Báo cáo tình báo cập nhật tình hình chiến sự ở Ukraine tính đến ngày 29/11. Khái niệm BTG vốn là một phần quan trọng trong học thuyết quân sự của Nga trong khoảng 10 năm trở lại đây. BTG được tích hợp với nhiều loại đơn vị phụ trợ, chẳng hạn như đơn vị xe tăng, trinh sát và pháo binh, không quân, công binh, đặc nhiệm - khác rất nhiều so với thông lệ quân sự phương Tây. Việc tích hợp nhiều loại đơn vị vào BTG nhằm cho phép lực lượng này có thể nhanh chóng triển khai năng lực tác chiến ở những nơi xung đột.
Với cấu trúc này, các BTG được cho là đã sở hữu nhiều năng lực đa dạng để giải quyết hàng loạt vấn đề chiến thuật phát sinh trên chiến trường mà không cần yêu cầu yểm trợ từ cấp trên.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến quy mô lớn và cường độ cao ở Ukraine, một số điểm yếu nội tại của BTG đã bị phơi bày, tình báo Anh nhận định. Ngoài ra, số lượng BTG được triển khai thường không đủ để tiến hành các cuộc tấn công thành công. Cụ thể, với cấu trúc phân bổ bộ binh tác chiến tương đối nhỏ, cấu trúc BTG thường yếu, không đủ sức tác chiến, đặc biệt là trong chiến tranh đô thị hoặc các cuộc chiến kéo dài.
"Phân bổ pháo binh phi tập trung không cho phép Nga tận dụng tối đa lợi thế của mình về số lượng khí tài. Trong khi đó, chỉ có số ít chỉ huy BTG được trao quyền để linh hoạt tận dụng các cơ hội mà cơ cấu này được thiết kể để phát huy", Bộ Quốc phòng Anh nhận định.
Một nghiên cứu của lục quân Mỹ cũng cho rằng, BTG tỏ ra hiệu quả trong việc tập trung nhanh chóng hỏa lực tác chiến tại một điểm cụ thể trên chiến trường, hủy diệt nhanh mục tiêu bằng hỏa lực áp đảo, phát huy mạnh khả năng thọc sâu vào vị trí của đối phương bằng các đơn vị cơ động.
Tuy nhiên, nghiên cứu của lục quân Mỹ cũng chỉ ra rằng mô hình BTG không có đủ quân số để bảo vệ khu vực rộng lớn hay tham gia một trận chiến kéo dài, đặc biệt là tác chiến ở khu vực đô thị.