Nhờ thực hiện đồng độ nhiều giải pháp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, cùng với chủ trương không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá. Nhờ vậy, kết quả đã có hàng triệu lao động được đi làm việc ở nước ngoài.
Thống kê của Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho thấy, từ năm 2014, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã vượt con số 100.000 người một năm. Giai đoạn từ 2013-2021, mỗi năm Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo ước tính, mỗi năm lượng kiều hối mà lao động Việt Nam gửi về nước khoảng 1,5 tỷ đô la Mỹ. Điều này không chỉ nâng cao thu nhập cho lao động, giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Không những vậy, lao động đi làm việc ở nước ngoài còn góp phần tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, khi quay lại Việt Nam tham gia vào việc phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: 2 năm nay dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có những bước tiến nhất định, góp phần phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo đời sống, nâng cao thu nhập của người lao động.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi đi làm việc nước ngoài, cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 40/2021/TTg về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Cụ thể, Điều 3, Quyết định 40 nêu trên quy định, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước với mục đích nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
"Người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ khi gặp rủi ro như tai nạn, tử vong, ốm đau, mất việc làm hoặc cần hỗ trợ pháp lý. Mức hỗ trợ từ 7- 40 triệu đồng/người, tùy từng trường hợp. Trường hợp hỗ trợ người lao động chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí giải quyết vụ việc thì mức hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí giải quyết vụ việc. Tối đa 50 triệu đồng/vụ việc. Trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa lên tới 100 triệu đồng/vụ việc".
Quyết định 40/2019/TTg về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Theo thống kê của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, trong 3 năm từ năm 2019 đến năm 2021 đã có 198 thân nhân gia đình có lao động đi làm việc ở nước ngoài tử vong được nhận hỗ trợ. 180 người lao động khác bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau bệnh tật không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc phải về nước trước hạn .
Ngày 4/2/2022, anh Phạm Văn.C (1992) ở Hải Dương đi làm việc ở Đài Loan. Đến tháng 6/2022 anh C không may gặp tai nạn và tử vong trong quá trình làm việc. Ngay lập tức, Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan đã kết nối hỗ trợ lao động và gia đình lao động đưa tro cốt anh C về nước. Sau đó Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước đã có những thăm hỏi và hỗ trợ lao động kịp thời với lao động C và hỗ trợ tiền cho mẹ của lao động ở quê nhà để lo mai táng cho lao động.
Theo quy định tại điều 14, Chương IV của Nghị định 40/2019/TTg, những lao động không may bị chết, mất tích khi đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ tối đa là 40 triệu đồng/1 trường hợp. Vì thế thân nhân của anh C được Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ số tiền là 40 triệu đồng và bàn giao cho thân nhân của lao động. Số tiền hỗ trợ theo Quyết định 40 cao hơn nhiều lần so với mức hỗ trợ trước đó.
Một lao động khác cũng nhận được hỗ trợ từ Quỹ quản lý lao động ngoài nước là chị Nguyễn Thị Hoàng (sinh năm 1992) quê Hưng Yên. Chị Hoàng là 1 trong gần 100 lao động đi làm trong xưởng may ở Công ty HHCP công nghiệp Kính Bằng (huyện Đào Viên, Đài Loan). Năm 2019, xưởng may nơi chị làm việc bị cháy. Chị Hoàng bị bỏng nặng và phải về nước. Chị cùng các lao động đã được Quỹ việc làm ngoài nước hỗ trợ một khoản là 7 triệu đồng.
Chị Hoàng chia sẻ: "Tuy mức hỗ trợ không cao, nhưng đó là sự động viên rất lớn với tôi và gia đình. Nhờ có khoản tiền đó mà tôi có tiền mua thuốc men, yên tâm điều trị".
Kể từ năm 2021, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành Quyết định 40/2019/TTg thì mức hỗ trợ cho các lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro cũng được nâng lên gấp nhiều lần.
Như vậy, bằng việc ban hành các quy định hỗ trợ người lao động không may gặp rủi ro, khi đi làm việc ở nước ngoài, Việt Nam thể hiện cam kết có trách nhiệm và thực hiện các các biện pháp cần thiết để bảo hộ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.