Bãi cây rễ Côn Sơn với truyền thuyết "Ông trồng thông, bà cấy rễ".
Ông Nguyễn Văn Khiêm, ở khu dân cư Tiên Sơn thầu một cánh đồng cây rễ rộng 3 ha. Điểm đặc biệt khác với khu cánh đồng cây rễ bên ngoài là khu đồng rễ của gia đình ông nằm xen với rừng thông tạo nên cảnh sắc vô cùng lãng mạn, nên thơ.
Vì vậy, khu đồng cây rễ của gia đình ông Khiêm, thu hút rất đông du khách đến chụp ảnh vào dịp cuối tuần.
Lúc vắng khách, ông Khiêm tranh thủ chăm sóc để dưỡng lá cây rễ cho xanh tốt nhằm phục vụ khách du lịch đến chụp ảnh, trải nghiệm vào dịp cuối tuần.
Nghỉ tay, ông Khiêm trò chuyện với khách. Ông Khiêm kể, khu rừng thông, bãi rễ này gắn với truyền thuyết "Ông trồng thông, bà cấy rễ".
Chuyện xưa kể lại, cụ Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, sau khi về trí sĩ ở vùng Côn Sơn-Kiếp Bạc. Ngày ngày cụ ông trồng thông trên núi Côn Sơn, còn cụ bà cấy cây rễ phủ khắp vùng đất hoang sơ dưới chân núi.
Trải qua thời gian hàng trăm năm, rừng thông, cánh đồng cây rễ phát triển đã tạo cho Côn Sơn có một cảnh sắc nên thơ.
Tìm hiểu sách sử được biết, Tư đồ Trần Nguyên Đán là chắt (đời thứ 4 hoặc thứ 5) của Thái sư, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, tôn thất nhà Trần.
Trần Nguyên Đán là ông ngoại của anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Năm 1385, Tư đồ, Chương túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán về trí sĩ tại Côn Sơn. Lúc này, Nguyễn Trãi mới 5 tuổi cũng theo ông ngoại từ kinh thành Thăng Long về ở Côn Sơn.
Từ đây ra đời truyền thuyết "Ông trồng thông, bà cấy rễ" gắn với khu bãi rễ rừng thông. Côn Sơn từ thời Tư đồ Trần Nguyên Đán về ở đây và sau này là Nguyễn Trãi đã trở thành danh sơn cổ tự, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các triều đại phong kiến trong lịch sử.
Năm 1965 Bác Hồ về thăm Côn Sơn. Tại đây, Người căn dặn: "Cán bộ và nhân dân phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để Côn Sơn trở thành nơi tùng lâm đẹp đẽ".
Những năm qua, khu di tích Côn Sơn, bãi rễ luôn được các cấp chính quyền TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương và nhân dân địa phương trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị của di tích và trồng nhiều cây xanh. Để ngày nay, Côn Sơn đã thực sự "trở thành nơi tùng lâm đẹp đẽ" như Bác Hồ mong muốn.
Khu bãi rễ được giao cho một số hộ dân thầu chăm sóc, bảo vệ và khai thác. Gia đình ông Khiêm cũng thuộc một trong số hộ thầu khu bãi cây rễ. Cũng nhờ bàn tay của họ mà khu bãi rễ có một cảnh sắc đẹp, ngày càng thu hút du khách đến chụp ảnh, quay phim.
Du khách mê mẩn với Đà Lạt thu nhỏ
Những năm trước, còn ít khách đến chụp ảnh, ông Khiêm không thu phí. Gần đây, du khách đến chụp ảnh đông, có gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, tình trạng vứt rác bừa bãi, bẻ cây rễ xảy ra nên ông có thu phí để có kinh phí cho việc dọn dẹp rác, trồng mới cây rễ những chỗ du khách đứng chụp ảnh giẫm chết cây. Mức thu phí phụ thuộc vào lượng khách, đối với khách đi lẻ, ít người ông thu 40.000 – 50.000 đồng/khách, đoàn đông có nhiều khách chỉ còn 20.000 – 30.000 đồng/khách.
Đang trò chuyện với ông Khiêm, có 2 bạn nữ trẻ đi xe máy đến hỏi ông Khiêm để vào chụp ảnh. Thấy cảnh đẹp, 2 bạn trẻ òa lên sung sướng. Người này nói với người kia: "Đẹp như Đà Lạt". Sau khi thỏa thuận mức phí, 2 cô gái trẻ sà đến các cây rể mê mẩn chụp ảnh. Trong cái nắng sớm tinh sương của buổi sáng, các tia nắng xuyên qua tán cây thông chiếu xuống đất khiến cho khu bãi rễ rừng thông càng thêm đẹp lung linh.
Hỏi chuyện được biết, hai bạn trẻ tên là Phạm Thị Mai, Nguyễn Thị Mỹ Linh đến từ huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương). Qua xem trên mạng xã hội và báo chí, Mai, Linh biết ở Chí Linh có bãi rễ rừng thông Côn Sơn.
Sáng sớm hai bạn trẻ đã đi từ Ninh Giang lên Chí Linh để chụp ảnh, trải nghiệm. Mỹ Linh cho biết, khi đến đây, bạn cảm nhận được sự yên bình quên mọi âu lo. "Cảnh ở đây rất đẹp, không có từ nào diễn tả được. Không khác gì một Đà Đạt ạ!"- Mỹ Linh chia sẻ.
Trò chuyện với những người làm du lịch chuyên nghiệp hay các traveler họ cũng không ngớt dành những lời khen cho khu bãi rễ rừng thông Côn Sơn.
Chị Khánh Vân (đến từ Hà Nội) là người được đào tạo về du lịch và giàu trải nghiệm nhiều nơi trên thế giới. Hầu như những nơi có cảnh đẹp, điểm du lịch nổi tiếng trong nước chị đã đặt chân đến. Đương nhiên một bãi rễ Côn Sơn đẹp như vậy chị Vân không thể bỏ qua. Chị nhiều lần về đây chụp ảnh với người thân, bạn bè. Chị đánh giá rất cao sản phẩm du lịch của Chí Linh nói chung và bãi rễ rừng thông Côn Sơn nói riêng.
Về du lịch tâm linh, Chí Linh có hệ thống các di tích, danh thắng thờ các danh nhân lịch sử những vị tướng, nhà giáo, nhà văn hóa kiệt xuất trong lịch sử như: Đền Kiếp Bạc thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo; đền Chu Văn An thờ thầy Chu Văn An và bãi rễ Côn Sơn nằm trong quần thể, không gian di tích Côn Sơn thờ người anh hùng Nguyễn Trãi.
Bên cạnh đó thời tiết khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên ở đây rất đẹp và lãng mạn. Được dạo chân trên bãi rễ như đang được hoà mình vào thiên nhiên, mùi hương thơm của cây rễ rất đặc trưng thơm dịu quện vào trong gió với cảnh đẹp xanh mướt của bãi rễ bao quanh là những dãy núi rất đẹp.
Chị Vân cho rằng, khi đến đây, du khách sẽ thu về được những bức hình đẹp tuyệt vời, lãng mạng, thơ mộng. "Không quá khi nói bãi rễ Côn Sơn - Chí Linh là một Đà Lạt thu nhỏ"- chị Vân nói.
Tuy nhiên, chị Vân cũng chỉ ra những điều còn hạn chế, đó là cần phải có nhiều các dịch vụ hơn nữa như nhà nghỉ dưỡng Homestay, dịch vụ ăn uống, hay các dịch vụ trải nghiệm khác.
Chị cũng cho rằng loại hình Homestay rất phù hợp khi phát triển ở khu bãi rễ Côn Sơn vì cảnh quan thiên nhiên khí hậu đẹp, trong lành, mát mẻ, không gian sinh thái, văn hóa, lịch sử và tâm linh xứng đáng để du khách ở lại để khám phá.
Ông Nguyễn Văn Hà, Bí thư Đảng ủy phường Cộng Hòa (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) cho biết, hiện nay, bãi rễ được giao thầu cho một số bà con khu dân cư Tiên Sơn chăm sóc, bảo vệ và khai thác. Ở bãi cây rễ này, người dân mới chỉ dừng lại ở việc thu hoạch cây bán cho những người làm chổi rễ là chính còn thu phí dịch vụ chỉ mới hình thành gần đây.
Cũng theo ông Hà, muốn phát triển các loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch khác tại khu này cũng khó, bởi vướng cơ chế, vì nơi đây nằm trong vùng bảo vệ di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.
"Mong sao các cấp lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Hải Dương và TP Chí Linh nghiên cứu để có giải pháp, cơ chế giúp nhân dân địa phương phát triển thêm các sản phẩm, đa dạng các loại dịch vụ du lịch", ông Hà cho hay.