Đình Mỹ Hổ nằm trên đường Lê Quý Đôn, khu hành chính 2, Liên Bảo, Tp Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Đình thờ 7 anh em dòng họ Lỗ (Thất vị Đại vương) đã có công giúp vua Trần Thái Tông đánh giặc Nguyên Mông giữ yên bờ cõi. Được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh 3/2014.
Đình cổ Mỹ Hổ điểm đến mới của du khách khi đặt chân đến TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đình Mỹ Hổ trước đây thuộc thôn Mỹ Hổ, làng Bảo Sơn, tổng Định Trung, được xây dựng vào thế kỷ XIII, thời nhà Trần.
Trong đình lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: hòn đá cổ, bát nhang cổ, kiệu, bộ chấp kích và 5 đạo sắc phong do triều đình phong kiến ban cấp. Đình được tu bổ tôn tạo từ năm 2011 đến năm 2013 thì khánh thành.
Thủ từ Nguyễn Văn Hoan, người chứng kiến nhiều thăng trầm của đình Mỹ Hổ, đường Lê Quý Đôn, khu hành chính 2, Liên Bảo, Tp Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Đình cổ Mỹ Hổ là nơi thờ 7 anh em dòng họ Lỗ (Thất vị Đại vương) đã có công giúp vua Trần Thái Tông đánh giặc Nguyên Mông.
Trao đổi với PV Vanhien.vn, Thủ từ Nguyễn Văn Hoan 86 tuổi, người đã có 19 năm trông coi đình cho biết: "Tôi là người dân sống ở đây từ nhỏ, lớn lên làm Đội trưởng sản xuất của thôn, nhiều lần được mời lên xã làm cán bộ, đi bộ đội nhưng dân không đồng ý, họ bảo phải tiếp tục ở lại làm Đội trưởng sản xuất để phục vụ bà con.
Tôi làm Đội trưởng sản xuất từ năm 1966-1997 thì nghỉ, trước khi nghỉ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Huân chương lao động hạng 3 và được hơn 1 triệu đồng; hiện được trợ cấp 430.000 đ/tháng tiền cho người cao tuổi và 117.000 đ/tháng tiền trông nom đình theo quy định của nhà nước."
Đình Mỹ Hổ thờ 7 anh em họ Lỗ được Thái sư Trần Thủ Độ thu dung, có công giúp vua Trần Thái Tông đánh giặc Nguyên Mông giữ yên bờ cõi.
Theo các cụ cao niên và sử sách ghi lại, đình Mỹ Hổ được xây dựng vào cuối thời nhà Lý. Tại sách Bầu Lý, tổng Lã Hương, động Tam Dương, phủ Đoan Hùng có ông Lỗ Trọng lấy bà Khổng Thị Liên, sinh được 7 người con (6 trai, 1 gái). Cả 7 anh em đều dũng cảm, mưu lược hơn người.
Trước họa Nguyên Mông năm Ất Mão, vua Trần Thái Tông sai sứ thần mang hịch chiêu dụ 7 anh em họ Lỗ về triều phụng, ban cho 6 ông giữ chức điền quân thị nội, người em gái giữ chức tham tán quân sự, có nhiệm vụ bảo vệ Sơn Tây và phía tả ngạn Sông Hồng, phía Tây Bắc lấy sông Lô làm chiến tuyến.
Quân dân Đại Việt kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 vào mùa Xuân năm Mậu Ngọ 1258, vua cho mở yến tiệc khánh tạ ban công trạng phong thưởng cho 7 anh em họ Lỗ, nhưng 7 anh em bái tạ không nhận chức, xin được về quê cai quản tại sách Bầu Lý, động Tam Dương và núi Đinh.
Sau này, 7 anh em dòng họ Lỗ cùng được an táng ở chân núi Đinh (thuộc xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay); nhân dân địa phương lập đình miếu phụng thờ, trong đó, có Đình Mỹ Hổ.
Đình Mỹ Hổ xưa là công trình văn hóa lớn; năm 1947, đình bị giặc Pháp tàn phá, chỉ còn lại phần móng bằng gạch, đá ong, bát hương cổ vỡ và hòn đá cổ, sau đó nhân dân phải chuyển nơi thờ tự của đình về gần khu vực chùa Bảo Sơn, Liên Bảo, Vĩnh Yên (vẫn thuộc khu vực của làng).
Để giữ gìn truyền thống của dân tộc, nhân dân địa phương đã chung sức khôi phục, xây dựng lại ngôi đình ở khu vực đình cũ ngày xưa (vị trí đình bây giờ).
Năm 2009, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định phê duyệt địa điểm trên nền ngôi đình cũ với diện tích 700 m2, còn hơn 1000 m2 diện tích cũ của đình vẫn để trống. Đình cổ Mỹ Hổ được xây từ năm 2011-2013. Đình Mỹ Hổ đã được tôn tạo gồm đại đình, trung đình, hậu cung, sân đình, nhà khách.
Bên ngoài đình có đôi nghê, lư hương, bàn đá, tạo nên cảnh quan vừa tôn nghiêm, vừa gần gũi. Bên trong đình thờ bài vị của Thất vị Đại vương 7 anh em họ Lỗ, bên phải là bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ qua các thời kỳ và bên trái thờ tượng Bác Hồ và hai đạo sắc phong đã được dịch.
Kiệu được dùng trong lễ hội chính tưởng nhớ 7 anh em dòng họ Lỗ-Lỗ Đinh Sơn thất vị đại vương tại đình cổ Mỹ Hổ 25/10 âm lịch hàng năm.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của Lỗ Đinh Sơn thất vị đại vương, hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào ngày 25/10 âm lịch nhằm ôn lại truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Lễ rước sẽ đi đến nghè (miếu thờ thần) gần đó rồi quay về đình, nhưng thời kháng chiến, nghè đã bị tàn phá, vì thế, nhân dân địa phương luôn mong muốn nghè được khôi phục để việc rước kiệu được tổ chức đúng với nghi lễ cổ truyền.