Hơn 70 nghìn lao động nông thôn tỉnh Thanh Hóa được đào tạo nghề

Thùy Anh Thứ năm, ngày 17/11/2022 06:00 AM (GMT+7)
Hơn 85% lao động sống ở nông thôn, vì thế thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa rất chú trọng tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đây là mục tiêu để nâng cao chất lượng nguồn lao động, phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận 0

Hơn 70 nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề

Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Bí thư về tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Kết quả, trong 10 năm từ 2010 -2020 tỉnh Thanh Hóa đã đào tạo nghề cho gần 4,500 thanh niên nông thôn, trong đó có hơn 1,5 nghìn nữ thanh niên nông thôn.  

Kết thúc khóa học, 90% các học viên sau khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định. Cụ thể: 1.1.498 người có việc làm mới, 636 người làm việc cũ, 1.142 người thay đổi công việc, 763 người xuất khẩu lao động.

đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh thanh hóa

Đào tạo nghề trồng lúa thơm cho nông dân tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: NN

Ngoài ra, tỉnh cũng đào tạo hơn 32 nghìn nông dân trực tiếp làm nông nghiệp, trong đó có hơn 18 nghìn lao động nữ. Kết thúc khóa học, 89% các học viên sau khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định. Cụ thể: 9.299 người có việc làm mới, 11.364 người làm việc cũ, 7.616 người thay đổi công việc, 213 người xuất khẩu lao động.

Tỉnh cũng chú trọng dạy nghề đáp ứng xây dựng nông thôn mới. Qua 10 năm, tổng số nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo từ chương trình trên là 34.101 người, trong đó nữ là 15.507 người.

Ông Lê Đình Tùng - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua 10 năm thực hiện, nhiều mô hình dạy nghề gắn với sản xuất, kinh doanh ngày được mở rộng. Số người có nhu cầu và đăng ký học nghề tăng qua các năm. Số lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm khoảng 90%. Chất lượng nâng lên, người lao động sau học nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ. Nhờ vậy, nâng cao thu nhập cho lao động, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng còn nhiều hạn chế. Hoạt động đào tạo nghề chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai công tác này còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền; chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch nông thôn mới.

Trong 10 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã bố trí hơn 270 tỷ đồng để thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, ngân sách trung ương là hơn 208 tỷ đồng, ngân sách tỉnh chi hơn 46 tỷ đồng, các nguồn khác là hơn 16 tỷ đồng.

Bên cạnh đó cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề còn nhiều bất cập; đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo cơ cấu, kỹ năng nghề còn hạn chế, thiếu giáo viên dạy tích hợp (dạy lý thuyết và thực hành), thiếu kinh nghiệm thực tế sản xuất. Việc triển khai các chương trình còn chậm, chưa sát với yêu cầu của thị trường lao động, học nghề.

"Nguyên nhân là do sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trong việc phối hợp đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề và sử dụng lao động sau đào tạo chưa chặt chẽ. Kinh phí Trung ương hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn còn ít so với nhu cầu,  ngân sách địa phương hạn hẹp,  sự huy động được nguồn khác hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế", đại diện sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.

Giai đoạn tới đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 30%; đào tạo mới chiếm khoảng 60% và đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho khoảng 40%.

 Tỷ lệ người lao động đào tạo mới có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sau khi học nghề đạt trên 80; Trên 50% lao động vùng dân tộc thiểu số trong độ tuổi có nhu cầu được đào tạo nghề; trên 70% người lao động nông thôn được đào tạo kỹ năng về công nghệ thông tin...

Giai đoạn 2026-2030, tỉnh phấn đấu đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 75%, đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 25%; đào tạo mới chiếm khoảng 45% và đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho khoảng 55% số người được đào tạo; tỷ lệ lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo là nữ chiếm trên 40%; tỷ lệ người lao động đào tạo mới có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sau khi học nghề đạt trên 85%...

đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở thanh hóa

Dạy nghề cho lao động nông thôn xem là một trong những đột phá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: N.T

Ông Tùng cho biết, thời gian tới tỉnh tiếp tục tăng cường sự quản lý, lãnh đạo đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nông thôn. Ưu tiên hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng để chuyển đổi nghề nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lao động là yếu thế bị bị tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các đối tượng chính sách khác. Lồng ghép đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng làm việc cho người lao động trong quá trình đào tạo nghề như kỹ năng làm việc nhóm, tác phong công nghiệp, ý thức nghề nghiệp, kỹ năng về an toàn lao động, kỹ năng khởi nghiệp…

"Đặc biệt, tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, tuyển sinh, tổ chức đào tạo và đánh giá, cấp chứng chỉ, tạo việc làm cho lao động nông thôn", ông Tùng nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem