Dân Việt

Cả làng phục lăn ông nông dân Đồng Nai sáng chế máy cắt cỏ tự động, loáng cái đã cắt xong cả vườn

Ngọc Hoàng 26/11/2022 15:07 GMT+7
Ông nông dân Bùi Văn Luyện (ngụ ấp Bảo Thị, xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) được nhiều người biết đến vì cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, có nhiều sáng chế, trong đó có sáng chế máy cắt cỏ tự động...

Trong quá trình lao động hằng ngày, nhiều nông dân chân đất ở huyện miền núi Xuân Lộc (Đồng Nai) tuy trình độ văn hóa không cao nhưng đã tự mày mò chế tạo ra nhiều loại máy móc, dụng cụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu nhân công lao động, hạ giá thành đầu tư và đem đến lợi nhuận cao hơn trên cùng một diện tích đất sản xuất.

Cả làng phục lăn ông nông dân Đồng Nai sáng chế máy cắt cỏ tự động, loáng cái đã cắt xong cả vườn - Ảnh 1.

Máy cắt cỏ tự động do nông dân Bùi Văn Luyện (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) sáng chế. Ảnh: N.Hoàng

Trong số đó có lão nông Bùi Văn Luyện (ngụ ấp Bảo Thị, xã Xuân Định) được nhiều người biết đến vì cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, có nhiều sáng chế, cải tiến, chế tạo ra các loại máy móc, dụng cụ hỗ trợ gia đình trong lao động sản xuất.

“Độ chế” máy móc, giảm sức lao động tay chân

Ông Luyện chia sẻ: “Nghề nông rất vất vả, hằng ngày phải vật lộn với đống cỏ rác trong vườn nên toàn thân đau nhức ê ẩm. Vì lẽ đó mà mơ ước có được chiếc máy hỗ trợ một phần công việc dọn vườn luôn thôi thúc và tôi đã mày mò chế tạo ra máy cắt cỏ, băm cành. Có máy, khi tỉa cành xuống tôi cho băm nhỏ làm phân bón hữu cơ tại chỗ nên cây cũng tốt hơn”.

Trưởng phòng NNPTNT huyện Xuân Lộc Lê Thị Hiệp:

Sẽ nhân rộng mô hình cải tiến máy móc nông nghiệp

Các loại máy móc do nông dân Bùi Văn Luyện chế tạo và cải tiến đã đem lại hiệu quả thiết thực. Qua đó tiết kiệm được công lao động, hỗ trợ giúp nông dân làm việc nhàn hơn, giảm được chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tới đây, đơn vị sẽ tham mưu tổ chức hội thảo, giới thiệu cho bà con về sản phẩm và công năng của các loại máy này nhằm nhân rộng mô hình, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đẩy nhanh và sớm hoàn thành tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Sở hữu trên 4ha đất trồng cây sầu riêng đã cho thu hoạch, trong đó hơn phân nửa diện tích có niên hạn từ 15-20 năm tuổi, trước đây vườn sầu riêng nhà ông Luyện luôn ngập trong cỏ rác. Vấn đề dọn vườn, bón phân, tưới nước luôn là một áp lực lớn và tiêu tốn của gia đình ông khá nhiều chi phí từ việc thuê nhân công. 

Bên cạnh đó, công nghiệp phát triển, thanh niên và người lao động nhàn rỗi đa phần đã đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp tại các khu công nghiệp ở TP Long Khánh và huyện Xuân Lộc dẫn đến thiếu hụt nhân lực lao động, các nhà vườn như gia đình ông Luyện rơi vào cảnh rất khó khăn trong việc thuê mướn người chăm sóc vườn.

Bà Lê Thị Thêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Định cho biết: “Thời gian qua, phong trào phát minh, sáng kiến, chế tạo ra các loại máy móc vật dụng hỗ trợ lao động của bà con nông dân đã đem lại nhiều hiệu quả. Đặc biệt mô hình chế tạo các loại máy cắt cỏ, băm cành, máy thổi lá… của nông dân Luyện đem lại cho gia đình ông nhiều lợi ích, nhất là máy móc góp phần làm giảm chi phí đầu tư, giảm công lao động mà tăng hiệu quả kinh tế”.

Mê sáng chế, chế tạo và cải tiến

Từ những khó khăn trong lao động, sản xuất, lão nông Bùi Văn Luyện, ngày đêm tự tìm tòi nghiên cứu và năm 2020, chiếc máy cắt cỏ tự động đầu tiên do ông chế tạo đã ra đời. 

Chiếc máy với nhiều tiện lợi và công năng như cắt cỏ được trên tất cả các địa hình, ít tiêu tốn nhiên liệu và công suất cắt gấp 4 lần so với máy cắt tay được bán trên thị trường.

Ông Luyện cho hay, công năng chiếc máy này có thể cắt cỏ được 1ha đất/ngày với lượng nhiên liệu tiêu tốn tầm 3 lít dầu trị giá trên 60 ngàn đồng. 

Nhờ đó, công việc làm vườn cũng nhẹ nhàng hơn so với trước đây. Nông dân chỉ việc ngồi trên xe và vừa điều khiển xe dạo cắt, vừa theo dõi cây trồng trong vườn xem có bệnh tật, sâu rầy không để xử lý.

Nói về kinh nghiệm chế tạo máy cắt cỏ tự động của mình, ông Luyện chia sẻ: “Mình dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu về ưu nhược điểm của các loại máy cắt cỏ trên thị trường, tìm ra nguyên lý hoạt động của các động cơ cho phù hợp..., từ đó, rút kinh nghiệm làm cho sản phẩm, hạn chế tối đa nhược điểm. 

Ngoài phần động cơ máy và linh kiện phải mua, hay tận dụng các vật có sẵn ở nhà tôi cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi lân la vào các tiệm phế liệu mua lại những thiết bị cũ để tái sử dụng nhằm giảm chi phí đầu tư”.

Cả làng phục lăn ông nông dân Đồng Nai sáng chế máy cắt cỏ tự động, loáng cái đã cắt xong cả vườn - Ảnh 4.

Các đại biểu thuộc sở, ngành của tỉnh Đồng Nai và huyện Xuân Lộc tham quan mô hình máy cắt cỏ tự động của nông dân Bùi Văn Luyện tại vườn trồng sầu riêng ở xã Xuân Định.

Theo ông Luyện, khó nhất trong quá trình hoàn thiện sản phẩm là phần chế dao băm cây, lúc đầu máy chỉ cắt được cỏ chứ không thể băm, tôi phải nghiên cứu “độ” dao thành mâm cắt, phần mâm chế thêm bộ phận băm cành, nên hiện nay máy hoạt động rất hiệu quả. 

“Ngoài ra, trong quá trình đẩy xe đi cắt, người điều khiển cũng khá mệt do đi bộ nhiều, tôi nghiên cứu và chế thêm ghế và bánh xe để ngồi, vậy là chiếc máy cắt cỏ tự động và đa năng đã được hoàn thiện” - ông Luyện nói.

Không những chế tạo ra máy cắt cỏ tự động, ông Luyện còn chế tạo ra các loại máy hỗ trợ khác như: máy cắt cỏ gốc sầu riêng đẩy tay, máy băm vụn cành lá để làm phân, máy thổi lá và máy lùa gom lá… Từ khi được máy móc hỗ trợ, công việc nhàn hạ hơn, làm việc không tốn quá nhiều công sức nên gia đình ông luôn vui vẻ và “nghiện” luôn việc ra vườn lao động. 

Bên cạnh đó, gia đình ông còn lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân và phun thuốc tự động, đã góp phần giảm được chi phí đầu vào, tăng năng suất và chất lượng đầu ra.

Sẽ tổ chức cho nông dân học hỏi

Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã sẽ chỉ đạo cho Hội Nông dân xã tuyên truyền, tổ chức các đợt tham quan học tập và nhân rộng mô hình này, hướng đến toàn xã đều áp dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào canh tác để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.

Xã Xuân Định có trên 450ha diện tích trồng cây sầu riêng, vùng đất chuyên canh cây trồng này cần khá nhiều công lao động trong việc dọn và chăm sóc vườn mỗi năm. Chính vì thế, những chiếc máy do ông Luyện chế tạo là cứu cánh cho người dân trồng loại cây đặc sản này…

Tham quan mô hình chế tạo các loại máy móc hỗ trợ nông nghiệp của ông Luyện, Chủ tịch Hội Nông dân H.Xuân Lộc Phan Thanh Xứng cho biết, theo thống kê, Xuân Lộc đã hình thành được 9 vùng sản xuất tập trung đối với các loại cây trồng chủ lực như: rau, xoài, thanh long, hồ tiêu, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh… với tổng diện tích hơn 20 ngàn ha.

Tại các vùng sản xuất này đều đã được đầu tư hệ thống lưới điện, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất. 

Cùng với đó, tỷ lệ áp dụng giống mới đối với cây trồng ngắn ngày cũng đã đạt 100%; cây lâu năm đạt trên 85%; Việc áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất cũng đạt từ 95-100%, tỷ lệ tưới nước tiết kiệm đạt gần 45%; tỷ lệ áp dụng hệ thống nhà màng trong sản xuất rau, dưa lưới cũng đạt trên 70%.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, đưa bà con đến tham quan, học tập thực tế tại các mô hình sản xuất công nghệ cao, cũng như các mô hình chế tạo các loại máy móc hỗ trợ nông nghiệp hiệu quả như mô hình máy cắt cỏ tự động của nông dân Bùi Văn Luyện. Đồng thời, hỗ trợ vốn để nông dân trang bị máy móc cơ giới vào sản xuất.

Phó chủ tịch UBND xã Xuân Định Ngô Việt Anh cho biết, gia đình ông Luyện có tổng diện tích vườn khá lớn, trước đây làm không xuể nên ông phải thuê thêm nhân công lao động. Từ khi ông chế tạo ra các loại máy hỗ trợ lao động thì chuyện làm vườn đã nhàn hơn, ông có thêm quỹ thời gian lo cho gia đình và con cái.