Dân Việt

Bất ngờ trước tính thiết thực của dự án "Trung tâm dịch vụ chăn nuôi thú y online - offline"

Thùy Anh 25/11/2022 15:56 GMT+7
Lần đầu tiên, một ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp dựa vào công nghệ lọt vòng chung kết của cuộc thi Startup Kite 2022. Dự án "Trung tâm dịch vụ chăn nuôi thú y online - offline" đang được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi tính khả thi, sự nhân văn.

Chuyển đổi mô hình kinh doanh chăn nuôi thú y truyền thống sang hiện đại

Dự án "Trung tâm dịch vụ chăn nuôi thú y tổng hợp online - offline" là dự án 67 tham gia cuộc thi và lọt vào vòng chung kết của cuộc thi Startup Kite 2022. Cuộc thi được phát động bởi Tổng cục GDNN nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN. 

Đây là dự án của nhóm tác giả Lương Thị Anh, Đặng Tuấn Anh, Lô Văn Tuấn, Quang Thị Duyên, đến từ Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An.

Dự án kinh doanh các dịch vụ chăn nuôi thú y tổng hợp là một hướng kinh doanh đã xuất hiện từ rất lâu. Từ hình thức mở cửa hàng bán buôn, bán lẻ trực tiếp kiểu truyền thống đến hình thức kinh doanh online theo xu thế thời đại công nghệ 4.0 qua Facebook, Zalo… Tuy nhiên mỗi hình thức kinh doanh đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau.

cuộc thi  Startup Kite

Thành viên của dự án trình bày về triển vọng, ưu điểm của dự án. Ảnh: NV.

Để dịch vụ chăn nuôi thú y hoạt động hiệu quả và tận dụng được tối đa thời gian và nguồn lực từ các cửa hàng, thú y viên sẵn có trên địa bàn (hệ thống offline) cũng như tiên phong ứng dụng các nền tảng công nghệ hiện đại (web, app, tổng đài online, Facebook, Zalo...) nhóm tính tới việc thành lập một app công nghệ điều phối. 

Qua khảo sát nghiên cứu, nhóm chọn hình thức kinh doanh kết hợp giữa hình thức kinh doanh online với hình thức kinh doanh offline và từ đó hình thành nên ý tưởng thực hiện Dự án "Trung tâm dịch vụ chăn nuôi thú y online - offline".

Ý tưởng "Trung tâm dịch vụ chăn nuôi thú y online" thực tế, triển vọng

Lương Thị Anh, thành viên của nhóm cho biết vì là người con của đồng bào dân tộc thiểu số nên bản thân cô đã chứng kiến cảnh nhiều bà con thôn bản chăn nuôi thua lỗ do thiếu kiến thức chăn nuôi, thiếu nguồn cung về thuốc thú y, thức ăn, thú y viên...  Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc thú y của bà con mất rất nhiều thời gian, tiền của vì phải đi lại, chờ đợi.

"Cuộc thi Startup Kite năm 2022 được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 11/2022, thu hút 1.512 ý tưởng, dự án tham dự vòng sơ tuyển. Trong đó, có 206 dự án của các em học sinh, sinh viên của 57 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 30 tỉnh, thành phố được lựa chọn vào vòng bán kết và 80 ý tưởng, dự án được lựa chọn vào vòng chung kết".

Ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH)

Để hỗ trợ bà con nông dân khắc phục hạn chế này, nhóm đã khảo sát và đưa ra ý tưởng triển khai dự án Trung tâm dịch vụ chăn nuôi thú y tổng hợp online - offline với các giải pháp sản phẩm khác biệt với nhiều dịch vụ.

Thứ nhất, ứng dụng công nghệ vận hành công nghệ vận hành qua website chuyên ngành tổng đài online, app dịch vụ chăn nuôi.

Thứ 2, đào tạo nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh miễn phí.

Thứ 3 cung cấp mạng lưới thú y viên; cửa hàng thành viên hoạt động offline, online...

Khách hàng tiếp cận chỉ cần gọi điện thoại; nhắn tin qua Zalo, Facebook hoặc app... điều phối viên hoặc bộ phận xử lý trung tâm tiếp nhận yêu cầu dịch vụ, ngay lập tức trung tâm sẽ gửi phản hồi và gửi lệnh cho trung tâm cung ứng dịch vụ gần khách hàng nhất.

Sau khi hoàn thành dịch vụ, điều phối viên sẽ gọi điện cho khách hàng để kiểm tra, thu thập ý kiến của khách hàng về chất lượng dịch vụ. Khách hàng của dịch vụ là: Nông dân; người chăn nuôi; nông hộ; trang trại; cơ sở cung ứng dịch vụ thú y; doanh nghiệp; sở, ban, ngành...

Trung tâm hướng tới khách hàng ở miền Tây Nghệ An, xa hơn là các tỉnh trong cả nước. Về lộ trình xác định phát triển, nhóm xác định dành một năm (2022-2023) để nghiên cứu thị trường, xây dựng áp, chuẩn bị cơ sở vật chất. Năm 2023 vận hành website, tổng đài tại 2 huyện của Nghệ An. Giai đoạn 2023-2027 nhóm đặt mục tiêu mở rộng diện tích thức ăn con giống, phát triển thị trường toàn tỉnh. Giai đoạn 4 từ 2028-2032 mở rộng dự án ra toàn khu vực miền trung, vận hành app với thú y viên, cửa hàng cung ứng thức ăn, thuốc thú y...

khởi nghiệp chăn nuôi thú y

Dự án hy vọng sẽ tạo ra hệ sinh thái trong cung ứng dịch vụ chăn nuôi thú y trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh trong cả nước. Ảnh: NN

Trên ý tưởng đó, dự án cũng xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động. Xây dựng mô hình nhân sự chất lượng cao (tổng đài viên; mạng lưới thú y viên; chuyên gia...) kèm xây dựng chiến lược bán hàng đa dạng, nhiều kênh từ trực tuyến tới trực tiếp, từ online đến offline, thực hiện chế độ hậu mãi, khuyến mại... để thu hút khách hàng.

Điểm mạnh của dự án là ứng dụng công nghệ vận hành hệ thống; đội ngũ chuyên gia vận hành chuyên nghiệp; kết hợp kinh doanh offline và online; phù hợp với xu hướng chăn nuôi mở rộng, ứng dụng công nghệ thông tin; ngoài ra dự án còn thế mạnh đó là đào tạo hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi thú y miễn phí...

"Đặc biệt, đây là mô hình không cần đầu tư nhiều vốn, trong khi đó tỷ trọng nông nghiệp lớn, chăn nuôi chiếm tỷ trọng 49% trong ngành nông nghiệp. Vì vậy, đây là điều kiện thuận lợi giúp dự án phát triển, thành công", Lương Thị Lan Anh nói.