Theo đó, các vị thần được thờ của mỗi làng cũng sẽ có hiện tượng thay đổi “hộ khẩu thường trú” của mình qua từng thời kỳ, được lưu dấu trong những thư tịch. Một ví dụ là nhiều sắc phong thần huyện Đại Lộc còn lưu giữ ở làng Túy Loan xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang,TP Đà Nẵng.
Sắc phong thần Tứ vị thánh nương và Thiên Y A Na ở làng Túy Loan đời vua Duy Tân thứ 3 (1909). Làng Tủy Loan nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng).
Túy Loan, tên gọi phổ biến, chính thức hiện nay, chính là Thúy Loan từ thời nhà Nguyễn trở về trước. Nếu gõ 2 chữ địa danh “Thúy Loan” vào Google thì dường như không tìm được kết quả; ngược lại, “Túy Loan” thì sẽ xuất hiện rất nhiều.
Điều này thể hiện sự biến cải địa danh Túy Loan trong lịch sử.
Thúy Loan là cái tên xuất hiện muộn nhất mà có thể xác định được vào năm 1555, có ghi chép trong “Ô châu cận lục”. Sự thay đổi địa danh Thúy Loan và Túy Loan không chỉ là việc biến âm do ghi chép của người Pháp để lại, mà sự thay đổi của 2 địa danh này còn thể hiện ở chỗ trực thuộc đơn vị hành chính cấp huyện là khi thuộc Hòa Vang, khi thuộc Đại Lộc.
Thúy Loan trước năm 1900 thuộc huyện Hòa Vang (phủ Điện Bàn), từ năm 1900 đến khoảng 1920 thuộc huyện Đại Lộc (phủ Điện Bàn) và từ sau 1920 đến 1945 lại trở về huyện Hòa Vang.
Địa danh hành chính cấp huyện Đại Lộc có tên trên giấy tờ năm 1899 và hình thành địa giới cụ thể vào năm 1900, trên cơ sở cắt 2 tổng Đại An, Mỹ Hòa của huyện Diên Phước và 3 tổng Đức Hòa, An Phước và Phú Khê của huyện Hòa Vang.
Theo đó, địa giới huyện Đại Lộc đương thời bao gồm nhiều xã phía tây của huyện Hòa Vang hiện nay. Xã Thúy Loan tổng An Châu thuộc đất Đại Lộc trong giai đoạn 1900 - 1920.
Túy Loan là vùng đất được ngũ tộc tiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê khai khẩn từ thời “mang gươm đi mở cõi” của vua Lê Thánh Tông.
Túy Loan hiện nay còn lưu giữ gần 30 sắc phong cho các vị thần Thành Hoàng, Thiên Y A Na, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, Quan Thánh Đế Quân và 5 ngài tiền hiền Đặng đại lang, Lâm đại lang, Nguyễn đại lang, Trần đại lang, Lê đại lang.
Những sắc phong thần này do các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại sắc ban.
Thần Thành Hoàng còn có nhiều danh xưng Thành Hoàng bổn cảnh, Thành Hoàng bổn xứ, Thành Hoàng tôn thần, Thành Hoàng chi thần.
Thành Hoàng là vị thần cai quản, bảo hộ cho một vùng đất cụ thể, là một dạng Thổ thần. Thần Thiên Y A Na, Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi là các tên gọi được ghi phổ biến trong mỗi thời kỳ ban sắc phong. Dân gian hay gọi là Bà Chúa Ngọc.
Thần vốn là Mẹ xứ sở của người Chăm Pô Inưgar và được Việt hóa, là một vị nữ thần linh thiêng cần phải thờ phụng. Đại Càn Quốc Gia Nam Hải còn gọi là Tứ vị thánh nương, được thờ phổ biến nhất ở các làng ven biển miền Trung.
Tứ vị thánh nương là thần biển của người Chăm, theo Tạ Chí Đại Trường. Quan Thánh Đế Quân là một nhân vật lịch sử thời Tam quốc, được người Hoa tôn sùng. Sau đó, người Việt đã tiếp nhận tín ngưỡng thờ cúng Quan Thánh Đế Quân.
Sắc phong thần Túy Loan chia làm 2 nhóm theo sự phân định địa danh. Nhóm thứ nhất là những sắc phong của thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh ghi “Quảng Nam tỉnh, Hòa Vang huyện, Thúy Loan xã”.
Nhóm thứ hai là những sắc phòng của thời Duy Tân, Khải Định ghi “Quảng Nam tỉnh, Đại Lộc huyện, Thúy Loan xã”.
Số lượng sắc phong thần có ghi “huyện Đại Lộc” gồm khoảng 10 sắc phong. Trong đó có 5 sắc phong cho 5 vị tiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê được ban cấp ở thời vua Khải Định thứ 2 (1917).
Với cùng một vị thần nhưng thuộc 2 thời điểm khác nhau thì “nơi ở” đi kèm của vị thần cũng khác nhau. Ví dụ, vị thần Tứ vị thánh nương và Thiên Y A Na trong cùng một sắc phong nhưng thời Tự Đức và Khải Định ghi khác nhau.
Cụ thể, thời Tự Đức ghi: “Sắc phong cho xã Thúy Loan, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, là nơi từ trước đây đã thờ các vị Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị thượng đẳng thần, Hoằng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần”.
Sắc phong thời Khải Định lại ghi: “Sắc phong cho xã Thúy Loan, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, là nơi trước đây đã thờ phụng các vị nguyên tặng Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tử vị thượng đẳng thần, Hoằng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần”. Như vậy “hộ khẩu” của các vị thần đã được đổi thay theo sự thay đổi địa danh hành chính.
Cho dù thay đổi “nơi ở”, “hộ khẩu”, nhưng các vị thần trước sau vẫn “có công bảo vệ nước cứu giúp dân, công đức hiện rõ, được cấp sắc chỉ, chuẩn cho các nơi phụng thờ” và qua mỗi lần lễ tiết quan trọng của triều đình hay đất nước thì đều được nhà vua “ra chiếu báu ghi ơn, long trọng nâng bậc cho các vị thần, đặc chuẩn cho phụng thờ như cũ, để ghi nhớ ngày vui của nước và tỏ rõ điển chương thờ cúng”.
Công lao của các vị thần được các đời vua ghi nhận và phong bậc, ban tặng danh hiệu, mỹ tự. Với thần Tứ vị thánh nương, vua Minh Mạng ban tặng “Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức”, vua Thiệu Trị gia tặng “Phổ Bác Hiển Hóa”, vua Tự Đức ban thêm “Trang Huy”, vua Đồng Khánh phong là “Dực Bảo Trung Hưng”.
Theo đó, Tứ vị thánh nương sẽ có đầy đủ mỹ tự là “Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần”. 5 vị tiền hiền Túy Loan là Đặng đại lang, Lâm đại lang, Nguyễn đại lang, Trần đại lang, Lê đại lang được ban phong là “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù tôn thần”.
Như một công dân luôn phụng sự Tổ quốc dù ở bất cứ nơi đâu, các vị thần luôn được nhà vua mong mỏi “hãy gắng bảo vệ và che chở cho dân của ta”...