Tối 29/11, tàu vũ trụ Thần Châu 15 đã được phóng thành công từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi, tây bắc Trung Quốc, bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F.
Thần Châu-15 là sứ mệnh cuối cùng trong số 11 sứ mệnh cần thiết để lắp ráp trạm vũ trụ Thiên Cung. Nhiệm vụ đầu tiên được thực hiện vào tháng 4/2021.
Tàu vũ trụ đã cập bến hơn 6 giờ sau khi phóng, và 3 phi hành gia Thần Châu-15 đã được chào đón bằng những cái ôm nồng nhiệt từ phi hành đoàn Thần Châu đã đến trước đó.
Phi hành đoàn Thần Châu-14 đến vào đầu tháng 6 và sẽ quay trở lại Trái đất sau một tuần bàn giao.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành việc bổ sung nhân sự và xoay tua ngay trong môi trường không trọng lực, qua đó có thể tạo tiền đề cho những sứ mệnh được thực hiện định kỳ sau này.
Nhiệm vụ Thần Châu-15 đã mang đến cho Trung Quốc một khoảnh khắc ăn mừng hiếm hoi vào thời điểm nước này đang gặp phải những thách thức lớn do đại dịch Covid-19.
"Thiên Cung" là đỉnh cao của gần hai thập kỷ sứ mệnh đưa phi hành đoàn của Trung Quốc lên vũ trụ. Ngoài ra, trạm vũ trụ này cũng là biểu tượng cho sức mạnh và sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc trong các nỗ lực không gian trước đối thủ Mỹ.
Dẫn đầu sứ mệnh Thần Châu-15 là phi hành gia Fei Junlong (57 tuổi), ngoài ra còn có các phi hành gia Deng Qingming (56 tuổi) và Zhang Lu (46 tuổi). Các phi hành gia sẽ sống và làm việc trên tiền đồn không gian hình chữ T trong 6 tháng.
Trong quá trình hoạt động của trạm vũ trụ thập kỷ tới, Trung Quốc dự kiến sẽ thực hiện hai sứ mệnh phi hành đoàn tới tiền đồn quỹ đạo mỗi năm. Các phi hành gia thường trú dự kiến sẽ tiến hành hơn 1.000 thí nghiệm khoa học - từ nghiên cứu cách thực vật thích nghi trong không gian đến cách chất lỏng hoạt động trong môi trường vi trọng lực.