Dân Việt

Giang Trạch Dân - người tạo đột phá trong cải cách và mở cửa của Trung Quốc

V.N (Theo Xinhua, AP, CNN) 01/12/2022 15:04 GMT+7
Trong thời gian ông Giang Trạch Dân tại chức, Trung Quốc ghi nhiều dấu ấn, từ việc Hong Kong, Macao được trao trả cho Trung Quốc đến tổ chức Thế vận hội Olympics Bắc Kinh và nổi bật nhất là gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Một tuyên bố của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương Trung Quốc gửi quân dân Trung Quốc ngày 30/11 đã gọi ông Giang Trạch Dân là "một nhà lãnh đạo kiệt xuất, có uy tín cao…, cốt lõi của thế hệ lãnh đạo tập thể thứ ba của ĐCSTQ và là người sáng lập chính của Lý thuyết Ba đại diện".

Trong nhiệm kỳ của Giang Trạch Dân, sau 12 năm đàm phán, Trung Quốc đã gia nhập WTO vào năm 2001, củng cố vị thế của nước này như một thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài.

Người ta cũng nhớ đến hình ảnh ông đứng bên cạnh Hoàng tử Charles của Anh, chủ trì việc trao trả Hồng Kông vào ngày 1 tháng 7 năm 1997, tượng trưng cho sự kết thúc 150 năm của chủ nghĩa thực dân châu Âu. Tiếp đó, lãnh thổ Macao được Bồ Đào Nha trả lại cho Trung Quốc vào năm 1999.

Giang Trạch Dân - người tạo đột phá trong cải cách và mở cửa của Trung Quốc - Ảnh 1.

Tuyên bố của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương Trung Quốc gửi quân dân Trung Quốc ngày 30/11 gọi ông Giang Trạch Dân là "một nhà lãnh đạo kiệt xuất, có uy tín". Ảnh: Reuters.

Bắt đầu từ Thượng Hải

Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố cho biết, ông Giang tham gia tích cực vào các phong trào yêu nước chống Nhật Bản trong những năm học đại học.  Ông tốt nghiệp kỹ sư điện máy Đại học Giao thông Thượng Hải năm 1947, làm việc tại một nhà máy địa phương. Năm 1949, ông vận động công nhân bảo vệ nhà máy của họ để chuẩn bị giải phóng Thượng Hải.

Ông đã làm việc và giữ vị trí lãnh đạo tại nhiều nhà máy ở Thượng Hải, đi làm thực tập sinh tại

Nhà máy ô tô Stalin ở Moscow  năm 1955 – 1956, sang Romania với tư cách chuyên gia của Bộ Công nghiệp Chế tạo máy Trung Quốc năm 1971 rồi trở về giữ các chức vụ quản lý tại các cơ quan của bộ này. Giữa khoảng thời gian đó xảy ra cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc.

Tân Hoa Xã viết: "Sau khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu, ông đã bị ảnh hưởng", tuy nhiên không nói rõ việc này.

Năm 1980, ông giữ chức Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quản lý Nhà nước về Xuất nhập khẩu và Ủy ban Quản lý Nhà nước về Đầu tư nước ngoài, phụ trách nhiều công việc tiên phong, bao gồm thực hiện các chính sách đặc biệt và các biện pháp linh hoạt ở các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến, đồng thời thí điểm các đặc khu kinh tế.

Năm 1985, ông giữ chức thị trưởng Thượng Hải và phó bí thư Thành ủy Thượng Hải. Năm 1987, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCS và được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Theo Tân Hoa xã, khi đảm nhiệm các chức vụ Thị trưởng kiêm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, ông đã lãnh đạo để đạt được những đột phá quan trọng trong công cuộc cải cách, mở cửa và xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của thành phố, lập kế hoạch phát triển và mở cửa Phố Đông, đồng thời thúc đẩy tiến bộ quan trọng trong xây dựng Đảng, nâng cao văn hóa-đạo đức và phát triển xã hội.

Về sự kiện Thiên An Môn, Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố cho biết: "Vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè năm 1989, một biến động chính trị nghiêm trọng đã diễn ra ở Trung Quốc. Ông ủng hộ và thực hiện quyết định đúng đắn của Ủy ban Trung ương CPC về lập trường rõ ràng chống lại tình trạng hỗn loạn, bảo vệ quyền lực nhà nước xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích cơ bản của người dân, và duy trì hiệu quả sự ổn định của Thượng Hải bằng cách dựa vào sự hỗ trợ vững chắc của các Đảng viên, cán bộ và quần chúng nhân dân".

Cốt lõi của thế hệ lãnh đạo thứ 3

Sau những biến động này, năm 1989 ông trở thành Tổng Bí thư rồi Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương nước CHND Trung Hoa.

Tuyên bố nói rằng Giang là cốt lõi của thế hệ lãnh đạo tập thể thứ ba của ĐCSTQ. Giữa cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, những biến động chính trị nghiêm trọng đã nổ ra trên trường quốc tế và ở Trung Quốc, ông Giang đã lãnh đạo tập thể lãnh đạo trung ương của ĐCSTQ vượt qua những biến động này.

Ông cũng kiên định lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm, kiên trì cải cách và mở cửa, bảo vệ sự nghiệp chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, và tạo ra bước đột phá mới trong cải cách và mở cửa cũng như hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc - theo Tân Hoa Xã.

Trong 13 năm Giang Trạch Dân là Tổng Bí thư, ban lãnh đạo Trung Quốc đã xây dựng và thực hiện một loạt các nguyên tắc, chính sách và chiến lược lớn, thúc đẩy cải cách trong hệ thống kinh tế, chính trị và văn hóa và trong các lĩnh vực khác, đồng thời tạo ra bước đột phá mới trong cải cách và mở cửa trên mọi phương diện.

Họ đã thực hiện chiến lược cơ bản về quản trị dựa trên luật pháp, duy trì các chính sách thống nhất hòa bình và "một quốc gia, hai chế độ", đạt được sự trở lại suôn sẻ của Hồng Kông và Macao, tạo ra bước đột phá mới trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, thúc đẩy dự án xây dựng Đảng, thúc đẩy những tiến bộ về vật chất, chính trị và văn hóa-đạo đức xã hội chủ nghĩa lên tầm cao mới đầy ấn tượng, và thúc đẩy thành công sự nghiệp chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc vào thế kỷ 21 – tuyên bố của các cơ quan lãnh đạo Trung Quốc viết.

Thúc đẩy hiện đại hóa quân đội

Là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Giang Trạch Dân đã đưa ra một loạt nhận định mới và biện pháp mới nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa của quốc phòng và lực lượng vũ trang. Ông nhấn mạnh, phải kiên định nguyên tắc phối hợp giữa phát triển quốc phòng và kinh tế, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ngày càng cách mạng, hiện đại, chuẩn hóa – Tân Hoa Xã cho biết.

Ông nhấn mạnh kiên quyết giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân, nhấn mạnh kiên quyết tuân theo cách tiếp cận đặc biệt của Trung Quốc là có ít quân hơn nhưng tốt hơn và đạt được bước phát triển nhảy vọt trong hiện đại hóa lực lượng vũ trang, với mục tiêu phát triển các lực lượng vũ trang được thông tin hóa và giành chiến thắng trong chiến tranh thông tin hóa.

Ông nhấn mạnh cải cách cơ cấu sâu sắc khoa học, công nghệ và công nghiệp liên quan đến quốc phòng, nâng cao năng lực đổi mới độc lập, đẩy nhanh phát triển vũ khí và thiết bị cũng như khoa học và công nghệ liên quan đến quốc phòng, và khám phá con đường đạt được lợi nhuận tương đối cao với chi phí tương đối thấp trong đầu tư cho hiện đại hóa quân đội.

Giang Trạch Dân đã xây dựng Lý thuyết Ba đại diện, nhấn mạnh rằng Đảng luôn đại diện cho nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất tiên tiến của Trung Quốc, định hướng cho nền văn hóa tiên tiến của Trung Quốc và lợi ích cơ bản của đại đa số người dân Trung Quốc.

Năm 2002, Giang Trạch Dân rời khỏi Ban Thường trực Bộ chính trị ĐCS TQ, nhường đường cho thế hệ lãnh đạo thứ tư, đứng đầu là ông Hồ Cẩm Đào, đánh dấu sự khởi đầu quá trình chuyển giao quyền lực kéo dài trong vài năm.

Tuyên bố nói rằng ông Giang Trạch Dân có tầm nhìn xa, và có thể đánh giá chính xác các tình huống khác nhau. Ông luôn quan sát và phản ánh các vấn đề có tính đến xu hướng chung của Trung Quốc và thế giới, cũng như công việc chung của Đảng và nhà nước, không ngừng thúc đẩy đổi mới lý luận và đổi mới trong các lĩnh vực khác.

Giang Trạch Dân - người tạo đột phá trong cải cách và mở cửa của Trung Quốc - Ảnh 2.

Ông Giang Trạch Dân thử chiếc mũ cao bồi do Thị trường Calgary Al Duerr tặng khi ông đến thăm Calgary, Canada ngày 26/11/1997. Ảnh: Reuters.

Người thay đổi Trung Quốc

Báo chí phương Tây cũng ghi nhận những thành tích của ông Giang Trạch Dân trong việc đưa Trung Quốc hội nhập cộng đồng quốc tế.

Theo CNN, Robert Lawrence Kuhn, tác giả của cuốn tiểu sử về Giang Trạch Dân xuất bản năm 2005, đã đặt tựa đề cho cuốn sách của mình là "Người thay đổi Trung Quốc: Cuộc đời và di sản của Giang Trạch Dân". Kuhn cho rằng những thay đổi kinh tế Trung Quốc được thiết lập dưới thời kỳ nắm quyền của Giang Trạch Dân và trở nên không thể đảo ngược vào cuối nhiệm kỳ của ông.

CNN cho biết thêm, năm 2001, một năm trước khi từ chức lãnh đạo, ông tuyên bố ĐCS sẽ chính thức chấp nhận các doanh nhân là đảng viên, một động thái quan trọng đã tiếp thêm sinh lực cho Đảng và thúc đẩy khu vực tư nhân đang phát triển mạnh của Trung Quốc.

AP dẫn lời Kerry Brown, một chuyên gia chính trị Trung Quốc tại Đại học King's College London, nói rằng Giang Trạch Dân đã dẫn dắt Trung Quốc "tiến lên một nền tảng toàn cầu và tự phục hồi sau năm 1989".

AP cho rằng, trong 13 năm làm tổng bí thư, ông Giang đã đưa đất nước vươn lên thành cường quốc kinh tế. Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã vượt qua Đức và sau đó là Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ.

Là lãnh đạo cao nhất, ông Giang ủng hộ Thủ tướng Chu Dung Cơ trải qua những cải cách khắc nghiệt như cắt giảm tới 40 triệu việc làm trong khu vực nhà nước vào cuối những năm 1990, tư nhân hóa nhà ở đô thị, châm ngòi cho sự bùng nổ xây dựng biến các thành phố của Trung Quốc thành rừng nhà cao tầng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính sách đối ngoại của ông đã dẫn tới việc trao trả Hong Kong, Macao cho Trung Quốc. Sau khi Hong Kong được trao trả, khu vực này trở thành bàn đạp cho các công ty đại lục muốn kinh doanh ở nước ngoài. Với Đài Loan, ông kiên quyết duy trì chính sách Một Trung Quốc, thúc đẩy thương mại giữa đại lục và Đài Loan đã tăng lên hàng tỷ USD mỗi năm.

Sự phát triển lành mạnh

Ông cũng có khả năng ngôn ngữ và nghệ thuật đặc biệt. Theo CNN, ông biết chơi piano và thích ca hát. Ông từng đọc diễn văn Gettysburg của cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln bằng tiếng Anh và hát "O Sole Mio" bằng tiếng Ý trước các quan chức nước ngoài. Còn theo AP, trong một chuyến thăm đến Anh, ông đã cố gắng thuyết phục Nữ hoàng Elizabeth II hát karaoke.

"Tôi cảm thấy rằng cho dù nghề nghiệp của một người là gì, nếu người đó thích đọc một số tác phẩm văn học, thưởng thức một chút âm nhạc, điều đó có thể rất hữu ích cho sự phát triển lành mạnh của con người," ông Giang Trạch Dân nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp vào tháng 5/1997.

Một dấu mốc của hội nhập trong thời kỳ của ông là việc Bắc Kinh được chọn làm địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa hè 2008.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã gọi Giang Trạch Dân là "người ủng hộ kiên định cho sự can dự quốc tế" và nhắc lại "sự ấm áp và cởi mở của cá nhân ông". Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dành một phút mặc niệm tưởng nhớ ông.

Giang Trạch Dân và vợ Vương Dã Bình (Wang Yeping) có hai con trai, họ làm việc trong các cơ quan chính phủ phụ trách các ngành công nghiệp nhà nước.