Mô hình nuôi con cua đồng kết hợp trồng cây quất cảnh bán Tết, gia đình bà Phan Thị Liên (xóm 15, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đang thu nhập ổn định mỗi năm. Nuôi cua đồng cũng là mô hình ngày càng được nhiều nông dân trong xã, huyện tìm đến học tập, làm theo.
Clip: Mô hình nuôi cua đồng hộ bà Phan Thị Liên (xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đem lại hiệu quả kinh tế cao
Không chỉ là món ăn dân dã, cua đồng còn được coi là món đặc sản trong bữa ăn của các gia đình, nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, nhiều năm lại đây, do người dân sử dụng quá nhiều chế phẩm hoá học trong trồng trọt nên sản lượng cua đồng trong tự nhiên sụt giảm mạnh.
Bà Phan Thị Liên chia sẻ: "Gia đình tôi trước kia có 3 mẫu ruộng bên cạnh nhà chuyên cấy lúa, nhưng hạch toán sau một năm làm lụm vất vả chẳng được là bao. Nhận thấy con cua đồng ngoài tự nhiên ngày càng ít, trong khi nhu cầu thị trường tăng cao. Qua đó, tôi quyết chuyển hướng sang nuôi cua đồng để phát triển kinh tế".
"Nuôi cua đồng không tốn nhiều vốn, công chăm sóc. Trong khi đó, đây là loài dễ tính, dễ nuôi, ít dịch bệnh. Ngoài ra, thức ăn của con cua đồng đơn giản và có thể tự chế như: Ốc bươu vàng, cá tạp, cám gạo, cám ngô,..thường 2-3 ngày cho cua đồng ăn 1 lần", bà Liên cho biết.
Cũng theo bà Liên, với diện tích 3 mẫu ruộng trên cạn (bờ) gia đình trồng hàng trăm gốc cây quất cảnh để bán vào dịp Tết. Dưới nước gia đình tập trung nuôi con cua đồng là chính.
Thời gian tốt nhất thả nuôi cua đồng giống từ tháng 2 đến tháng 4, sau 5 tháng nuôi, cua đồng sẽ tăng trọng lượng, đạt 60-80 con/kg, giá bán cua đồng giao động từ 90.000-140.000 đồng/kg, tùy vào từng thời điểm.
Ngoài thả con cua đồng, thì bà Liên còn thả các loại cá trắm, mè, chép…Đặc biệt, là trong ao nuôi luôn có một lượng lớn ốc hột (ốc ao) thời điểm bắt bán giá trên 20.000 đồng/kg, tôm càng tự nhiên giá 150.000 đồng/kg.
Do nhu cầu thu mua con cua, ốc, tôm đồng trên thị trường lớn, nên gia đình bà Phan Thị Liên (xóm 15, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) không phải lo "đầu ra". Con cua, ốc, tôm đồng thương phẩm đảm bảo chất lượng sẽ được thu mua tận nơi…theo tính toán của bà Liên trừ mọi chi phí gia đình thu 300 triệu đồng đồng/năm.
Để mô hình nuôi cua đồng đạt hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, bà Phan Thị Liên (xóm 15, xã Quang Thiện) chọn những con cua giống thả xuống ao nuôi đảm bảo khỏe mạnh, không bị bệnh tật, đầy đủ càng và chân, màu sắc tươi sáng không bị đóng rong, có thể chọn cua đực để nuôi góp phần tăng năng suất...
Đồng thời, bà Liên chọn ruộng nuôi cua đồng có địa hình bằng phẳng, cấp, thoát nước thuận lợi, nguồn nước không ô nhiễm, bao quanh ao nuôi bằng lưới cước hình nóc nhà tránh con cua bò ra bên ngoài.
Ao nuôi con cua đồng hộ bà Liên luôn thả bèo tây (lục bình), trồng thêm rau muống…để làm nơi trú ẩn, che bóng mát, giảm nhiệt cho cua đồng trong mùa nắng nóng.
Đối với khâu xử lý ao nuôi cua đồng, bà Liên hằng năm hút cạn nước, rắc 7-10kg vôi/100m2 để tiêu diệt mầm bệnh. Phơi nắng 3-5 ngày sau đó cấp nước vào đầy mương, láng đủ nước mặt ruộng trước khi thả cua giống 1-2 tuần.
Cua đồng ăn cá tạp, ốc, cám gạo, cám ngô,…Chính điều đó mà gia đình bà Liên đã đầu tư một máy xay loại lớn để nghiền thức ăn vừa cỡ miệng con cua, bình quân cứ 2-3 ngày là cho cua đồng ăn 1 lần. Thức ăn của cua đồng phải đảm bảo tươi không bị ôi thiu, nấm mốc.
Bà Phan Thị Liên (xóm 15, xã Quang Thiện) bộc bạch: "Bà con nông dân có ý định nuôi con cua đồng những tháng cuối chu kỳ nuôi cua cần tăng thêm thức ăn là động vật trong khẩu phần ăn để cua đồng nhanh lớn và chắc thịt".
Đặc biệt, cần chú ý thường xuyên thay nước cho ao, ruộng nuôi 1 tuần/lần để kích thích cua lột xác và bắt mồi mạnh, mỗi lần thay nước từ 1/4-1/3 lượng nước trong ao, mương. Trong quá trình nuôi, do con cua sinh sản thường xuyên nên bà con nông dân cần thu tỉa bớt con to bán dần, tránh tình trạng cua cắn nhau khi thiếu thức ăn.
"Mật độ nuôi cua đồng trong ao, ruộng từ 20-30 con/m2. Không nên thả cua giống trực tiếp xuống nước mà phải thả từ mé bờ ao cho cua tự bò xuống nước, tránh hiện tượng con cua bị sốc môi trường", bà Liên cho hay.