đó vụ tháng 12 có số lượng cũng như chất lượng tốt nhất.

Trung bình mỗi năm nhà yến của tôi thu về 18 - 20 kg tổ yến, trừ các chi phí, ước tính thu nhập gần 400 triệu đồng/năm" - anh Tiệp cho biết thêm.Thành công với nhà nuôi yến đầu tiên ở xóm 6, xã Kim Đông, anh tiếp tục đầu tư mở thêm nhà yến số 2 tại xóm 4. Chỉ gần 1 năm nhưng nhà yến số 2 thu hút rất nhiều chim, đến nay có hơn 150 tổ với hơn 300 cặp chim yến.

Năm 2021, nhận thấy sản lượng yến thu hoạch khá tốt, anh Tiệp thành lập cơ sở chuyên cung cấp các loại tổ yến và sản phẩm sơ chế từ yến. Đến nay sản phẩm yến sào của cơ sở anh Tiệp đã phổ biến rộng rãi và có chỗ đứng trên thị trường. 

"Tương lai tôi muốn mở rộng và đầu tư thêm công nghệ chế tạo sản phẩm yến từ sơ chế đến tinh chế" - anh Tiệp chia sẻ.

Xây nhà bề thế, chờ hoài chỉ lác đác "chim tiền tỷ" vào cặp đôi, ai ngờ giờ anh nông dân Ninh Bình phát tài - Ảnh 4.

Các cặp chim yến đang làm tổ được nuôi trong nhà của anh Phạm Văn Tiệp, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh yến sào, anh Tiệp còn đảm nhiệm vai trò khảo sát, tư vấn thiết kế chuyển giao công nghệ nuôi yến. 

Đến nay anh đã tư vấn chuyển giao công nghệ cho hơn 10 hộ trong và ngoài tỉnh có sở thích nuôi yến như anh, nhiều người tìm đến mô hình của anh tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Chia sẻ cách để xây dựng một nhà nuôi yến đúng chuẩn, anh Tiệp cho biết: "Nhà yến phải được xây dựng giữa miền quê trong lành, với hệ thống âm thanh tốt mới dẫn dụ chim yến về làm tổ trong nhà. Bên cạnh đó, trong nhà phải thiết kế bằng đá tự nhiên để sản phẩm không bị rêu mốc".Đồng chí Trần Thị Huế, Bí thư Đoàn xã Kim Đông (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) nhận xét: Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, anh Phạm Văn Tiệp còn được biết đến là một trong những thanh niên tích cực tham gia các phong trào, hoạt động Đoàn và công tác an sinh xã hội tại địa phương. 

Tiểu biểu như anh tham gia phong trào hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế; tham gia ủng hộ gây quỹ và tài trợ các công trình thanh niên tại địa phương, tặng quà cho người nghèo, thanh niên khó khăn nhân những dịp lễ, Tết...

Có thể khẳng định, nuôi yến trong nhà là một mô hình hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Từ hai bàn tay trắng, nhờ ý chí quyết tâm và tinh thần yêu lao động, anh Phạm Văn Tiệp đã thể hiện được sức trẻ của mình trên con đường khởi nghiệp, làm giàu.  

Với những thành tích trong phát triển kinh tế, anh đã nhiều lần được ghi nhận, biểu dương là một trong những điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi của địa phương.

Mạnh Tuấn (Báo Ninh Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem