Dân Việt

Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị mỗi cơ sở đào tạo thuộc Bộ có một trung tâm đổi mới sáng tạo

P.V 30/11/2022 12:50 GMT+7
Tại Hội nghị về công tác đào tạo năm 2022 tổ chức tại Trường Đại học Thủy lợi mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đề nghị mỗi cơ sở đào tạo thuộc Bộ thành lập một trung tâm đổi mới sáng tạo để khuyến khích sinh viên đầu tư nghiên cứu.

"Khát" nguồn nhân lực ngành nông nghiệp

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, đến nay, Bộ NNPTNT có 12 cơ sở đào tạo đại học và sau đại học (gồm 04 đại học/học viện và 08 viện nghiên cứu), 28 trường cao đẳng và 02 trường cán bộ quản lý. Tổng số có 42 cơ sở đào tạo cấp bằng từ bậc tiến sĩ đến đến bằng sơ cấp.

Đến nay, các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ đã hình thành mạng lưới các trường, cùng với các phân hiệu rộng khắp tại nhiều vùng kinh tế trên cả nước. Bộ đã đầu tư xây dựng mạng lưới các trường cao đẳng chất lượng cao (gồm 8 trường chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế). 

 Trong hệ thống cơ sở đào tạo, Bộ NNPTNT có 38 ngành đào tạo trình độ tiến sỹ, 39 ngành đào tạo trình bộ thạc sỹ và 96 ngành đào tạo trình độ Đại học trong đó, có các chương trình tiên tiến, hợp tác với các trường nước ngoài có chất lượng, giảng dạy bằng tiếng Anh. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị mỗi cơ sở đào tạo thuộc Bộ có một trung tâm đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đề nghị mỗi cơ sở đào tạo thuộc Bộ thành lập một trung tâm đổi mới sáng tạo để khuyến khích sinh viên đầu tư nghiên cứu. Ảnh: P.Hiếu.

Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hàng năm hệ thống cơ sở đào tạo thuộc Bộ NNPTNT tuyển sinh hơn 76.000 học sinh, sinh viên, bước đầu đã gắn kết với thực tiễn sản xuất và các doanh nghiệp trong huy động nguồn lực và định hướng đầu ra cho học sinh, sinh viên. 

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề, PGS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo cần áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt để thu hút học sinh, sinh viên như: chủ động tiếp cận thực tế và làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu lao động nông nghiệp, ký kết hợp tác đào tạo.

"Cả xã hội đang tập trung vào các ngành nghề như công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí công nghệ chế tạo máy và đặc biệt là khối kinh tế, những ngành nghề truyền thống đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Giải quyết vấn đề này, chúng tôi có những chính sách để thu hút, muốn vậy đầu ra phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng được với nhu cầu xã hội và làm sao phải có lương cao, đặc biệt là đáp ứng được các ngành công nghệ cao, công nghệ cao, đầu ra hấp dẫn thì đầu vào mới thu hút được nguồn lực", ông Việt nói. 

Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, hiện nay, lực lượng kiểm lâm mới có khoảng 11.300 cán bộ, còn cần thêm khoảng 9.000 cán bộ kiểm lâm để đáp ứng được định mức 500ha rừng đặc dụng/cán bộ kiểm lâm; đối với diện tích rừng khác là 1.000 ha/cán bộ kiểm lâm. Bên cạnh đó, cả nước có trên 6.000 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và hàng chục nghìn doanh nghiệp khác về gỗ; 9.200 cơ sở nuôi động vật hoang dã, nhu cầu về định loại, cứu hộ, chữa bệnh, chăn nuôi, .... là rất lớn. 

"Để ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường nhân lực này, Trường Đại học Lâm nghiệp chủ trương đưa thực tiễn vào học đường và đưa ra học đường các sản phẩm đáp ứng tốt các yêu cầu của thực tiễn", ông Phạm Văn Điển nói.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị mỗi cơ sở đào tạo thuộc Bộ có một trung tâm đổi mới sáng tạo - Ảnh 2.

Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức hoạt động trải nghiệm: Một ngày làm kỹ sư lâm nghiệp cho các em học sinh phổ thông. Ảnh: VNUF.

 Đào tạo cho người nông dân kỹ năng về nông nghiệp tuần hoàn

Trước yêu cầu của đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết 13 của Đảng, Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 5 của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định: "Cần tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn" và đưa ra mục tiêu đến năm 2030 phải đạt tỷ lệ 70% lao động nông nghiệp qua đào tạo, mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu  lao động nông thôn". 

Đây là nhiệm vụ, trọng trách của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp và PTNT, đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Để góp phần đạt được mục tiêu này, Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và các cơ quan quản lý của ngành nông nghiệp cần chủ động đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến và chuyển đổi số trong nông nghiệp, xem đây là khâu đột phá chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. 

"Mỗi cơ sở đào tạo thuộc Bộ nên thành lập một trung tâm đổi mới sáng tạo để khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị mỗi cơ sở đào tạo thuộc Bộ có một trung tâm đổi mới sáng tạo - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị đào tạo năm 2022 của Bộ NNPTNT. Ảnh: P.Hiếu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các trường đại học và cao đẳng nghề phải chủ động đổi mới nâng cao chất lượng trong đào tạo, phải gắn đào tạo và nghiên cứu với tăng năng suất lao động, tạo ra được những sản phẩm nghiên cứu có chất lượng và gia tăng giá trị nông sản, gắn với tăng trưởng nông nghiệp xanh, kinh tế xanh bảo vệ môi trường.

"Để gắn với nông nghiệp có chất lượng cao và hiệu quả, đảm bảo được tăng trưởng xanh, nhất là giảm phát thải nhà kính đòi hỏi các chương trình đào tạo phải đổi mới theo hướng đào tạo cho người nông dân kỹ năng về nông nghiệp tuần hoàn; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp xanh", Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.

Để tận dụng những thời cơ và vượt qua các thách thức trên, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và các cơ quan quản lý của ngành nông nghiệp cần tăng cường năng lực quản lý của các cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý trong tổ chức nghiên cứu và chuyển giao KHCN công lập, ưu tiên đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.

 Tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp và huy động nguồn lực hợp pháp đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Đẩy nhanh tiến trình hội nhập, tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế về chương trình đào tạo, nâng cao năng lực và trình độ của đội ngũ giảng viên. 

Có cơ chế khuyến khích các nghiên cứu viên, giảng viên thực hiện các công trình khoa học có chất lượng được công bố, đăng tải ở nước ngoài và nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ, học hàm giáo sư, phó giáo sư trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trực thuộc Bộ, đảm bảo sự cân đối giữa các lĩnh vực đào tạo và xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành có uy tín trong nước và quốc tế.