Dân Việt

Chương cuối cho 'bà đầm thép' của đảng Dân chủ

Trần Hoàng 21/11/2022 17:41 GMT+7
Thông tin từ chức của bà Nancy Pelosi đã kết thúc 20 năm bà lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện với nhiều thành tựu nhưng cũng không ít những tranh cãi.


Kế hoạch rời khỏi vị trí lãnh đạo đảng của bà Pelosi đã được nhen nhóm khi ông Donald Trump đánh bại bà Hillary Clinton vào năm 2016. Năm nay, việc thông báo từ chức bị gián đoạn khi chồng bà Pelosi bị tấn công.

"Với tôi, đã đến lúc cho thế hệ mới lãnh đạo những đảng viên Dân chủ mà tôi rất kính trọng", bà nói trong thông báo không tranh cử lãnh đạo đảng vào ngày 17/11. "Bây giờ, chúng ta phải mạnh dạn tiến tới tương lai"

AP cho hay Tổng thống Joe Biden đã nói chuyện với bà Pelosi vào sáng cùng ngày, chúc mừng chủ tịch Hạ viện Mỹ với nhiệm kỳ lịch sử. Bà cũng là phụ nữ đầu tiên giữ chức lãnh đạo một viện của Quốc hội Mỹ.

“Lịch sử sẽ ghi nhận bà ấy là chủ tịch hạ viện quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta", ông Biden tuyên bố, ghi nhận năng lực thống nhất các thành viên trong đảng và "phẩm giá tuyệt đối" của bà Pelosi.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Tony Cárdenas nhận định ảnh hưởng của bà Pelosi không đến từ vũ lực, mà là từ khả năng xử lý khéo léo ngay cả với những người ngoan cố nhất.

Chương cuối cho 'bà đầm thép' của đảng Dân chủ - Ảnh 1.

Bà Nancy Pelosi và ông Joe Biden đã có nhiều thập niên đại diện cho đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ, trước khi cả hai nắm những vị trí quan trọng hàng đầu đất nước. Ảnh: Reuters.

Biết cách tạo dấu ấn

Các thành viên trong những cuộc họp kín của đảng Dân chủ đã quen thuộc với chiến dịch gây áp lực của bà Pelosi, như việc phối hợp với người khác để loại bỏ đối thủ trong các cuộc đua quan trọng. Có lúc, bà mềm mỏng và tinh tế hơn khi gọi điện cho thành viên nội các nhằm đảm bảo phiếu bầu.

“Bình thường bà Nancy là một người rất tốt, nhưng bà ấy biết cách mỉa mai với phong cách rất sang trọng”, Hạ nghị sĩ Ruben Gallego nhớ lại thời điểm tranh luận trong nội bộ về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Chương cuối cho 'bà đầm thép' của đảng Dân chủ - Ảnh 2.

Biểu cảm của bà Pelosi lúc vỗ tay sau khi ông Trump đọc thông điệp liên bang năm 2019 đã gây sốt trên mạng xã hội. Ảnh: AP.

Gần đây hơn, Hạ nghị sĩ Scott Peters đã tiết lộ về cuộc tranh luận nội bộ căng thẳng về kế hoạch định giá thuốc của đảng Dân chủ vào năm 2021.

Ông Peters đã thúc đẩy những thay đổi với dự luật nói trên, vốn sẽ hỗ trợ các công ty dược phẩm trong khu vực ông đại diện, nhưng điều này vấp phải sự phản đối từ các đảng viên Dân chủ khác, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Frank Pallone.

Khi cuộc tranh luận kéo dài, bà Pelosi tập hợp những người ủng hộ cùng bên chống đối để đạt một thỏa thuận. Ông Peters kể lại sau khi mình mô tả về đề xuất, vị chủ tịch Hạ viện “chỉ nhìn qua các phe khác và nói rằng: ‘Điều đó nghe hợp lý, phải không?’”.

“Vâng, tất nhiên là vậy”, những đồng nghiệp của ông Peters phản hồi, sau khi đối diện với “cái nhìn lạnh lùng” từ bà Pelosi, ông kể lại.

Nhiều thành viên trong đảng cho biết bà ngủ rất ít. Hạ nghị sĩ Josh Gottheimer kể đã nhận cuộc gọi của bà vào rạng sáng để bàn về cuộc tranh luận căng thẳng liên quan đến cơ sở hạ tầng. Ông Gottheimer cho biết bà Pelosi đã yêu cầu tập hợp thành viên cho cuộc họp lúc 7h hôm sau.

“Tôi nói: ‘Tôi sẽ tìm họ. Bây giờ là một giờ sáng rồi’. Bà ấy đáp: “Bạn thân mến, tôi chắc chắn ông sẽ tìm được’”, ông Gottheimer kể lại. Sau đó, toàn bộ thành viên mà bà muốn tập hợp vào ngày hôm sau đều có mặt.

Đối mặt với tranh cãi

Trong nhiệm kỳ thứ hai làm chủ tịch Hạ viện, bà thường là mục tiêu bị công kích của đảng Cộng hòa. Ngoài ra, sức ép cũng đến từ những người trong nội bộ đảng.

ABC News cho hay bà thường phải đối đầu với nhóm cấp tiến trong đảng Dân chủ gồm những hạ nghị sĩ trẻ tuổi - được gọi là "The Squad" - trong vấn đề hỗ trợ Israel và những cáo buộc rằng bà Pelosi không theo đuổi tư tưởng tự do.

Chẳng hạn, Hạ nghị sĩ New York Alexandria Ocasio-Cortez đã ngồi cùng những nhà hoạt động khí hậu để biểu tình tại văn phòng bà Pelosi trong năm 2018.

Chương cuối cho 'bà đầm thép' của đảng Dân chủ - Ảnh 3.

Chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan và gặp nhà lãnh đạo Thái Anh Văn (phải) đã gặp nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Reuters.

Những sự công kích chỉ càng leo thang dưới nhiệm kỳ ông Donald Trump. Cựu tổng thống đảng Cộng hòa đã chia sẻ cáo buộc bà Pelosi "uống rượu khi làm việc", hay hoài nghi về sức khỏe chủ tịch Hạ viện. Ông cũng thường xuyên gán biệt danh cho bà như "Nancy lo lắng" hay "Nancy điên" (Crazy Nancy), theo Vox.

Trong khi đó, tranh cãi lớn nhất gần đây đến từ quyết định thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi vào đầu tháng 8. Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang vào thời điểm đó, trong khi chính quyền ông Joe Biden nhiều lần cảnh báo về rủi ro về chuyến thăm của bà Pelosi.

Trung Quốc sau đó đã tổ chức loạt tập trận quy mô lớn, cũng như tạm ngưng nhiều kênh liên lạc quân sự, ngoại giao và môi trường với Mỹ.

Ông Max Baucus - cựu Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc dưới thời tổng thống Obama - gọi chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là "khiêu khích". Ông cũng cho rằng chuyến đi của bà làm suy yếu hình ảnh của Tổng thống Joe Biden, theo Hill

Trong đại dịch Covid-19, bà Pelosi là một trong nhiều nhân vật của công chúng bị chỉ trích sau khi bà bị bắt gặp đi làm tóc tại salon trong thời điểm giãn cách xã hội.