Dân Việt

Cặp vợ chồng thuê ôtô đi trộm biệt thự liên tỉnh có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung 26/11/2022 15:54 GMT+7
Luật sư đã bình luận về vụ Đào Mạnh Toàn cùng vợ và một đồng phạm khác thuê ôtô lái từ Nghệ An vào miền Nam, dọc đường đi đã đột nhập 9 biệt thự, đến TP.HCM trộm nhiều tài sản của 4 biệt thự khác.

Triệt phá nhóm thuê ôtô đi trộm biệt thự liên tỉnh

Tối 25/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM đang tạm giữ Đào Mạnh Toàn (42 tuổi, quê Nghệ An), Phạm Thị Bích Ngọc (36 tuổi, vợ Toàn) và Nguyễn Quang Hưng (43 tuổi, cùng quê Nghệ An) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.

Cặp vợ chồng thuê ôtô đi trộm biệt thự liên tỉnh có thể bị xử lý thế nào?  - Ảnh 1.

Hưng (áo trắng) cùng vợ chồng Toàn. Ảnh: Công an cung cấp

Theo cảnh sát, Toàn, Ngọc và Hưng là 3 nghi phạm gây ra hàng loạt vụ trộm tại các biệt thự ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác.

Thực hiện theo chỉ đạo của ban giám đốc Công an TP.HCM, Đội 4 - Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Thủ Đức, Công an quận Bình Thạnh, đã bắt giữ nhóm trộm liên tỉnh sau 2 tháng lập chuyên án.

Cảnh sát cho biết thủ đoạn nhóm này là thuê ôtô tự lái hiệu Fortuner từ Nghệ An rồi đột nhập các biệt thự dọc tuyến đường vào TP.HCM. Trước khi gây án, nhóm này thay biển số giả và dùng keo 2 mặt dán vào biển số thật.

Đến nay, các nghi phạm khai gây ra 9 vụ trộm tài sản. Cụ thể, một vụ ở quận Bình Thạnh, 3 vụ ở TP Thủ Đức, một vụ ở TP Đà Nẵng và 4 vụ ở các tỉnh thành khác.

"Cả 3 nghi can đều nghiện ma tuý nặng. Khi bị vây bắt họ chống trả quyết liệt để tẩu thoát nhưng bất thành" - thành viên ban chuyên án cho biết. Lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều tang vật.

Khung hình phạt có thể đối mặt?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo thông tin ban đầu thấy thủ đoạn và hành vi của các đối tượng hết sức tinh vi, liều lĩnh để qua mặt cơ quan điều tra, khi bị phát hiện đã chống trả quyết liệt.

Đây là băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động phạm tội liên tỉnh, số tài sản trộm có thể lớn nên việc cơ quan chức năng triển khai lực lượng điều tra, truy bắt là đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.

Theo vị luật sư, các đối tượng trong đường dây trộm cắp này đã đột nhập nhiều biệt thự, lấy đi những tài sản lớn có giá trị, sử dụng phương tiện hỗ trợ là ôtô có gắn biển số giả để đối phó khi bị điều tra, nên sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Nếu bị chứng minh có tội, các đối tượng có thể phải đối mặt với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm, nếu tài sản trộm cắp có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên theo quy định của Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 (tội trộm cắp tài sản).

Luật sư Khuyên cho biết, khách thể của tội trộm cắp tài sản là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hành vi khách quan của tội danh là hành vi "chiếm đoạt" tài sản, nhưng hành vi chiếm đoạt ở đây là chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản để thực hiện hành vi mà người quản lý tài sản không biết.

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Họ nhận thức rõ hành vi trộm cắp tài sản của mình nhất định hoặc có thể gây ra thiệt hại về tài sản cho người khác nhưng mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả đó xảy ra.