Những năm gần đây, gà đồi Yên Thế đã trở thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, đem lại giá trị sản xuất lên tới 1.500 tỷ đồng/năm cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Thế với 3 sản phẩm OCOP, bao gồm: giò gà, chả gà và gà Yên Thế nguyên con.
Chia sẻ với PV báo Điện tử Dân Việt, Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế nhận định: "Chăn nuôi gà đã và đang trở thành một nghề mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Yên Thế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân".
Ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang (thứ 4 từ trái qua) cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày về các món ăn được chế biến từ gà đồi Yên Thế. Ảnh: Kim Duyên
Cũng theo ông Sơn, hiện huyện Yên Thế đang duy trì tổng đàn gà từ 3,5 - 4 triệu con/năm với quy mô ổn định, cơ cấu giống gà cũng theo hướng đa dạng về chủng loại.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành nông nghiệp Yên Thế thường xuyên điều chỉnh tổng đàn cho hợp lý từng thời điểm; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất thông qua phát triển các THT, HTX....
Công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được huyện Yên Thế đặc biệt trú trọng. Nhiều công nghệ mới, công nghệ cao được ứng dụng như lai tạo giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, sử dụng chế phẩm sinh học (đệm lót sinh học) trong chăn nuôi bảo vệ môi trường, sử dụng hệ thống máng ăn, máng uống tự động, hệ thống làm mát... đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và phát triển theo hướng bền vững.
Các sản phẩm được chế biến từ gà của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế. Ảnh: Kim Duyên.
Nhờ đó, hàng năm gần 4.000 hộ chăn nuôi gà với quy mô từ 1.000 con/lứa trở lên trên địa bàn đã cung cấp ra thị trường từ 12 đến 14 triệu con, trên 10 triệu quả trứng và doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng (chiếm 60% giá trị ngành chăn nuôi của huyện). Nhiều trang trại, gia trại hình thành lên các vùng sản xuất tập trung tại các xã như Đồng Tâm, Đồng Kỳ, Canh Nậu, Tiến Thắng, Tam Hiệp, Tam Tiến…
Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương khẳng định: "Chăn nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân và cho thu nhập ổn định, khá cao so với sản với sản xuất nông sản khác. Qua đó, đã góp phần tạo thôi nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn".
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang trao Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cho 19 xã, thị trấn trên địa bàn. Ảnh: Kim Duyên
Sản phẩm gà đồi Yên Thế đã được mở rộng và tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Nhưng không dừng lại ở thị trường trong nước, đến nay nhãn hiệu chứng nhận Gà đồi Yên Thế cũng đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước là Lão, Trung Quốc và Singapore.
Nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế của gà đồi Yên Thế, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Phòng Nông nghiệp Yên Thế: "Cần đẩy mạnh quảng bá xây dựng thương hiệu nhãn hiệu bao bì nhãn Mác và mở rộng thị trường tiêu thụ, thực hiện tốt các cơ chế chính sách của trung ương, tỉnh về hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý. Đồng thời cần xây dựng cơ chế hỗ trợ duy trì và phát triển các nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương".