Giải “bài toán” nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho hàng hóa Việt
Giải “bài toán” nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho hàng hóa Việt
Thanh Phong
Thứ năm, ngày 25/11/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại (FTA), công tác nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trở nên cấp thiết. Sáng 25/11, báo Dân Việt tổ chức Tọa đàm: “Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững”.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã công bố số liệu về lĩnh vực phòng vệ thương mại thời gian qua. Theo đó, trong vài năm trở lại đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang tăng nhanh.
Cụ thể, giai đoạn 2005-2010 mới có 25 vụ việc (15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 3 vụ việc chống lẩn tránh). Đến giai đoạn 2011-2015 là 52 và giai đoạn 2016-tháng 9/2021 tăng mạnh lên 109 (58 vụ việc chống bán phá giá, 16 vụ việc chống trợ cấp, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh).
Giai đoạn trước năm 2005, số tổng số vụ việc khoảng 22 vụ, qua đó tổng số vụ việc tính đến nay là 208 vụ việc.
Nhận thức được tầm quan trọng của công cụ phòng vệ thương mại, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành hàng.
Ngày 2/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới".
Theo đó, Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là sửa đổi Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan hoặc xây dựng Luật phòng vệ thương mại.
Đội ngũ cán bộ ở các bộ, ngành, địa phương được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về việc sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Cùng với đó, đội ngũ chuyên gia, tư vấn pháp lý có kiến thức chuyên sâu để hỗ trợ các ngành sản xuất nhằm đảm bảo quyền lợi của Việt Nam trong thương mại quốc tế.
Ngoài ra, năng lực của cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của Việt Nam được tăng cường, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tương xứng với kim ngạch xuất nhập khẩu, hỗ trợ hiệu quả các ngành sản xuất trong nước.
Cùng với đó, Đề án cũng đặt ra mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động tham gia đàm phán, xây dựng các quy định, giải quyết tranh chấp về phòng vệ thương mại trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều Đề án như: "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ", Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại" với mục đích ngăn ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Nói về tiến độ thực hiện các Đề án nêu trên, trao đổi với Dân Việt, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này đang tích cực tham mưu, xây dựng hệ thống các quy định, luật nhằm tránh các hành vi tiêu cực đối với ngành sản xuất trong nước.
"Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Phòng vệ thương mại phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại đến kết quả xuất khẩu.
Bộ sẽ tiếp tục triển khai công tác cảnh báo sớm các vụ kiện; chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài, hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững. Bộ sẽ trực tiếp can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài khi phát hiện trong hoạt động điều tra có điểm chưa phù hợp. Nếu dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO là rõ ràng và biện pháp PVTM được nước ngoài áp dụng gây bất lợi lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, Bộ có thể cân nhắc việc đưa vấn đề ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO", ông Trung nhấn mạnh.
Nhằm có cái nhìn toàn diện, chuyên môn về lĩnh vực phòng vệ thương mại, qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhà sản xuất tránh rủi ro, báo Dân Việt tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững"
Khách mời tham dự chương trình gồm:
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)
Ông Nguyễn Xuân Sinh – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương)
Ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam
Thời gian tổ chức: 9h30 ngày 25 tháng 11 năm 2021 (thứ 5). Chương trình sẽ được phát sóng trực tuyến trên các nền tảng điện tử của báo Dân Việt (danviet.vn, Facebook, Youtube,…).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.