Tại Tọa đàm "Xuất khẩu Việt Nam trước thách thức bị áp thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ - kinh nghiệm từ ngành mật ong" do báo điện tử Dân Việt tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thắng Vượng đánh giá tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ trong năm 2022 bên cạnh nhiều thách thức mang tính chất chiến lược và dài hạn, có nhiều điểm rất khích lệ, đặc biệt qua đại dịch bệnh Covid- 19.
Theo ông Vượng, đầu tiên phải nhắc đến đó là, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác lớn thứ 7 của Hoa Kỳ về song phương thương mại.
Tổng trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chiếm khoảng 2,7% tổng trao đổi thương mại của Hoa Kỳ với toàn thế giới.
Điểm thứ 2 đặc biệt quan trọng, tháng 11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ chính thức rút Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ. Điều này rất quan trọng với kinh tế vĩ mô của Việt Nam, chứng minh sự minh bạch trong hoạt động điều hành chính sách của nước ta. Từ đó tạo niềm tin cho đối tác bên ngoài khi tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Đại diện Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, theo số liệu Tổng Cục Hải Quan, tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt khoảng 103 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi Hoa Kỳ chiếm khoảng 30% xuất khẩu của Việt Nam đi thế giới.
Chiều ngược lại, chúng ta nhập khẩu khoảng 12,3 tỷ USD từ Hoa Kỳ, chiếm khoảng 4,1% tổng giá trị hàng hóa Việt Nam nhập khẩu. Sự chênh lệch này dẫn đến thặng dư thương mại trong 10 tháng 2022 đạt 81,6 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ.
Dự báo trong 3 tháng cuối năm, sức mua tại Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh và dự kiến, lần đầu tiên trong năm nay, con số thặng dư Việt Nam đạt với Hoa Kỳ lên 100 tỷ USD. Ngoài ra, còn số một mặt hàng chủ lực khác như dệt may, da giày, đồ gỗ…vẫn tăng trưởng đều đặn.
Bên cạnh những thuận lợi đó là những thách thức mang tính chiến lược trong dài hạn. Ở góc độ Việt Nam nhìn nhận thặng dư thương mại là một điều có lợi trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ, tuy nhiên dưới góc độ với người Hoa Kỳ, thì việc này là thâm hụt thương mại trong trao đổi với Việt Nam.
Theo đó, họ sẵn sàng áp đặt những những áp lực khác vào Việt Nam. Việc tốc độ tăng trưởng thương mại quá nhanh, kéo theo tần suất các vụ việc phòng vệ thương mại, điều tra chống bán phá giá sẽ diễn ra ngày càng gay gắt. Các đồng nghiệp của tôi ở Cục Phòng vệ thương mại thực sự thấu hiểu điều này, số lượng các vụ việc tăng lên chóng mặt.
Thách thức tiếp theo, mặc dù Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký nhiều hiệp định thương mại song phương lớn, tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, đây là bất lợi lớn cho kinh tế vĩ mô. Bởi các vụ việc phòng vệ thương mại trong tương lai chúng ta sẽ phải chịu rất nhiều bất lợi. Tại phiên họp thứ 10 tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại chính sách với Hoa Kỳ để từng bước đặt ra vấn đề, Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Xung đột thương mại, xung đột địa chính trị toàn cầu hết sức gay gắt vượt qua các dự báo, các lệnh trừng phạt liên tiếp của Hoa Kỳ, rồi các nước châu Âu, các nước G7 vào các nước thứ 3 tác động bất lợi đến các hoạt động kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là trong các vấn đề thanh toán, dự án còn dang dở…