Cho lợi nhuận "khủng" 545 triệu/ha, nông dân Tiền Giang ồ ạt trồng sầu riêng, 4 tháng tăng 3.000ha

P.V Thứ tư, ngày 23/11/2022 18:14 PM (GMT+7)
Sầu riêng đang là loại cây mang lại lợi nhuận cao nhất trong năm 2022 cho nông dân Tiền Giang. Tuy nhiên, sự phát triển quá "nóng" của diện tích sầu riêng ở Tiền Giang cũng cảnh báo nhiều nguy cơ.
Bình luận 0

Theo thống kê của các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, sầu riêng đang là loại cây mang lại lợi nhuận cao nhất cho nông dân trong tỉnh so với các cây trồng khác.

Theo đó, lợi nhuận cây sầu riêng mang lại lên đến 545 triệu đồng/ha; trong khi mít, thanh long được xếp ở nhóm thấp, với mức lợi nhuận mang lại chỉ dao động từ 2,26 - 2,64 triệu đồng/ha.

Giá sầu riêng tăng, thị trường tiêu thụ thuận lợi, đặc biệt từ sau khi Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc được Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan ký kết đã giúp sầu riêng trở thành "vua" của các loại trái cây vì mang lại lợi nhuận khủng.

Tuy nhiên, điều này cũng để lại nhiều hệ lụy về phá vỡ quy hoạch các vùng trồng khi hiện nay nhiều nơi bà con đang ồ ạt phá bỏ các cây trồng khác chuyển sang trồng sầu riêng.

Cho lợi nhuận "khủng" 545 triệu/ha, nông dân Tiền Giang ồ ạt trồng sầu riêng, 4 tháng tăng 3.000ha - Ảnh 1.

Sầu riêng đang là loại cây mang lại lợi nhuận cao nhất trong năm 2022 cho nông dân Tiền Giang. Tuy nhiên, sự phát triển quá "nóng" của diện tích sầu riêng ở Tiền Giang cũng cảnh báo nhiều nguy cơ. Ảnh: Báo Ấp Bắc.

Đơn cử như trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, chỉ 4 tháng sau khi Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc được ký kết, diện tích trồng sầu riêng của Tiền Giang đã tăng thêm 3.000ha, nâng tổng diện tích loại cây ăn trái đặc sản này lên 20.000ha, đứng đầu cả nước.

Hiện, diện tích trồng sầu riêng tập trung ở 02 huyện là Cái Bè và Cai Lậy, riêng các xã vùng lũ phía Bắc Quốc lộ 1 thời gian qua cũng ào ạt chuyển đổi đất lúa năng suất thấp sang sầu riêng đã khiến cho diện tích loại trái cây này vượt 5.000 ha so với kế hoạch đến năm 2025. 

Theo ước tính của ngành chuyên môn, với khoảng 13.000/20.000 ha sầu riêng đang cho trái thì dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, sản lượng sầu riêng của tỉnh Tiền Giang đạt khoảng 280.000 tấn. 

Để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ, hiện Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn thủ tục lập hồ sơ xuất khẩu chính ngạch cho các doanh nghiệp và hợp tác xã với mục tiêu đến cuối năm nay có khoảng 50% diện tích được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng.

Bên cạnh đó, Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị UBND các huyện, xã và ngành nông nghiệp của các địa phương phải hết sức quan tâm việc cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng trên địa bàn; các xã khẩn trương lập danh sách diện tích, số nông hộ đang canh tác sầu riêng để tạo cơ sở thuận lợi cho việc cấp mã số vùng trồng; vận động nông dân tham gia các hợp tác xã để đảm bảo tính đồng bộ trong canh tác;... Hiện, toàn tỉnh mới có 2 mã số vùng trồng sầu riêng, diện tích 93 ha.

Trước tình trạng người dân ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng khác, chuyển sang trồng sầu riêng, quan điểm của Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia vào vùng trồng để được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem