Triều Tiên ngày 19/11 tuyên bố đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-17. Các chuyên gia tin rằng đây là lần đầu tiên một ICBM của Triều Tiên bắn thử thành công.
Vụ phóng tên lửa Hwasong-17 được coi là bước leo thang căng thẳng mới và nghiêm trọng nhất trên bán đảo Triều Tiên kể từ 2017, bởi tên lửa có tầm bắn tới 15.000 km, tức bao trùm toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ, đồng thời có khả năng mang theo nhiều đầu đạn.
Theo Reuters, Hwasong-17 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, thuộc loại tên lửa lớn nhất mà Triều Tiên sở hữu. Hwasong-17 được phóng từ các bệ phóng trên mặt đất, hoạt động bằng nhiên liệu dạng lỏng.
Theo tổ chức chuyên nghiên cứu về Triều Tiên 38 North, đường kính của Hwasong-17 được ước tính từ 2,4-2,5 m. Tổng trọng lượng của tên lửa khi nạp đầy nhiên liệu khoảng 80 - 110 tấn.
Khác với các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa trước đây của Triều Tiên, Hwasong-17 có thể phóng trực tiếp từ bệ phóng cơ động, hình ảnh về Hwasong-17 mà truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố cho thấy.
Trong vụ phóng hôm 18/11, tên lửa của Triều Tiên đã di chuyển quãng đường hơn 1.000 km trong thời gian 69 phút. Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, tên lửa đã đạt tới độ cao 6 km.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho hay tên lửa có thể bay xa tới 15.000 km, tức bao trùm toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ, bao gồm các thành phố lớn và quan trọng nhất tại bờ Đông như Washington, D.C., New York hay Boston.
Hồi tháng 3, KCNA tuyên bố Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-17 bay xa 1.090 km, đạt độ cao 6,2 km, đánh trúng một mục tiêu trên Biển Nhật Bản. Tên lửa ở trên không trung trong 67 phút.
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc phòng tỏ ra hoài nghi trước tuyên bố của KCNA. Giới chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc cuối cùng kết luận vũ khí mà Triều Tiên sử dụng khi đó là tên lửa Hwasong-15, loại tên lửa được thử nghiệm lần đầu năm 2017.
Trước năm 2022, lần gần nhất Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa là 2017. Tháng 4/2018, trước khi tổ chức các cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố Bình Nhưỡng "không còn cần" thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Nhưng các cuộc thảo luận Mỹ - Triều sau đó rơi vào bế tắc. Cả hai không thể đạt được nhượng bộ tiến tới phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ cấm vận. Khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, thương lượng giữa Washington và Bình Nhưỡng hoàn toàn đổ vỡ.
Truyền thông nhà nước dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho biết Hwasong-17 là "vũ khí chiến lược mới minh chứng cho sự hiện đại" của quân đội Triều Tiên.
Bình Nhưỡng cũng tuyên bố Hwasong-17 "cho thế giới thấy rõ sức mạnh của lực lượng vũ trang Triều Tiên", đồng thời cảnh báo "sẵn sàng đáp trả" khiêu khích từ phía Mỹ.
Trong cuộc duyệt binh tháng 10/2020, Triều Tiên gây bất ngờ khi ra mắt một tên lửa đạn đạo liên lục địa chưa từng được biết tới. Theo các chuyên gia, tên lửa ấy lớn hơn đáng kể so với Hwasong-15.
Tên lửa này được Triều Tiên phô diễn lần thứ hai tại triển lãm quốc phòng Bình Nhưỡng tháng 10/2021. Sau khi phân tích ảnh cuộc triển lãm, các chuyên gia kết luận tên lửa này là Hwasong-17.
Giới chức Hàn Quốc và Mỹ cho biết các vụ phóng thử ngày 27/2 và 5/3 có thể liên quan tới công nghệ sử dụng trên Hwasong-17, tuy nhiên Triều Tiên không thử nghiệm toàn bộ khả năng hoặc tầm bắn của tên lửa.
Kích thước lớn của Hwasong-17 khiến nhiều chuyên gia dự đoán tên lửa này được thiết kế với mục tiêu mang nhiều đầu đạn và đầu đạn mồi nhử nhằm tăng cường khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân của Mỹ.
Một số nhà quan sát cho rằng công nghệ vệ tinh mà Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm trong các vụ phóng ngày 27/2 và 5/3 có thể sử dụng cho một hệ thống nhiều đầu đạn độc lập (MIRV), cho phép một tên lửa mang theo nhiều đầu đạn tấn công các mục tiêu khác nhau cùng lúc.
Các chuyên gia cho rằng Hwasong-17 có ưu điểm là tải trọng lớn, cho phép nó mang theo nhiều đầu đạn với kích thước lớn hơn.
Bruce Bennett, chuyên gia tổ chức tư vấn quốc phòng RAND Corporation, cho rằng Triều Tiên đang phát triên tên lửa lớn hơn với hai mục tiêu, một là "có thể nhắm đến bất cứ địa điểm nào tại Mỹ", hai là "tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn với Mỹ".
Theo DW, tên lửa Hwasong-15 có thể mang theo đầu đạn nặng khoảng 1.000 kg. Trong khi đó, Hwasong-17 ước tính mang được đầu đạn nặng 1.700 kg. Các đầu đạn mà Triều Tiên sở hữu có trọng lượng khoảng xấp xỉ 500 kg.
Ankit Panda, chuyên gia chính sách hạt nhân tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace, cho rằng phóng thử Hwasong-17 nhiều khả năng là bước đệm để thử nghiệm các công nghệ nâng cao tải trọng của tên lửa, loại công nghệ không thể thiếu để triển khai vũ khí sử dụng nhiều đầu đạn.
Trong khi đó, ông Hans Kristensen, giám đốc dự án Thông tin Hạt nhân thuộc Hiệp hội Khoa học Mỹ, cho rằng kích thước của Hwasong-17 khiến nó trở thành loại vũ khí răn đe nguy hiểm.
"Hwasong-17 có khả năng mang theo một hoặc nhiều đầu đạn lớn, nếu và khi họ sửa chữa được các vấn đề và vận hành được chức năng đầu đạn đa hướng", ông Kristensen nói.
Giới chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đang khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm hạt nhân. Lần cuối cùng Triều Tiên thử hạt nhân là năm 2017. Các vụ thử nghiệm có thể giúp Triều Tiên phát triển hệ thống tấn công đa mục tiêu MIRV.