Vì sao một loài cá thịt trắng, không vảy của Việt Nam được Trung Quốc, Mỹ ráo riết thu mua?

Thiên Ngân Thứ năm, ngày 01/12/2022 19:31 PM (GMT+7)
Hiện hai thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam nhiều nhất là Trung Quốc và Mỹ với tỷ lệ lần lượt là 30% và 23%. Nhờ tận dụng được cơ hội thiếu hụt trên một số thị trường chính, ngành cá tra đã vươn lên mạnh mẽ, đạt kim ngạch gần 2,3 tỷ USD, tăng trưởng tới 63%.
Bình luận 0

Trung Quốc, Mỹ tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam

Theo thống kê, phần lớn các thị trường đều tăng nhập khẩu cá tra của Việt Nam từ 40%, thậm chí đến 200% so với trước. Điều này là nhờ các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng cơ hội về thị trường khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và "bóng ma" lạm phát toàn cầu đe dọa nhiều ngành nghề kinh tế. 

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), tại thị trường Mỹ, việc nhập khẩu cá tra từ đầu năm 2022 đã vươn lên vị trí hàng đầu, trong khi nước này giảm nhập khẩu các loài cá thịt trắng khác như cá tuyết, cá hake, cá minh thái hoặc chỉ tăng nhẹ. Giá trung bình nhập khẩu cá tra phile đông lạnh vào thị trường Mỹ đạt 4,26 USD/kg, tăng 53% so với mức giá trung bình nhập khẩu 2,77 USD/kg trong cùng kỳ năm 2021.

Một loài cá thịt trắng, không vảy được Trung Quốc, Mỹ ráo riết thu mua, Việt Nam thu về hơn 2,2 tỷ USD - Ảnh 1.

Chế biến cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: T.L

Tương tự, xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc cũng hồi phục mạnh mẽ. Đến cuối tháng 10, tổng kim ngạch cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 647 triệu USD, tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình cá tra phile đông lạnh sang thị trường Trung Quốc đạt 2,45 USD/kg, cao hơn 64% so với mức giá cùng thời điểm năm trước.

VASEP cho biết, từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc duy trì vị trí thị trường nhập khẩu cá tra số 1 của Việt Nam, vượt qua Mỹ. So với các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc luôn duy trì tăng trưởng cao nhất, qua các tháng đều có doanh số tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Chỉ trong tháng 10/2022, xuất khẩu cá tra phile/cắt khúc đông lạnh sang thị trường hơn 1 tỷ dân này chiếm 75% với trên 48 triệu USD. Cá tra tươi/đông lạnh nguyên con chiếm trên 24% đạt gần 16 triệu USD.

Ước tính khối lượng cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc tính đến cuối tháng 10 đạt khoảng 215.000 tấn.

Trong đó, Trung Quốc ưa chuộng nhập khẩu các sản phẩm cá tra phile đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá chiên/khô/sấy, cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh, bụng cá tra đông lạnh, cá tra phile cắt khúc/cắt miếng còn da, cá tra cắt portion đông lạnh, cá tra phile tẩm gia vị đông lạnh, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh...

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội về thuế, nhanh chóng triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để xuất khẩu cá tra sang thị trường các nước thành viên Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Canada tăng đột phá nhất, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 40 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra. Có 92% sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường này là cá phile/cắt khúc đông lạnh, sản phẩm cá nguyên con đông lạnh chỉ chiếm hơn 6%, còn lại là cá tra chế biến. 

Xuất khẩu cá tra sang các thị trường Australia, Singapore, Malaysia và Chile đều tăng trưởng ba con số với tỷ lệ tăng từ 108 đến 166% so với cùng kỳ.

Vì sao một loài cá thịt trắng, không vảy của Việt Nam được Trung Quốc, Mỹ ráo riết thu mua? - Ảnh 3.

Nông dân huyện Bình Chánh (TP.HCM) thu hoạch cá tra. Ảnh: Trần Đáng

Hay như ở Trung Quốc, chính sách zero Covid của Trung Quốc khiến cho các ngành sản xuất của nước này đều bị ảnh hưởng, trong đó có ngành thuỷ sản. Khai thác và nuôi trồng thuỷ sản bị giảm sản lượng một phần vì các quy định kiểm soát Covid. Do vậy, Trung Quốc càng phải gia tăng nhập khẩu từ các nước để bù đắp thiếu hụt sản lượng cho tiêu thụ nội địa và cho cả lĩnh vực chế biến xuất khẩu của họ.

Đến nay, Việt Nam có hơn 400 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra, với 10 doanh nghiệp lớn nhất là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Thủy sản Biển Ðông, Công ty cổ phần Nam Việt, Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển đa quốc gia, Công ty TNHH chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Ðức Tiền Giang, Công ty TNHH Ðại Thành, Công ty cổ phần Gò Ðàng, Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang, Công ty cổ phần Chế biến và xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex II, Công ty cổ phần Thủy Sản Ntsf. 

Hầu hết các doanh nghiệp cá tra đều có doanh số tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ giá xuất khẩu cao hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem