Dân Việt

Con rươi bơi trên đồng, nông dân An Thanh ở Hải Dương vừa vớt lên bờ thương lái đã hốt sạch

Nguyễn Việt 28/11/2022 05:00 GMT+7
Từ lâu, xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) nổi tiếng với đặc sản con rươi mà người dân nơi đây hay ví là “lộc giời”, “rồng đất”. Thời điểm này, An Thanh đang bước vào mùa rươi chính vụ, bà con phấn chấn tin tưởng vụ thu “lộc giời” năm nay thắng lợi, giúp họ thu bộn tiền.

Háo hức chờ mua con rươi đặc sản

Nhận được tin người dân An Thanh đang bước vào thu hoạch rươi đợt 2, sáng 25/11, chúng tôi tìm về vùng đất bãi xem bà con vớt con đặc sản trên đồng. Trên đường đê ra ngoài bãi rươi thôn An Định, xe máy, ô tô của người dân, thương lái đỗ đầy bên đường.

Nhiều chủ ruộng rươi đang túc trực để theo dõi "rồng đất" nổi lên. Các chủ ruộng rươi gặp nhau chỉ hỏi thăm rươi đã nổi chưa, nổi nhiều hay ít. 

Trò chuyện nhiều chủ ruộng rươi và quan sát các ruộng, đàm thấy nhiều nơi con rươi chưa nổi. Lác đác một vài ruộng rươi đã nổi nhưng còn rất ít. Có ruộng rươi, con "rồng đất" nổi nhiều. Con rươi có màu đỏ, mập mạp, dài khoảng 4 – 5 cm.

Nông dân An Thanh, Tứ Kỳ háo hức vào vụ thu hoạch "lộc trời", "rồng đất", thương lái trực sẵn hốt sạch - Ảnh 1.

Con rươi sau khi vớt lên từ ruôngj sẽ được đưa vào chậu để mang đi rửa. Ảnh: Nguyễn Việt.

Theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Văn Chơn, chủ ruộng rươi thôn An Định, rươi phải nổi gấp nhiều lần như thế mới rút nước thu hoạch. Thu hoạch rươi lúc này chỉ được vài kg rươi thôi, không ăn thua. Vì vậy, phải sang chiều chúng mới nổi nhiều, lúc đó sẽ thu hoạch.

Nông dân An Thanh, Tứ Kỳ háo hức vào vụ thu hoạch "lộc trời", "rồng đất", thương lái trực sẵn hốt sạch - Ảnh 2.

Rươi được đem rửa sạch trước khi đóng vào hộp. Ảnh: Nguyễn Việt.

Trong khi chờ người dân thu hoạch "rồng đất", tranh thủ hỏi chuyện một số chủ ruộng rươi về nghề khai thác rươi. 

Khi nghe bà con nông dân An Thanh kể về nghề này, chúng tôi càng hiểu hơn vì sao họ háo hức chờ đợi thu hoạch rươi. Bởi những ngày khai thác rươi là những ngày giúp họ thu bộn tiền, cỡ hàng chục triệu đồng mỗi ngày.

Nhìn những người nông dân vùng bãi An Định mặc quần áo lao động giản dị khi thu hoạch "rồng đất" vậy thôi, thực ra họ rất có điều kiện kinh tế. 

Bởi chỉ tính riêng nghề khai thác "lộc trời" đã cho họ nguồn thu nhập tốt, gặp năm được mùa thì gặt hái bội thu trên cánh đồng rươi. Người có  ruộng rươi nhỏ cũng lãi hơn trăm triệu đồng.

Số đông là những hộ có diện tích ruộng rươi vài mẫu sẽ thu lãi vài trăm triệu đồng/năm. Hay có người làm diện tích lớn vài chục mẫu, hay tham gia nhiều khâu từ khai thác, bảo quản, chế  biến đến tiêu thụ có thể lãi hàng tỷ đồng.

Nhà anh Nguyễn Văn Chơn, có 2,3 mẫu ruộng rươi, năm ngoái gia đình anh Chơn thu được 800 kg rươi, với mức giá bình quân 350 nghìn đồng/kg , gia đình anh Chơi bỏ túi khoảng 270 triệu đồng. Với 8 năm khai thác rươi, tuy tuổi còn trẻ nhưng kinh tế của gia đình anh Chơn khá vững.

Còn ông Nguyễn Văn Năm cũng có thâm niên khai thác rươi 8 năm nay. 

Nhà ông Năm có hơn 4000 m2 ruộng rươi. Hiện ruộng rươi nhà ông đang giữ nước để những ngày tới sẽ thu hoạch. Hằng năm, từ ruộng rươi hơn 4000 m2, ông Năm cũng được hơn 100 triệu đồng.

Theo ông Năm việc khai thác rươi khá nhàn, chi phí cho con rươi không đáng kể nhưng lại cho thu lãi cao. Ngoài thu từ rươi, ông Năm còn thu từ con cáy, cấy lúa 1 vụ.

Nông dân An Thanh, Tứ Kỳ háo hức vào vụ thu hoạch "lộc trời", "rồng đất", thương lái trực sẵn hốt sạch - Ảnh 3.

Khách lên xe chở rươi ra về. Ảnh: Nguyễn Việt.

  Xã An Thanh có 3 thôn: Thanh Kỳ, An Lao và An Định và cả 3 thôn đều có diện tích đồng ruộng khai thác rươi, trong đó thôn An Định, chiếm 2/3 diện tích khai thác rươi toàn xã. Vì vậy những ngày này, hàng trăm hộ dân ở cả 3 thôn có diện tích khai thác rươi đang háo hức chờ đợi rươi nổi để thu hoạch.

"Vớt" bao nhiêu rươi tươi trên đồng thương lái mua bằng hết

13 giờ chiều, nhiều ao ở An Định rươi nổi đỏ au mặt ruộng, các chủ ruộng liền tháo nước ở cống cho rươi chảy vào xăm. Lúc này, ở ruộng rươi nào cũng rộn ràng tiếng người trò chuyện, tiếng nước chảy từ cống.

Tại nhà ông Hà Văn Bảy, thương lái kìn kìn kéo đến đợi lấy hàng. 

Ông Bảy cùng vợ, con trai và nhân viên mỗi người một việc luôn chân luôn tay, người lấy đá lạnh, người kéo cửa cống, người mở xăm đổ rươi vào chậu, người rửa rươi, người đóng hộp, thùng xốp cho khách. 

Cứ lấy mẻ rươi này giao cho khách xong lại đến mẻ khác cho khách khác. Xe máy thương lái ra vào tấp nập lấy hàng để chở lên đường đê nơi ô tô trực sẵn để "ăn" hàng.

Công việc cứ thế lặp đi lặp lại đến hết chiều. Kết thúc buổi chiều thu hoạch rươi, ông Bảy thu hoạch được 200 kg rươi. Với giá rươi bán 330.000 đồng/kg, gia đình ông Bảy thu 66 triệu đồng.

Ông Hoàng Tuấn Nhã, Chủ tịch UBND xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) cho biết, ngày 25/11, các hộ dân An Thanh đã thu ước đạt 7 tấn rươi. Trước đó, ngày 24/11, các hộ thu được hơn 10 tấn rươi. Hiện thương lái thu mua rươi tại bãi từ 330.000 - 350.000 đồng/kg.

Như vậy, chỉ riêng trong 2 ngày (24 và 25) thu hoạch đã qua của đợt 2 nông dân khai thác rươi xã An Thanh đã thu được 17 tấn rươi, bán cho thương lái thu về từ 5,6 đến 6 tỷ đồng.

Nông dân An Thanh, Tứ Kỳ háo hức vào vụ thu hoạch "lộc trời", "rồng đất", thương lái trực sẵn hốt sạch - Ảnh 4.

Những thùng rươi được xếp lên xe mang đi các tỉnh tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Việt.

Đợt 2 bắt đầu thu hoạch rươi từ ngày 24/11, dự kiến nước rươi đợt này sẽ kéo dài đến hết ngày 27/11. Nếu những ngày còn lại của đợt thu rươi lần 2 này cứ đạt năng suất như trong 2 ngày qua, kết thúc đợt thu rươi lần này, nông dân An Thanh bỏ túi hàng chục tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm nông dân An Thanh còn vài đợt khai thác rươi.

huyện tỉnh

Clip: Nông dân xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương bướ vào vụ mùa thu hoạch con rươi đặc sản. Giá rươi đầu mùa đang giao động từ 330.000-350.000 đồng/kg.  Video: Nguyễn Việt.

Theo các chủ ruộng rươi, đây là đợt thu hoạch nhiều nhất từ đầu mùa đến nay, năng suất rươi trung bình đạt khoảng 30 kg/sào, tương đương năm trước. Giá thấp hơn một chút so với cùng thời điểm năm ngoái. Năm nay, giá rươi giảm do việc xuất khẩu rươi sang Trung Quốc gặp khó khăn nên chỉ tiêu thụ trong nội địa.

Cũng theo người dân, năm nay rươi xuất hiện muộn hơn các năm trước. Nguyên nhân do năm nay thời tiết có nhiều thay đổi. Nước trong vùng khai thác rươi khá lớn nên có thể con rươi xuất hiện muộn hơn.

Ngoài ra, một số vùng nông dân đang cải tạo đất, mở rộng vùng khai thác rươi nên có khả năng tác động đến sự xuất hiện của lứa rươi chính vụ. Mặc dù xuất hiện muộn nhưng rươi sẽ có nhiều vào thời điểm chính vụ, sản lượng tương đương hoặc có thể cao hơn năm trước.

Con rươi, nguồn thu chủ lực của xã

Ông Hoàng Tuấn Nhã, Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết, xã đã được huyện chọn và định hướng quy hoạch vùng sản xuất theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp sạch, an toàn, hướng đến du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Cũng theo ông Nhã, hiện An Thanh có 137 ha diện tích ngoài bãi sông Thái Bình đã được chứng nhận vùng sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam với mô hình cấy lúa hữu cơ kết hợp khai thác con rươi, con cáy mang lại giá trị kinh tế cao ước đạt từ 300 - 400 triệu đồng/ha đất sản xuất nông nghiệp.

Nông dân An Thanh, Tứ Kỳ háo hức vào vụ thu hoạch "lộc trời", "rồng đất", thương lái trực sẵn hốt sạch - Ảnh 6.

Khu vực ruộng lúa kết hợp hợp khai thác con rươi, con cáy của xã An Thanh. Ảnh: Nguyễn Việt

Xuất phát từ hiệu quả của mô hình cấy lúa kết hợp khai thác con rươi, con cáy, xã tiếp tục quy hoạch 214 ha diện tích đất sản xuất trong đồng để thực hiện mô hình cấy lúa kết hợp khai thác con rươi, con cáy. Qua 2 năm, trên 40 ha diện tích trong đồng cho sản lượng rươi đạt 15 đến 20 kg rươi/sào, xấp xỉ năng suất ngoài bãi.

"Ước tổng sản lượng rươi trên địa bàn xã An Thanh đạt gần 100 tấn rươi/năm. Riêng giá trị kinh tế từ con rươi đem lại cho xã An Thanh hơn 30 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng giá trị sản phẩm toàn xã" – ông Nhã cho hay.