Bí ẩn nhóm cổ động viên cuồng nhiệt của đội tuyển Qatar
Đám đông - hơn 1.000 người khỏe mạnh, hầu hết là nam giới, tất cả đều mặc áo phông đồng phục giống hệt nhau màu nâu đỏ có chữ “Qatar” bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập - đã đồng thanh gào thét cổ vũ cho đội tuyển Qatar theo hướng dẫn của 4 thủ lĩnh của nhóm bên trong Sân vận động Al Thumama hôm 25/11 khi đội tuyển Qatar gặp đội tuyển Senegal.
"Đá đi, Maroon!”, họ hô vang bằng tiếng Ả Rập, nhắc đến biệt danh của đội tuyển quốc gia Qatar (Maroon). Những người đàn ông khoác tay nhau thành hàng dài và nhảy lên nhảy xuống. Sàn nhà bên dưới họ rung chuyển.
Màn cổ vũ này giống hệt những gì từng diễn ra 5 ngày trước đó trong trận mở màn của Qatar với Ecuador trong khuôn khổ World Cup 2022.
Khung cảnh cổ vũ cuồng nhiệt này trên thực tế gợi nhớ đến các sân vận động ở Nam Mỹ và châu Âu hơn là ở Qatar. Phần cổ vũ hết mình trên của nhóm cổ động viên Qatar cũng gợi nhớ đến những người người hâm mộ bóng đá cực đoan với văn hóa cổ vũ bóng đá có tổ chức cao, vốn bắt nguồn từ Ý và hiện nay có thể thấy ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả ở Bắc Phi và Trung Đông. Tuy nhiên, đó không phải là phong cách cổ vũ bóng đá thường thấy ở Qatar.
Đặc biệt là, những cổ động viên với những hình xăm, vốn cực kỳ hiếm thấy và thường gây khó chịu trong xã hội vùng Vịnh bao gồm Qatar tiếp tục làm dấy lên những nghi ngờ rằng, dường như họ không phải là người Qatar. Vậy họ là ai? Và họ đến từ đâu?
Cổ động viên "nhập khẩu"
Kế hoạch "nhập khẩu" cổ động viên được ấp ủ vào đầu năm 2022, khi World Cup cuối cùng cũng sắp diễn ra.
Qatar vốn đã bị bủa vây bởi nhiều chỉ trích kể từ khi giành được quyền đăng cai World Cup 2022, bao gồm cách họ giành được điều này; cách họ đối xử với những lao động nhập cư; khả năng của quốc gia nhỏ bé này để tổ chức và tiếp đón hơn 1 triệu du khách tới xem World Cup.
Qatar chưa bao giờ đủ điều kiện tham dự World Cup nhờ thực lực của chính họ. Giải bóng đá vô địch quốc gia Qatar (Qatar Stars League) là một trong những giải đấu giàu nhất khu vực, với các sân vận động được trang bị máy lạnh tối tân. Nhưng các cổ động viên đến cổ vũ cho các đội như Al Sadd và Al Rayyan thường chỉ đạt tới hàng trăm chứ không phải hàng nghìn người.
Nhiều người đã tự hỏi khi World Cup diễn ra ở Qatar, ai sẽ lấp đầy các sân vận động, đặc biệt là khi đội tuyển Qatar thi đấu? Ai sẽ tạo ra những màn cổ động khí thế, hô vang các khẩu hiệu cuồng nhiệt?
Câu trả lời là khai thác văn hóa cổ vũ bóng đá của khu vực và "nhập khẩu" nó.
Theo New York Times, những cổ động viên trẻ tuổi cuồng nhiệt của Lebanon đã được cung cấp một thỏa thuận "béo bở": Miễn phí vé máy bay, chỗ ở, vé xem trận đấu và đồ ăn, cộng với một khoản tiền nhỏ, để mang văn hóa cổ vũ cuồng nhiệt đến các trận đấu World Cup của Qatar. Nhóm cổ động viên này đã đến Qatar vào giữa tháng 10 để tập lại các động tác cổ vũ và học các bài hát cổ động, đặc biệt là quốc ca của Qatar.
Rõ ràng, được tới dự World Cup là một trải nghiệm ngoài tầm với của hầu hết những người hâm mộ bình thường trong thế giới Ả Rập.
Ví dụ, Lebanon đang trong một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này đang ở mức 30%. Nếu không có sự hỗ trợ tài chính của Qatar, hầu như không một chàng trai nào mặc áo phông màu nâu đỏ đủ khả năng tham dự các trận đấu trong khuôn khổ World Cup.
Được tham dự World Cup là một giấc mơ, người hâm mộ Lebanon cho biết. Nhưng không chỉ có cổ động viên Lebanon mà còn có nhóm khoảng 1.500 người hâm mộ cuồng nhiệt khác đến từ Ai Cập, Algérie và Syria.
Tiền không phải là tất cả
Những cổ động viên cuồng nhiệt chia sẻ, tiền không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy họ cổ vũ hết mình trên các khán đài.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ một quốc gia Ả Rập. Chúng tôi chia sẻ cùng một ngôn ngữ. Chúng tôi chia sẻ cùng một nền văn hóa. Chúng tôi là những ngón tay trên cùng một bàn tay. Chúng tôi muốn cho thế giới thấy điều gì đó đặc biệt. Các bạn sẽ thấy điều đặc biệt", một cổ động viên nhấn mạnh.
Khi trận đấu bắt đầu tại sân vận động Al Thumama hôm 25/11, 1.500 cổ động viên cuồng nhiệt của Qatar đã tập trung tại khu vực khán đài được chỉ định trước. Áo đồng phục của họ in chữ Qatar ở mặt trước, “Tất cả vì Al Annabi” ở mặt sau. Quốc ca Qatar vang lên, và những cổ đông viên cuồng nhiệt đã hát theo một cách khí thế như thể đó là bài hát của chính họ. Khi màn hát Quốc ca kết thúc, các cổ động viện người Lebanon đánh trống và hô ra hiệu cho các cổ động viên khác hô vang như sấm.
“Người Qatar không thường cổ vũ các đội bóng của họ như thế này. Bởi ở Qatar, chúng tôi không thường xem bóng đá”, Abdullah Aziz al-Khalaf, một giám đốc nhân sự 27 tuổi người Qatar cho biết khi xem nhóm cổ động viên cuồng nhiệt hô hào trên khán đài với niềm tự hào xen lẫn thích thú.
Một người Qatar khác, một học sinh 16 tuổi và là người hâm mộ Al Rayyan, Ali al-Samikh cũng tỏ ra rất thích bầu không khí này. “Tôi thích nó. Thật thú vị!", cậu học sinh nhấn mạnh.
Nhưng khi được hỏi cậu có muốn đứng trong hàng ngũ đó để cổ vũ cuồng nhiệt như vậy không, cậu thẳng thắn trả lời: "Không, tôi không muốn" với một nụ cười ngại ngùng.
Ban tổ chức World Cup của Qatar đã không trả lời các câu hỏi của truyền thông về những cổ động viên cuồng nhiệt, hoặc những nỗ lực để tuyển mộ họ và đưa họ đến giải đấu.