Bình Định: Nông dân sáng chế ra máy sấy bánh tráng, máy trỉa đậu trông cực ngầu và chất

Đào Minh Trung Thứ ba, ngày 07/09/2021 13:41 PM (GMT+7)
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, những “kỹ sư chân đất” tỉnh Bình Định đã sáng chế ra nhiều máy móc độc đáo. Những chiếc máy mang thương hiệu “nông dân Bình Định” không chỉ phục vụ sản xuất, tiết kiệm chi phí, sức lao động mà còn tạo ra sản phẩm làm hài lòng người tiêu dùng.
Bình luận 0

Biệt tài sáng chế của nông dân

Ông Nguyễn Hữu Vinh - hội viên nông dân chi hội khu phố 8, phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn là người đầu tiên trong tỉnh đã nghiên cứu thành công lò hơi công nghiệp để tráng bánh và sấy khô bánh tráng nước cốt dừa theo quy trình khép kín, nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm. Ông Vinh đem giải pháp "Ứng dụng nhiệt hơi nước trong hệ thống máy tráng bánh nước dừa tự động" tham gia Hội thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định và đoạt giải Nhất năm 2019.

Sáng chế độc đáo của những “kỹ sư chân đất” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Vinh giới thiệu hệ thống máy sấy bánh tráng nước cốt dừa. Ảnh: Hội ND Bình Định

Ông Vinh chia sẻ: Sáng chế của ông xuất phát từ thị hiếu của phần lớn khách hàng muốn thưởng thức bánh tráng nước cốt dừa. Dây chuyền sản xuất bánh tráng của ông Vinh áp dụng nguyên lý sử dụng nguyên liệu củi để nấu sôi nồi hơi nước có thể tích nồi 4m3. Hơi nước được dẫn truyền qua đường ống để cung cấp cho hệ thống tráng bánh và sấy bánh...

Điểm đáng chú ý, hệ thống sử dụng kỹ thuật phun hơi nước để giữ bánh không bị vênh nếu trong quá trình sấy bánh bị mất ẩm nhanh, sử dụng nhiệt hơi nước để tăng áp cao và tăng độ ẩm khi sấy để bánh ra không bị nứt. Cả quy trình hoạt động từ khi đưa bột vào tráng đến khi ra thành phẩm mất khoảng 90 phút. Nhờ sáng chế này mà việc sản xuất bánh tráng nước cốt dừa không còn phụ thuộc vào thời tiết nữa.

"Hiện, tôi đã chuyển giao, lắp đặt hệ thống sấy bánh tráng cho 2 cơ sở sản xuất trong tỉnh Bình Định và 1 cơ sở ở tỉnh Bến Tre. Với dây chuyền sản xuất bánh tráng này, mỗi ngày cơ sở của tôi cho ra thị trường khoảng 1 tấn bánh tráng các loại, xuất đi các tỉnh trong nước và cả nước ngoài. Cơ sở bánh tráng của tôi tạo việc làm cho 20 lao động tại địa phương với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng" - ông Vinh cho biết thêm.

Còn ông Huỳnh Tiễn (ở thôn Tân Thanh, xã Cát Hải, huyện Phù Cát) với giải pháp cải tiến máy trỉa (gieo) hạt đậu phộng (lạc) 1 hàng, thành máy trỉa 2 hàng đã đoạt giải Nhì "Hội thi Sáng tạo nhà nông" tỉnh Bình Định năm 2014. Hiện, ông Tiễn đã sản xuất thêm được 3 loại máy trỉa đậu phộng nữa, gồm: Máy trỉa có gắn động cơ, máy trỉa 4 hàng và máy trỉa 1 hàng.

Bình Định: Nông dân sáng chế ra máy sấy bánh tráng, máy trỉa đậu trông cực ngầu và chất - Ảnh 3.

Máy trỉa đậu phụng có gắn động cơ của ông Huỳnh Tiễn ( huyện Phù Cát ). Ảnh: HND Bình Định

Ông Tiễn kể: Xã Cát Hải là vùng đất cát ven biển, có diện tích trồng đậu phộng lớn của tỉnh, với diện tích 360 - 380ha/vụ/năm, năng suất 34 - 36 tạ/ha. Hầu như người dân trong xã trồng đậu phộng quanh năm. Bà con rất cần có những thiết bị máy móc tiện ích phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Từ nhu cầu này, tôi luôn trăn trở và đã cải tiến thiết bị với nhiều phiên bản mới hơn. Ví dụ như máy trỉa đậu 2 hàng, bên trong gắn lồng quay chứa hạt đậu phộng giống, xung quanh gắn 24 mỏ vịt, chia thành 2 hàng. Hàng cách hàng, cây cách cây cũng đều 14cm. Có thể điều chỉnh khoảng cách này lên 17 hoặc 20cm, tùy đồng đất, tập quán canh tác từng địa phương... Cùng với phục vụ sản xuất nông nghiệp của gia đình, ông đã xuất bán được 5 máy, với giá 5 triệu đồng/máy.

Đưa khoa học công nghệ đến gần nông dân hơn

Những năm gần đây, Hội ND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định đã cùng bắt tay thực hiện các chương trình phối hợp nhằm đưa khoa học công nghệ đến gần nông dân hơn.

"Thông qua "Hội thi Sáng tạo nhà nông", nông dân Bình Định đã phát huy tốt tính năng động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường trong lao động sản xuất".

Ông Đỗ Thiện Chế -

Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Định

"Hội thi Sáng tạo nhà nông" là 1 trong 4 nội dung cụ thể của chương trình phối hợp này. Hội thi đã được duy trì tổ chức hàng năm, thu hút hàng chục nông dân tham gia mỗi năm. Đa số các sáng chế của nông dân đều có ý tưởng xuất phát từ thực tế lao động, sau khi sáng chế thành công đã được chuyển giao cho nhiều nông dân. Điều này đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất.

Giai đoạn 2016 - 2020, bình quân có từ 10 - 20 giải pháp sáng tạo, cải tiến của nông dân trong tỉnh đăng ký tham gia hội thi. Riêng năm 2021, đã có 14 sáng tạo, cải tiến của nông dân trong tỉnh đăng ký tham gia hội thi trên các lĩnh vực như cơ khí, trồng trọt, chăn nuôi, môi trường và ngành nghề nông thôn. Trong đó, ấn tượng nhất có sáng tạo xe phun thuốc trừ sâu bảo vệ trang trại cây ăn trái ở huyện Tây Sơn. Hay sáng kiến lắp đặt điện năng lượng mặt trời để phục vụ sản xuất, trồng cây ăn quả trên đất gò đồi và máy cắt rễ, lá cây kiệu và cây hành hương ở huyện Phù Mỹ.

Ông Đỗ Thiện Chế - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Định chia sẻ: "Hội thi đã thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn. Đây cũng là một trong những giải pháp cơ bản, hiệu quả góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định". 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem