Hôm 24/11, cơ quan y tế Trung Quốc cho biết số ca mắc mới trong nước hôm 23/11 là 31.444 người, trong đó 3.927 ca có triệu chứng và 27.517 ca không có triệu chứng. Con số này đã phá vỡ kỷ lục trước đó vào ngày 13/4, khi số ca mắc đạt 29.317 người.
Ngày 23/11 ghi nhận 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 5.232. Tính đến hôm qua, Trung Quốc đại lục đã xác nhận 297.516 trường hợp nhiễm Covid-19 có triệu chứng.
Hôm 23/11, Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc ghi nhận 509 ca nhiễm Covid-19 mới có triệu chứng và 1.139 ca không có triệu chứng, theo dữ liệu của chính quyền địa phương, so với 388 ca có triệu chứng và 1.098 ca không có triệu chứng vào ngày hôm trước.
Cũng trong hôm qua, Trung tâm tài chính Thượng Hải đã báo cáo 9 trường hợp có triệu chứng và 58 trường hợp không có triệu chứng, so với 15 trường hợp có triệu chứng và 53 trường hợp không có triệu chứng một ngày trước đó, cơ quan y tế địa phương đưa tin.
Quảng Châu, một thành phố ở phía nam với gần 19 triệu dân, đã báo cáo 428 trường hợp có triệu chứng và 7.192 trường hợp không có triệu chứng, so với 235 trường hợp có triệu chứng và 7.735 trường hợp không có triệu chứng một ngày trước đó, chính quyền địa phương cho biết.
Trong khi đó, Trùng Khánh ghi nhận 409 ca nhiễm Covid-19 có triệu chứng và 7.437 ca không có triệu chứng, so với 215 ca có triệu chứng và 6.728 ca không có triệu chứng vào ngày hôm trước.
Hôm 23/11, các thành phố của Trung Quốc đã áp đặt thêm biện pháp hạn chế số ca mắc Covid-19, làm tăng thêm lo lắng của các nhà đầu tư về nền kinh tế đất nước.
Tại Bắc Kinh, các trung tâm thương mại và công viên đã đóng cửa. Những khu vực từng nhộn nhịp của thủ đô giờ trở nên giống như những thị trấn ma trong bối cảnh chính quyền kêu gọi mọi người ở nhà.
Thành phố nghỉ dưỡng Tam Á trên đảo Hải Nam cấm người dân tới nhà hàng và trung tâm thương mại trong vòng ba ngày sau khi đặt chân đến đây, trong khi nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc đã áp đặt lệnh phong tỏa cục bộ.
Các nhà phân tích tại Capital economics viết: "Các nhà chức trách sẽ không rút lại chính sách Zero-Covid trong mùa đông, nhưng có một rủi ro đáng kể là các nỗ lực ngăn chặn sẽ thất bại". Họ lưu ý một thất bại như vậy có thể dẫn đến nhiều đợt phong tỏa hơn, gây ra thiệt hại chưa từng có cho nền kinh tế.
Các nhà phân tích cảnh báo: "Vài tuần tới có thể trở nên tồi tệ cho Trung Quốc, đặc biệt là đối với nền kinh tế lẫn hệ thống chăm sóc sức khỏe".