Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Tài chính - Công Thương, từ 15 giờ ngày hôm nay 21/11, giá xăng E5 RON 92 giảm 40 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 80 đồng/lít. Như vâỵ, các mặt hàng xăng quay đầu giảm sau 4 lần tăng giá liên tiếp, mức giảm khá thấp so với kỳ vọng. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.670 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.780 đồng/lít.
Về giá dầu, tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng tiếp tục điều chỉnh giảm giá, cụ thể, dầu diesel giảm 180 đồng/lít còn 24.800 đồng/lít, dầu hoả giảm 100 đồng, xuống mốc 24.640 đồng/lít.
Trong sáng nay, 21/11, dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17/11 của một thùng xăng RON 92 là 95,2 USD, RON 95 là 101,1 USD, giảm so với chu kỳ trước. Còn giá dầu cũng xuống dưới 127 USD/thùng.
Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 11/11, mỗi lít xăng đắt thêm 840-1.110 đồng/lít. Theo đó, giá RON 95-III tăng lên 23.860 đồng/lít; E5 RON 92 là 22.710 đồng/lít. Dù đã tăng giá bán nhưng các đại lý phân phối cho biết họ vẫn khó khăn trong nhập hàng.
Bộ Công Thương vừa có văn bản hoả tốc gửi các Bộ, ngành và địa phương về hàng loạt vấn đề xăng dầu, trong đó đặc biệt có việc xin ý kiến thống nhất về đầu mối quản lý xăng dầu của Bộ Công Thương.
Trong văn bản hoả tốc 7197 và 7198 của Bộ Công Thương gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương, 8 vấn đề được Bộ Công Thương đặt ra để các cơ quan trên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung trong đó.
Vấn đề về chu kỳ điều hành giá xăng dầu; việc quy định định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu; đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hãng ăng dầu; việc quản lý sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; việc sửa đổi, bổ sung nghị định về xử phạt hành chính trong hoạt động xăng dầu.
Bộ Công Thương đề nghị các Bộ, ngành, địa phương có văn bản rà soát, sửa đổi và bổ sung về Bộ. Bên cạnh đó, Bộ này đề nghị các cơ quan được xin ý kiến cử người tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95. Các văn bản và việc cử người được yêu cầu gửi về Bộ Công Thương trước ngày 20/11.
Bộ Công Thương nêu, thực hiện theo nghị quyết 143 ngày 4/11 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, công điện của Thủ tướng về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì, khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 83 và Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2022.
Theo Bộ Công Thương, đến nay, mặc dù chưa có dự thảo sửa đổi cụ thể nhưng Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát, bước đầu đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi, trong đó có vấn đề về chu kỳ điều hành giá xăng dầu, việc quy định chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn.
Ngoài ra, việc sửa đổi quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân đầu mối xăng dầu, việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, sửa đổi và bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương đề nghị các Bộ ngành và địa phương, UBND các tỉnh thành phố tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nghị định 83 và nghị định 95, có ý kiến với các nội dung đề xuất sửa đổi cũng như các nội dung khác nếu có.
Phản hồi về đề nghị này, một số chuyên gia, đại lý xăng dầu đã có phản biện, theo đó, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam không đồng tình với việc cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn bởi, nếu trong trường hợp doanh nghiệp được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn, việc quản lý tổng cung thị trường phải thay đổi, nếu không sẽ nhiễu loạn, gây khó kiếm soát về chất lượng xăng dầu cũng như tổng nguồn cung để doanh nghiệp đăng ký mua từ các nguồn với Bộ Công Thương.
Đối với các đề xuất đưa ra lấy ý kiến của Bộ Công Thương như: Thống nhất một đầu mối quản lý xăng dầu (Bộ Công Thương), PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng: Hoàn toàn hợp lý bởi Bộ Công Thương hiện đang quản lý về sản lượng, tổng cung, đến cấp phép đầu mối, thương nhân, đại lý… chính vì vậy, hiểu rõ cơ chế vận hành và các phương pháp tính giá.
Còn về việc thay đổi quy định đại lý bán lẻ được mua từ nhiều nguồn thay vì chỉ được mua một nguồn cố định theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị đinh 95 về kinh doanh xăng dầu, ông Thịnh cho rằng: Chỉ cần quy định, đại lý bán lẻ khi thay đổi nguồn cung xăng dầu, cơ quan chức năng phải xử lý, cấp phép ngay trong ngày hoặc tối đa 2-3 ngày làm việc.
Sở Công Thương các địa phương cần đơn giản các thủ tục hành chính để giải quyết việc thay đổi nguồn nhập cho đại lý bán lẻ. Nếu làm được điều này, sẽ buộc các đầu mối phải tự thay đổi chiết khấu, phải tự cung ứng hàng nhiều hơn cho đại lý, nếu không, các đại lý bán lẻ sẽ tự rời bỏ chính họ, đây là cơ chế cạnh tranh.
Theo ông Thịnh, tính độc lập, chủ động của các đại lý bán lẻ sẽ cao hơn, nó cũng đảm bảo nguyên tắc tự do thị trường và tự quyết định mua nguồn xăng ở đâu rẻ hơn, ổn định và có lợi thế cho mình hơn.
"Trước đây, quy định đại lý xăng dầu chỉ được mua từ một đầu mối không phát sinh vấn đề nhưng hiện nay tính chất của kinh doanh xăng dầu có yếu tố dị biệt, chính vì vậy phải sửa đổi các vấn đề phát sinh và theo tôi, việc cho phép thay đổi nhà cung cấp theo ngày là hợp lý nhất", ông Thịnh nói.