Giải pháp đưa lao động dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài
Giải pháp đưa lao động dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài
Thùy Anh
Thứ hai, ngày 24/10/2022 14:19 PM (GMT+7)
Tạo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập thông qua việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những giải pháp đột phá nhằm giảm nghèo cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy cần những giải pháp nào để khuyến khích đối tượng lao động này đi xuất khẩu?
Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) chia sẻ về giải pháp đưa lao động dân tộc đi làm việc ở nước ngoài. VD: N.T
Lao động vùng dân tộc thoát nghèo nhờ đi làm việc ở nước ngoài
Tới thăm gia đình anh Hoàng Văn Lập, dân tộc Thái (Xuân Lệ, Thường Xuân, Thanh Hóa) một sáng tháng 10, phóng viên Báo Dân Việt không khỏi bất ngờ về cơ ngơi của chàng trai trẻ 27 tuổi.
Gia đình từng là hộ nghèo, phải chạy ăn từng bữa nhưng nhờ ý chí, sự quyết tâm, Lập đã quay sang học tiếng để sang Nhật Bản làm việc theo chương trình thực tập sinh vừa học vừa làm (IM Japan). Kết thúc 5 năm vừa học vừa làm, chàng trai trẻ tích cóp được số vốn đủ để quay trở lại quê hương khởi nghiệp.
Lập tâm sự: "Trước đây mình sống mãi trong cái nghèo, ngỡ rằng quen. Thế rồi bố mẹ cho đi ăn học, học xong công việc không như ý thu nhập thấp, mãi mà gia đình không bước qua được cái nghèo. Nghĩ vậy nên mình quyết tâm phải vươn lên làm giàu".
Lập kể lại, lúc quyết định đi làm việc ở Nhật, cả nhà không có lấy một xu, bố mẹ còn nợ tiền nuôi anh ăn học. Để có tiền đi ăn học, Lập đã phải mượn sổ đỏ của ông thế chấp vay 50 triệu đồng. Sang đó làm công việc chống thấm nước, lương anh được 32-35 triệu chưa tính tiền tăng ca, mỗi tháng cũng dành dụm được chừng 20 triệu đồng.
Đầu năm 2022, Lập về nước, sau mấy năm đi làm mang về anh tích cóp được 700 triệu đồng. Lập dành 500 triệu đồng để xây nhà cho bố mẹ, 200 triệu đồng còn lại anh để làm ăn. Hiện giờ anh có mong muốn được quay lại Nhật làm việc để tích lũy thêm tài chính và kinh nghiệm với mong ước sau này có thể về quê khởi nghiệp.
Tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại một số huyện nghèo” vừa được tổ chức tại Thanh Hóa, ông Lò Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, Bá Thước vẫn là một huyện nghèo, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Nhận thấy điều này nên địa phương rất chú trọng vào việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con. Một trong những giải pháp tạo việc làm đó là tư vấn, hỗ trợ đưa lao động nói chung và lao động nghèo là người dân tộc đi làm việc ở nước ngoài.
Thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025", nhiều địa phương đang thực hiện các giải pháp tạo việc làm, giảm nghèo bền vững cho lao động. Một trong những giải pháp là tăng cường tư vấn, tuyên truyền giúp lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.
"Hàng năm chúng tôi đều chỉ đạo các phòng ban chuyên môn làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, làm sao để thu hút được nhiều lao động tham gia với mục tiêu mỗi năm có khoảng 100 lao động của huyện đi làm việc ở nước ngoài, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động", ông Lò Văn Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, hiện tại huyện có hơn 100 lao động đang đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều người trong số này là lao động người đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nghèo. Sau khi đi làm việc ở nước ngoài, lao động trở về đều có tích luỹ, vươn lên làm giàu, thậm chí còn có thể khởi nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Giải pháp căn bản là tuyên truyền nâng cao nhận thức
Nhận thấy hiệu quả tích cực từ việc lao động đi làm việc ở nước ngoài, thời gian qua cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ lao động.
Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết dù hiệu quả của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là rất tốt, nhưng đến nay số lượng lao động huyện nghèo và lao động người dân tộc thiểu số, lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn khiêm tốn, chưa nhiều.
Qua khảo sát tại các địa phương thì thấy số lượng người lao động thuộc nhóm này vẫn còn rất ít. Người lao động thuộc diện hộ nghèo; người dân tộc, đều được hỗ trợ từ việc làm thủ tục; chi phí đào tạo; học ngoại ngữ, học nghề; khám sức khỏe; giấy tờ khác.... và cho vay toàn bộ chi phí đi làm việc ở nước ngoài. Tuy vậy, các chính sách này chưa tiếp cận được với nhiều người dân.
Chính bởi vậy, vừa qua Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tổ chức một số hội nghị tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại một số huyện nghèo”. Qua đó, giúp cung cấp thông tin cần thiết cho cán bộ, chính quyền địa phương, từ đó giúp họ nắm bắt thông tin hỗ trợ tư vấn các thị trường, chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho lao động mà còn góp phần phát triển kinh tế, xây dựng quê hương đất nước.
Để khắc phục thực trạng lao động huyện nghèo, lao động người dân tộc thiểu số sợ sệt không dám đi làm việc ở nước ngoài, theo ông Liêm, các cơ quan chức năng, cả chính quyền địa phương cần cung cấp thông tin về thị trường lao động ngoài nước; chính sách pháp luật hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện tư vấn tuyên truyền các thị trường phù hợp với từng vùng, từng địa phương, để lao động nắm bắt, lựa chọn. Bên cạnh đó, truyền thông gương sáng điển hình đi làm việc có hiệu quả, giúp lao động nghèo, lao động dân tộc thiểu số tự tin, đăng ký đi làm việc nước ngoài.
"Lao động dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài về quê tạo ra thu nhập khá, đây là điều kiện để có thể phát triển kinh tế gia đình. Thậm chí, nhiều lao động khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương", ông Liêm nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.