Ông Vi Văn Hưng, thôn Bản Luông, xã Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng khoảng 3.000m2 dong riềng, năng suất đạt khoảng 7 tấn/1.000m2, giá chỉ được 1.400 đồng/kg, rẻ hơn năm ngoái, trong khi giá phân bón, công chăm sóc, thu hoạch đều tăng.
Năm trước, nhiều chủ xưởng ở Côn Minh (Na Rì) còn sang thu mua dong riềng, nhưng năm nay không thấy”.
Vợ chồng ông Vi Văn Hưng, thôn Bản Luông (xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) thu hoạch dong riềng.
Tại cánh đồng xã Mỹ Thanh, người trồng dong đang khẩn trương thu hoạch để giải phóng đất trồng cây khác. Giá củ dong mua tại ruộng là 1.400 đồng/kg; giá mua tại đường giao thông là 1.600 đồng/kg.
Anh Thực, một tư thương thu mua dong riềng cho biết: “Mỗi ngày, tôi thu mua 1 xe, khoảng 35 tấn chở về Hà Nội bán cho nhà máy, do dong các tỉnh Tây Bắc cũng về nhiều nên giá giảm sâu so với năm 2021”.
Ông Đặng Quyết Chiến, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thanh cho biết: Năm 2021 giá củ dong từ 2.000 - 2.200 đồng/kg nên bà con phấn khởi, diện tích năm nay trồng tăng lên, tổng hơn 30ha dong riềng, tuy nhiên đều là trồng tự phát, không có đơn vị bao tiêu.
Hiện có 2 tư thương thu củ dong riềng mua mang đi Hà Nội bán, hy vọng là tiêu thụ hết được cho bà con. Chỉ lo khi trời mưa xuống, việc thu hoạch củ dong riềng sẽ gặp nhiều trở ngại.
Ông Chiến thông tin thêm là năm trước, xã đứng ra mời công ty sản xuất miến ở Hà Nội lên làm hợp đồng bao tiêu sản phẩm củ dong riềng với bà con, tuy nhiên khi được trả giá cao hơn là người dân bán hết cho tư thương. Sau sự việc đó khiến xã phải viết thư, gọi điện xin lỗi đối tác.
Tư thương thu mua củ dong riềng tại ruộng ở các địa phương của tỉnh Bắc Kạn
Tại xã Phúc Lộc (Ba Bể), ông Nông Văn Nhược, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cả xã trồng được 95,7ha, bà con đã thu hoạch, giá bán chỉ 1.300 đồng/kg củ dong; giá bột chỉ 13.000 đồng/kg, nhưng chưa thấy ai đến thu mua”.
Riêng giá củ dong ở xã Côn Minh (Na Rì) cao hơn các nơi khác trong tỉnh do được các hợp tác xã (HTX) bao tiêu. Tại xưởng sản xuất của HTX Tài Hoan thu mua tới 1.900 đồng/kg.
Việc HTX Tài Hoan thu mua cao hơn so với các nơi khác, khiến người dân yên tâm sản xuất vụ sau, tuy nhiên theo tính toán thì dong riềng phải đạt giá 2.200 đồng/kg thì người dân mới có lãi.
Theo thống kê của Sở NNPTNT, toàn tỉnh Bắc Kạn có 25 cơ sở chế biến miến dong. Trong đó có 16 cơ sở vừa chế biến tinh bột vừa sản xuất miến; 08 cơ sở chuyên sản xuất miến; 01 cơ sở chuyên sản xuất tinh bột.
Thực tế cho thấy các cơ sở chế biến tinh bột cần rất nhiều vốn để thu mua củ dong; đồng thời các cơ sở nghiền bột phải đáp ứng các điều kiện về môi trường... Tuy nhiên, đa số cơ sở chế biến tinh bột đều hạn chế về năng lực tài chính và máy móc thiết bị, cùng với đó, giá tinh bột thấp nên nhiều cơ sở không nghiền bột.
Ông Nguyễn Văn Thiện, chủ Cơ sở sản xuất miến dong Nhất Thiện cho rằng, việc giá củ dong riềng giảm sâu là do các tỉnh phía Tây Bắc trồng nhiều, cách nghiền củ cũng công nghiệp hơn nên giá thành giảm. Ngoài ra, miến dong năm nay tiêu thụ chậm hơn những năm trước nhưng không rõ nguyên nhân.
Ngay tại Cơ sở sản xuất miến dong của ông Thiện cũng không tổ chức nghiền bột mà chỉ mua bột sẵn để tích trữ.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết: Ngành Nông nghiệp luôn khuyến cáo người dân trồng dong riềng thì phải liên kết sản xuất, bao tiêu để đảm bảo đầu ra sản phẩm.
Thực tế là tại Na Rì việc liên kết trồng dong riềng mang lại hiệu quả, giá dong trên thị trường rẻ nhưng các HTX vẫn mua với giá tốt cho người trồng dong. Còn đối với các vùng trồng dong tự phát, không có hợp đồng liên kết thì phải chấp nhận theo quy luật của thị trường.