Người Minh Hương từ đâu tới Hội An, vì sao vùng đất này của Quảng Nam có nhiều mộ cổ của người Minh Hương?

Hoàng Phúc (Nguồn: TT Quản lý Bảo tồn Di sản Hội An) Thứ sáu, ngày 11/11/2022 05:14 AM (GMT+7)
Tại khối Hậu Xá, phường Thanh Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) hiện còn nhiều ngôi mộ cổ của người Minh Hương xây bằng vôi ghè với sự đa dạng về kiểu dáng, nhiều mốc niên đại và phong phú về chủ nhân, có giá trị về lịch sử, văn hóa. Trong số đó có ngôi mộ bà Phan Trinh Tốn...
Bình luận 0
Thanh Hà là một trong những làng/xã hình thành sớm ở Hội An, vào khoảng thế kỷ XVI - XVII. 
Theo địa bạ làng Thanh Hà được lập vào thời vua Gia Long năm thứ 11 (1812), xã Thanh Hà thuộc tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Khánh/Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam dưới thời Nguyễn phát triển rộng lớn với 13 xóm ấp, gồm: Hậu Xá, Thanh Chiếm, An Bang, Bộc Thủy, Nam Diêu, Cửa Suối, Bàu Ốc, Trảng Kèo, Bàu Súng, Đồng Nà, Trà Quế, Cồn Động, Bến Trễ.
Người Minh Hương từ đâu tới Hội An, vì sao vùng đất này của Quảng Nam có nhiều mộ cổ của người Minh Hương? - Ảnh 1.

Tổng thể ngôi mộ cổ- Ảnh: Hoàng Phúc

Khối Hậu Xá, phường Thanh Hà ngày nay thuộc ấp Hậu Xá, làng Thanh Hà trước kia. Tại khu vực này hiện còn nhiều ngôi mộ cổ xây bằng vôi ghè với sự đa dạng về kiểu dáng, nhiều mốc niên đại và phong phú về chủ nhân, có giá trị về lịch sử, văn hóa. 

Trong số đó có ngôi mộ bà Phan Trinh Tốn. Ngôi mộ này nằm trong một cụm gồm 4 ngôi mộ, là nơi chôn cất những vị quá cố thuộc phái I tộc Tăng - một tộc họ thuộc làng Minh Hương ở Hội An. Cách cụm mộ này khoảng 60m về phía Đông Bắc là mộ vợ chồng ông Tăng Điềm Dật có quy mô lớn, khang trang. Đây là ngôi mộ cổ khác cũng của gia tộc, đã được ghi vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa thành phố Hội An năm 2000.

Theo tư liệu Minh Hương Tam bảo vụ[1], vào khoảng đầu thế kỷ XVII, thương thuyền miền duyên hải đông nam Trung Quốc thường xuyên tới các cảng Thuận Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam (Hội An) và Tân Châu (Quy Nhơn), Đề Gi (Dégi) thuộc Bình Định ngày nay để mậu dịch. 

Thời kỳ cực thịnh về mậu dịch là vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII, các thuyền buôn “đổ xô về phía Nam đến các cảng khác, trong đó vào Hội An nhiều hơn, mỗi năm có trên tám, chín mươi chiếc”[2]. Một số Hoa thương “không muốn hồi hương về mẫu quốc, hoặc hoàn cảnh làm ăn không thể về được nên họ tự nguyện ly hương để làm người bản địa, nên đồng tình xin được thành lập một xã riêng biệt người Việt gốc Hoa mà họ cũng không quên gốc nên xin xã hiệu là Minh Hương”[3]. 

Một số tộc họ Minh Hương đã lập từ đường tại Hội An như họ Trương, Lưu, Lâm, Đinh, Chu, Hoàng, Khưu, Thái… trong đó có tộc Tăng. 

Ông thủy tổ tộc Tăng là Tăng Đức Nương, nguyên quán huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, sang Việt Nam cư trú, sinh sống tại Hội An cách đây khoảng trên 200 năm. 

Tính từ đời ông thủy tổ đến nay đã được 12 đời, phát triển thành 3 phái. Để tưởng nhớ công đức của ông bà tổ tiên, con cháu phái I tộc Tăng đã lập từ đường tại ngôi nhà số 16 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Cẩm Phô[4]. 

Ngoài ra, con cháu cũng lập mộ phần các bậc tiền nhân đã khuất (chủ yếu ở khu vực phường Thanh Hà) với quy mô lớn, kiến trúc có phần phần nguy nga để tỏ lòng tri ân. Mộ bà Phan Trinh Tốn là một trong số những ngôi mộ đó, nằm trong cụm gồm 4 ngôi mộ của tộc Tăng.

Căn cứ theo gia phả tộc Tăng (từ đời 1 đến đời 8) tại nhà thờ phái I tộc Tăng, bà họ Phan, tên thật: Phan Thị Thoan, hiệu Đống (?) Mai, thụy Trinh Tốn là vợ chính của ông Hồng lô Tự khanh[5] họ Tăng, hiệu Minh Chi, tên thật là Tăng Huynh[6], thuộc đời thứ 8 phái I tộc Tăng. 

Theo nội dung văn bia cho biết, ngôi mộ được lập vào năm Bảo Đại thứ 6 (tức năm 1931). Bà mất khi tuổi đời còn khá trẻ. Mộ do các con trai, gái đồng bái lập. Tổng thể ngôi mộ còn rất hoàn chỉnh, quy mô bề thế, kiến trúc khá đồ sộ, kết hợp nhuần nhuyễn các họa tiết trang trí truyền thống mang ý nghĩa cát tường độc đáo, giá trị thẩm mỹ cao. Kiểu thức kiến trúc, nhiều chi tiết trang trí của ngôi mộ khá tương đồng với di tích Vạn Thiện đồng quy (phường Tân An) hay Cổng chùa Bà Mụ (phường Minh An) và một số ngôi mộ cổ khác trong khu vực phường Thanh Hà được tạo lập trong cùng thời kỳ.

Ngôi mộ xoay mặt về hướng Đông Bắc. Bao quanh mộ là vườn trồng hoa màu, phía sau mộ có nhiều cây bụi, cỏ dại. Toàn bộ các hạng mục của ngôi mộ bố cục đăng đối trong khoảnh đất rộng 8,1m, dài 15,76m, gồm: bình phong tiền, khoảng sân trước với tường rào thấp, nhà bia và tường rào bao bọc khuôn viên mộ, nấm mộ, bình phong hậu. 

Có thể trước đây, ngôi mộ được quét vôi, trang trí với nhiều màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, dưới tác động của thời tiết, toàn bộ ngôi mộ bao phủ một màu xám đen của rêu mốc, chỉ còn thấy màu vôi vàng, trắng ở vài chi tiết kiến trúc của nhà bia. 

Ngôi mộ này, cùng với 3 ngôi mộ còn lại trong cụm mộ (mộ bà Nguyễn Diễm Trang, mộ ông Tăng Thuần Bác, mộ ông Tăng Giản Nghị) đều đã xuống cấp từ lâu ở nhiều hạng mục.

Bình phong tiền án ngữ chính giữa, phía trước ngôi mộ. Phần bệ đỡ bình phong hiện đã bị bong tróc một phần vữa tô trát bên ngoài. Phần thân bình phong được tạo hình giống giá kỉnh (đồ tự khí bằng gỗ, thường thấy trên bàn thờ các di tích tín ngưỡng, nhà thờ tộc…) với mảng tường phẳng và chân đế. Không tìm thấy dấu vết trang trí ở cả hai mặt của bình phong.

Khoảng sân trước có hình bát giác (các cạnh không đều nhau), nền láng xi măng. Phía trước có 4 trụ biểu. Hai trụ chính giữa có tiết diện vuông, thân trụ không trang trí, đầu trụ gắn hoa sen tô trát bằng vữa. Bao quanh sân là tường rào bổ trụ gạch. 

Ở cạnh rào phía trước và các góc chéo, tường rào gắn khuôn bông đúc sẵn với các hình thoi đan chéo vào nhau[7]. Tường rào hai cạnh bên xây gạch đặc, đắp mảng pano trang trí. Bên trên cạnh rào góc chéo phía sau có chi tiết trang trí hình hoa văn gãy khúc nhằm tạo sự liên kết về kiến trúc giữa tường rào và tường nhà bia.

Qua khoảng sân là hạng mục nhà bia được làm theo kiểu thức bình phong dạng cuốn thư rất nguy nga với lối vào ở hai bên (xây chồm ra phía trước), nhà bia ở chính giữa có mái che, đắp vẽ rất nhiều đồ án trang trí. Phía ngoài cùng ở hai đầu hạng mục nhà bia là hai trụ biểu hình thoi, đầu trụ xây giật cấp, đỉnh trụ hình chóp bút.

Người Minh Hương từ đâu tới Hội An, vì sao vùng đất này của Quảng Nam có nhiều mộ cổ của người Minh Hương? - Ảnh 5.

Nhà bia - Ảnh: Hoàng Phúc

 

 

Nhà bia có mặt bằng hình chữ nhật. Hai góc phía sau có hai trụ biểu. Giữa hai trụ biểu là mảng tường gạch, đỉnh tường trang trí hoa sen[8]. Trần nhà bia bằng bê tông cốt thép, xây phẳng. Bên trên trần xây gạch, vữa tạo mái dốc, đắp giả ngói âm dương xuôi về phía trước, diềm đuôi mái đắp nổi lá đề trang trí. 

Đường bờ nóc xây uốn cong hình lưỡi liềm, chia ô hộc, trang trí quả bầu (một đồ vật trong Bát bửu) quấn dải lụa và hoa lá ở ô chính giữa, ô hai bên là cây trúc (?) và lan. 

Đỉnh mái trang trí cuộn mây ở giữa và dây lá (bị gãy, mất một số chi tiết nên không nhận định chính xác đồ án được). 

Đuôi bờ chảy trang trí hình cuộn mây. Gờ tường phía trước nhà bia đắp nổi đồ án dây lá, chùm nho[9]. Khoảng giữa mặt tường vát xéo đắp nổi chữ Hán, kiểu chữ triện (chưa đọc được).

Bia đá gắn chặt vào tường sau nhà bia, có kích thước: 0,81m x 1,2m, diềm rộng 0,105m, không có trang trí (chỉ có các đường gờ chỉ bên ngoài và hồi văn biến thể hình chữ T bên trong). 

Nội dung văn bia:+ Nguyên văn chữ Hán[10]:

皇 朝

 

誥 授

 

保 大 六 年 歲 次 辛 未 孟 秋 月

 

鴻 臚 寺 卿 商 正 座 第 一 項 参 佐 明 江 顯 妣 曾 明 之 元 配 號 㨂 梅 謚 貞 巽 潘 恭 人 之 墓

 

男 天 貺 天 賜 天 宝 天 則 天 賚 天 賦 天 賄

 

女 怡 ? 氏 愉 怡 ? 氏 悟 氏 静 氏 恬
仝 拜 立

 

+ Phiên âm:

 

Hoàng triều

 

Cáo thụ

 

Bảo Đại lục niên tuế thứ Tân Mùi mạnh thu nguyệt

 

Hồng lô Tự khanh Thương chánh tòa đệ nhất hạng Tham giá Minh giang hiển tỉ Tăng Minh Chi nguyên phối hiệu Đống (?) Mai thụy Trinh Tốn Phan cung nhân chi mộ

 

Nam Thiên Huống, Thiên Tứ, Thiên Bảo, Thiên Tắc, Thiên Lãi, Thiên Phú, Thiên Hối

 

Nữ Di Lớn, Thị Du, Di Nhỏ, Thị Ngộ, Thị Tĩnh, Thị Điềm

 

Đồng bái lập.

Nấm mộ nằm phía sau nhà bia, có hình tròn. Bên trong thành mộ đổ đầy cát, không xây. Tường rào phía sau liên kết với nhà bia và bình phong hậu tạo khuôn viên khép kín. Các bổ trụ chia tường rào hai bên thành 3 đoạn đều nhau, đắp vữa tạo gờ chỉ và pano. Đoạn tường rào phía sau tiếp giáp với bình phong hậu được xây vát chéo. 

Phía trên hai đầu tường rào có gắn con giống hình hoa văn gãy khúc tạo sự liên kết kiến trúc với trụ biểu của hạng mục nhà bia và bình phong hậu.

Người Minh Hương từ đâu tới Hội An, vì sao vùng đất này của Quảng Nam có nhiều mộ cổ của người Minh Hương? - Ảnh 7.

Bình phong hậu - Ảnh: Hoàng Phúc

 

Bình phong hậu nằm phía cuối khuôn viên, tạo hình kiểu cuốn thư gồm 3 mảng tường lớn với tỷ lệ kiến trúc cân đối, hài hòa, trang trí nhiều đồ án mang ý nghĩa cát tường, có giá trị thẩm mỹ cao. 

Diềm trên và dưới có các gờ chỉ chạy song song với cạnh tường, điểm xuyến bằng hồi văn hình thoi và lục giác đan vào nhau (tương tự hình thức kiến trúc nhà bia

Ở vị trí ngoài cùng, tiếp giáp với hai góc tường rào là trụ biểu hình lục giác, các cạnh không đều nhau, đầu trụ giật cấp. 

Mảng tường hai bên xây chồm ra phía trước, chính giữa có ô thoáng trang trí quả phật thủ[11]. 

Đỉnh tường có hai con dơi trong tư thế xòe cánh, đầu hướng vào giữa. Mảng tường chính giữa có đỉnh tường trang trí hình dơi dang rộng cánh, đầu chúi xuống dưới, liên kết với mảng phù điêu bên dưới tạo đồ án “dơi ngậm giỏ hoa”[12]. 

Bên dưới giỏ hoa là hai con cá[13] và dây tua. 

Chân tường trang trí đồ án “cây ngọc như ý”[14] đan lồng với những dải lụa mềm mại, thướt tha. Hiện tường bình phong có một số vết nứt nhỏ, một vài chi tiết trang trí bị bong tróc.

Mộ bà Phan Trinh Tốn được tạo lập năm 1931, đến nay đã được 91 năm. Ngôi mộ gồm nhiều hạng mục, được xây dựng với tỉ lệ kiến trúc hài hòa, cân đối. Di tích là nguồn cung cấp thông tin cần thiết cho việc tìm hiểu về tập quán tang ma – tống táng của cư dân Hội An trước đây, đồng thời góp phần làm phong phú, đa dạng loại hình kiến trúc mộ táng nói riêng và các loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật nói chung ở Hội An.

* Tài liệu tham khảo:

1. Trung tâm QLBT DSVH (2017), Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên, Nxb Đà Nẵng.

2. Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế - Biểu tượng và nghệ thuật trang trí kiến trúc, Nxb Thuận Hóa.

3. Đỗ Văn Ninh (2019), Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb Hồng Đức.

Tài liệu trích dẫn:


[1] Do Ban trị sự Tam bảo vụ Minh Hương lập năm 1972.

[2] Trung tâm QLBT DSVH (2017), Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên, Nxb Đà Nẵng, trang 52.

[3] Trung tâm QLBT DSVH (2017), sđd, trang 51.

[4] Thông tin này do ông Tăng Minh (67 tuổi), đời thứ 11, đại diện phái I tộc Tăng cung cấp. Ông hiện cư trú tại ngôi nhà số 69 đường Trần Phú, phường Minh An. Hiện nay, đại diện phái II là ông Tăng Xuyên, đại diện phái III là ông Tăng Ngọc Thu.

[5] Theo Đỗ Văn Ninh (2019), Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb Hồng Đức, trang 332, 333:

 Thời Lê có lập Hồng lô tự, là một trong 6 tự là Đại lý tự, Thái thường tự, Quang lộc tự, Thái bộc tự, Thượng bảo tự và Hồng lô tự. … Trưởng quan các tự là Tự khanh.

            Thời Nguyễn, Hồng lô tự do Tự khanh trật Chánh tứ phẩm và Tự thiếu khanh trật Chánh ngũ phẩm đứng đầu. Chuyên lo việc nghi lễ trong các khoa thi như xướng danh, yết bảng.

[6] Tên ông theo gia phả là Tăng Huynh. Tuy nhiên, theo nội dung bia ký tại di tích mộ vợ chồng ông Tăng Điềm Dật (song thân của ông Tăng Huynh) tọa lạc gần kề cụm 4 ngôi mộ này, tên của ông là Tăng Oánh (瑩) (tên được nhắc đến trong văn bia là “thứ Oánh dữ Ngưng Hồng lô tự khanh”). Đây có lẽ là sự nhầm lẫn của con cháu đời sau này khi lập gia phả.

[7] Theo Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế - Biểu tượng và nghệ thuật trang trí kiến trúc, Nxb Thuận Hóa:

 Một kiểu thức có dạng hình thoi với đồ án kết hợp của hai đường gãy góc đan chéo và lồng vào nhau, người ta gọi là nút huyền bí hay bàn trường. Đây là một kiểu thức dạng nút dây thắt có góc cạnh, còn gọi là dấu linh trên ngực thần Visnu (Ấn Độ giáo). Một số khác quan niệm rằng, nó được rút ra từ chữ vạn của Phật giáo hay dấu hiệu huyền bí trên lòng bàn chân Phật… Nút huyền bí bàn trường được xem như là dấu hiệu của sự trường thọ bởi bố cục của nó không có bắt đầu và kết thúc.

[8] Theo Nguyễn Hữu Thông (2001), sđd:

            Sen trong nghệ thuật tạo hình được xem là biểu tượng của đức hạnh và sự hoàn hảo, bởi đặc điểm của nó là vươn lên từ bùn nhơ và không bị vấy bẩn.

[9] Theo Nguyễn Hữu Thông (2001), sđd:

 Do đặc điểm cấu tạo lá nho, dây leo và chùm trái quấn quýt nhau, cho nên đã gợi nhiều ấn tượng về sự đông đúc, sum vầy.

[10] Ký tự chữ Hán, phiên âm do Lê Thị Lưu – Chuyên viên Phòng Tư liệu & Thông tin Di sản thực hiện.

[11] Theo Nguyễn Hữu Thông (2001), sđd:

 Trong trang trí, hình ảnh trái Phật thủ ngoài biểu tượng nói lên sự giàu có, vinh hoa, phú quý, nó còn là hình ảnh tạo sự liên tưởng an bình hướng thiện… Tuy vậy, trong cách hiểu dân gian, trái phật thủ còn minh họa cho hình ảnh hai bàn tay úp vào nhau bám chặt lấy kim tiền để khỏi bị rơi tuột.

[12] Giỏ hoa là một món trong “bát bửu”. Dơi ngậm giỏ hoa hàm chỉ sự vui hưởng hạnh phúc. Về mặt trang trí con dơi hay có kèm theo hai quả tua, gọi là họa tiết “dơi tua”, có thể hai quả tua đó chẳng mang một ý nghĩa sâu xa nào ngoài sự trang trí.

Nguồn tham khảo: https://mythuatms.com/hoc-ve-hoa-tiet-trong-my-thuat-an-nam-phan-9-d1150.html

[13] Theo Nguyễn Hữu Thông (2001), sđd:

Trong phần lớn các quốc gia phương Đông, cá là con vật báo hiệu điềm lành, người ta cho rằng có nhiều giống cá như: gáy, tràu, bông… sống rất lâu và điều này khiến người ta xem nó như biểu tượng của sự trường thọ. Trong tiếng Hán, chữ ngư (魚) là cá với chữ dư (餘) là thừa thãi, có cách phát âm là “Yu” rất giống nhau, cho nên, cá còn mang biểu tượng của sự giàu có, sung túc.

[14] Theo Nguyễn Hữu Thông (2001), sđd:

 Như ý biểu tượng cho Đức Phật, triết học Phật và mang những năng lực huyền bí… Ngọc như ý mang chức năng dẫn đường, cũng như có khả năng chống lại những điều không lành xảy ra thình lình. Người ta truyền tụng rằng, hình dáng của ngọc như ý rất giống với chiếc nấm linh chi trường thọ trong quan niệm Đạo giáo. Vì vậy, trong trường hợp này, nó được xem như là biểu tượng của sự bất tử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem