Nếu yêu thích thiên nhiên hoang vắng, muốn rời xa không khí ồn ào, náo nhiệt của đô thị hiện đại, du khách có thể tìm đến vườn quốc gia U Minh Thượng.
Nơi đây còn mang đậm dấu ấn một Nam Bộ hoang sơ thuở khai thiên lập địa, với hệ sinh thái đặc biệt ấn tượng.
Vườn Quốc gia U Minh Thượng được thành lập ngày 14/1/2022, trên cơ sở chuyển hạng mục khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng.
Nằm trên địa bàn xã An Minh Bắc và Minh Thuận (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang). Khu vực này có tổng diện tích 21.107ha, trong đó vùng lõi 8.038 ha, vùng đệm 13.069ha.
Năm 2006, U Minh Thượng được tổ chức UNESCO công nhận là 1 trong 3 khu vực trọng yếu của khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang. Ngày 18/12/2012, Ban Thư ký ASEAN công nhận Vườn Quốc gia U Minh Thượng là Vườn Di sản của ASEAN, Vườn Di sản thứ 5 của Việt Nam và là vườn di sản rừng trên đất than bùn đầu tiên của Đông Nam Á.
Ngày 30/4/2015, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã công nhận Vườn Quốc gia U Minh Thượng là khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam, thứ 2.228 của thế giới.
Tính độc đáo của hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn đã hình thành sự phong phú của chuỗi dinh dưỡng, tạo điều kiện cho sự hình thành, phát triển nguồn tài nguyên động vật hoang dã đa dạng phong phú.
Nơi đây có sự hiện diện của 32 loài thú, 184 loài chim, 50 loài bò sát lưỡng cư, 64 loài cá, 209 loài côn trùng. Trong đó, 54 loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam (2007) và danh lục IUCN (2021).
Bên trong Vườn Quốc gia U Minh Thượng có khu vực dành cho hoạt động cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật hoang dã, du khách có thể tham quan. Nhờ vậy, các loài nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng được lưu trữ, bảo tồn nguồn gen.
Từ khi thành lập, đơn vị đã tiếp nhận 16 loài, với 1.417 cá thể động vật hoang dã; tái thả về môi trường tự nhiên 1.275 cá thể; tỷ lệ cứu hộ thành công gần 90%/năm; gây nuôi phát triển được 8 loài, với 298 cá thể.
Nhiều loài khỉ, vượn được cứu hộ và nuôi dưỡng trong Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Trong ảnh là chú khỉ đuôi lợn (Macaca Leonina), thường tìm thấy ở Thừa Thiên – Huế trở vào tới Kiên Giang.
Chú vượn má vàng (Nomascus Gabriellae) thường kiếm ăn trên cây cao. Thức ăn là lá cây, chồi non, trái cây và côn trùng, trứng chim hoặc chim non trong tổ.
Con rái cá lông mũi (Lutra Sumatrana) khá dạn với con người sau một thời gian dài tiếp xúc. Chúng sống trên các sinh cảnh rừng ngập nước (rừng tràm, rừng đước, sú vẹt, rừng dừa nước) dọc theo bờ biển, sông lớn hoặc kênh, rạch.
Chú mèo báo (Felis Bengalensis) trông trầm tư vậy chứ vận động nhanh nhẹn, leo trèo, bơi lội rất giỏi.
Chú cá sấu xiêm sống đơn độc trong vườn quốc gia này hơn 10 năm, rất to béo và lười nhác.
Đi dọc theo khu bảo tồn, khách tham quan sẽ tận mắt quan sát nhiều loài vật trên bờ, dưới nước, trên cao. Là động vật hoang dã, nên chúng ít thân thiện với con người, được bảo vệ qua nhiều lớp rào lưới.
Một không gian trưng bày liên quan đến động vật hoang dã tại hồ Hoa Mai (trực thuộc Vườn Quốc gia U Minh Thượng), giúp du khách hiểu rõ hơn một số loại động, thực vật.
Cán bộ Vườn Quốc gia U Minh Thượng tiếp nhận các cá thể rùa ba gờ từ du khách. Đây là loài được liệt kê trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
Nếu có thời gian, du khách có thể trải nghiệm đi xuồng len lỏi trong vườn quốc gia, câu cá giải trí, thưởng thức ẩm thực vùng Tây Nam Bộ. Những phút giây ấy sẽ giúp gắn bó và yêu thương thiên nhiên hoang dã, nơi con người tìm thấy bình yên, tự tại.