Cắm cọc cho 350 chậu cúc của mình đang đặt tại bãi đất trống, nông dân Nguyễn Văn Tuấn ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết, anh có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng cúc Tết.
Cây cúc rất mẫn cảm với nhiều bệnh, nhưng thường bị nhất là bệnh bã trầu và bệnh chí sắc. Bệnh bã trầu ăn từ gân lá nằm bên dưới chiếc lá lan dần lên đến mặt lá. Bệnh này khiến lá cúc xuất hiện những đốm màu đen trông như những nốt ghẻ, gây hại từ gốc lên đến lá cây.
Anh Tuấn cho biết, khi cây bị bệnh gặp lúc trời nắng thì còn phun thuốc điều trị được, nếu gặp mưa kéo dài thì chủ nhà vườn bó tay, vì phun thuốc cũng chẳng hiệu quả gì.
Cây cúc bị bệnh bã trầu nhìn bên trên mặt lá thì rất khó nhận biết cây đang bị bệnh, bởi những đốm đen ăn từ gân lá bên dưới trước. Sau đó mới ăn dần lên mép lá rồi ăn sâu vào thân lá, lúc này những chiếc lá xuất hiện các mảng màu đen.
Khi bị bệnh này nếu 2-3 ngày không được phun thuốc thì lá sẽ bị héo.
"Thuốc bảo vệ thực vật bây giờ thì nhiều đến loạn, nhưng điều trị chẳng thấy hiệu quả là mấy. Khi nắng lên thì bệnh thuyên giảm, nhưng có mưa xuống thì cây lâm bệnh trở lại ngay", anh Tuấn nói.
Cũng theo anh Tuấn, năm nay thời tiết ở Bình Định ít lạnh, nhưng mưa kéo dài khiến cúc bị bệnh tràn lan, nhiều chậu cúc của anh chậm phát triển từ nửa tháng đến 20 ngày, bị mất chiều cao đến 20cm.
"Cúc trồng trong chậu 50cm phải có chiều cao cây đạt trên 1m nhìn chậu cúc mới cân đối, người mua mới thấy thích, chứ nếu thấp dưới 1m trông rất xấu", anh Tuấn cho hay.
Nhìn những líp cúc của anh Tuấn đã được cắm cọc đều tăm tắp, nhưng nền lá không được tươi xanh mà có màu vàng nhạt trông rất yếu ớt. Người trồng cúc bán Tết ở Bình Định hiện đang rất mong trời đừng mưa kéo dài mà nắng lên để cây cúc phát triển, kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Nỗi lo của người trồng cúc hiện nay là nếu trời cứ tiếp tục mưa thì cây cúc khó thoát được bệnh, lá sẽ khó phục hồi màu xanh. Lá cúc còn màu vàng thì cây cúc cũng không "ăn" phân nên không thể phát triển.
Cúc trồng trong chậu có đường kính 50cm nếu suôn sẻ tết đến sẽ bán giá sỉ được 300.000 đồng/chậu, sau khi trừ chi phí giống, thuốc BVTV, phân bón, tiền mua tre vót cọc và dây thép cột cành, tiền điện, tiền thuê công làm… người trồng cũng còn lãi khoảng 150.000 đồng/chậu.
Nếu cây cúc sinh bệnh không phát triển được, bán giá thấp thì người trồng mất lãi, công mấy tháng trời chăm sóc sẽ trở thành "công cốc".
"Cuối tháng 10 âm lịch tôi sẽ cắt điện, những bóng điện không còn được thắp sáng hàng đêm trên những chậu cúc nữa. Điện được chong là để hãm không cho cây cúc ra búp sớm, sức của cây cúc dành để phát triển chiều cao. Đầu tháng 11 âm lịch bắt đầu cắt điện cho cây cúc bắt đầu ra búp, như vậy cúc sẽ cho hoa kịp Tết Nguyên đán", nông dân Tuấn cho biết.