Dân Việt

Một tỉnh của Trung Quốc đã nhập 4 tỷ USD các loại thủy sản nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải lưu ý một điều

Huỳnh Xây 26/11/2022 19:03 GMT+7
Tại hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng” tổ chức tại TP.Cần Thơ chiều nay 26/11, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tiềm năng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc rất lớn.

Theo ông Hòe, thị trường Trung Quốc rất có tiềm năng, nhiều ý kiến cho rằng, muốn tăng trưởng xuất khẩu thủy sản phải đi sâu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Phải thay đổi cách bán hàng vào thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam phát biểu tại hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng” được tổ chức vào chiều nay 26/11. Ảnh: Huỳnh Xây

Từ số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm năm 2022, mặc dù áp dụng chính sách Zero Covid nhưng Trung Quốc vẫn nhập khẩu 15 tỷ đô la thủy sản. Chỉ trong 10 tháng nhưng con số này cao hơn con số Trung Quốc nhập khẩu thủy sản trong cả năm 2021.

"Như vậy, có thể thấy rằng, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc tăng, cần đầu tư công sức vào thị trường này trong thời gian sắp tới" - ông Hòe chia sẻ.

Thời gian qua, thủy sản Việt Nam cũng đã có thị phần ở các địa phương nhập khẩu lớn ở Trung Quốc như: Sơn Đông, Quảng Đông, Thượng Hải, Phúc Kiến, Bắc Kinh, Liêu Ninh, Thiên Tâm. Các tỉnh này chiếm khoảng 85% của 15 tỷ đô la nói trên.

"Chỉ 1 tỉnh của Trung Quốc, cụ thể là Sơn Đông nhập khẩu 1 năm khoảng 4 tỷ đô la thủy sản nhưng chủ yếu dùng để tái chế rồi xuất khẩu lại. Do đó, Việt Nam chỉ nên tập trung vào Thượng Hải và Bắc Kinh" - Tổng Thư ký VASEP nói thêm.

Phải thay đổi cách bán hàng vào thị trường Trung Quốc - Ảnh 2.

Theo ông Trương Đình Hòe, trong thời gian tới. cần phải có biện pháp đặc thù cho vấn đề tiếp thị vào Trung Quốc một cách hiệu quả hơn so với cách làm hiện nay, cụ thể thiết lập các cửa hàng bán hàng trực tiếp của Việt Nam tại Trung Quốc. Ảnh: Huỳnh Xây

Vấn đề trong thời gian tới mà ông Hòe cho rằng quan trọng là cần phải có biện pháp đặc thù cho vấn đề tiếp thị vào Trung Quốc một cách hiệu quả hơn so với cách làm hiện nay, cụ thể thiết lập các cửa hàng bán hàng trực tiếp của Việt Nam tại Trung Quốc.

Ông Hòe nhấn mạnh: "Muốn thiết lập các cửa hàng bán hàng trực tiếp của Việt Nam tại Trung Quốc phải chọn được địa phương phù hợp để thực hiện. Về vấn đề này, phải tìm hiểu rõ về tập quán, chính sách ở từng địa phương".

Theo ông Hòe, làm được điều trên, sẽ dễ đưa được các sản phẩm có giá trị cao của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc mạnh hơn, đặc biệt là tôm (đang bị cạnh tranh về giá bởi Ecuador và Ấn Độ), từ đó lan rộng đối với các sản phẩm khác, thay vì chờ đợi sự thâm nhập của các nhà nhập khẩu từ phía Trung Quốc.

Mặc dù thị trường Trung Quốc hết sức tiềm năng nhưng ông Hòe cũng lưu ý rằng, bên cạnh nhiều cơ hội cũng có những rủi ro do sự đa dạng trong thương mại cũngnhư chính sách quản lý của quốc gia tỷ dân này.

Theo đa số ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, sau giai đoạn tăng mạnh từ đầu đến nửa năm 2022, giá trị xuất khẩu và các đơn hàng của các doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam đã và đang có xu hướng giảm dù đã vào giai đoạn cao điểm tiêu dùng cuối năm.

Dưới tác động của lạm phát toàn cầu tăng cao, chênh lệch tỷ giá khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn như Châu Âu, Mỹ,… lượng đơn đặt hàng có xu hướng sụt giảm, lượng hàng tồn kho tăng, trong khi khâu bảo quản, logistics vẫn là điểm yếu của phần lớn doanh nghiệp trong ngành.

Trong khi đó, với đặc thù phải huy động nhiều vốn vay để tài trợ nguồn hàng, không ít doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn thời tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và chi phí vốn của các doanh nghiệp.