Anh Trạch sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại thôn Đồng Đĩnh, xã Chi Lăng. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi học hết lớp 6, anh đã phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Năm 1990, anh lập gia đình và tập trung phát triển kinh tế tại địa phương.
Anh Trạch cho biết: Những năm đầu mới lập gia đình, cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, đời sống chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Không cam chịu nghèo khó, năm 1995, tôi bàn với vợ vay thêm vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để mua hơn 200 cây na về trồng. Sau 4 năm chăm sóc, vườn na phát triển tốt và bắt đầu bói quả. Cùng đó, tôi kết hợp chăn nuôi lợn và nuôi gà thả vườn. Trung bình mỗi năm, gia đình nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa từ 4 đến 6 con… Nhờ đó, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định.
Nhận thấy cây na phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2005 đến nay, mỗi năm, gia đình anh Trạch đều mở rộng diện tích trồng mới, trồng dặm, trồng thay thế những cây na bị sâu bệnh, thoái hóa. Đến nay, gia đình anh đã có trên 700 cây na, đều đang cho thu hoạch quả.
Anh Trạch cho biết thêm: Những năm đầu, do tôi chưa biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nên quả na bé, mẫu mã không đẹp, giá trị kinh tế không cao. Ý thức được việc sản xuất na theo hướng an toàn sẽ nâng cao năng suất, chất lượng, đem lại giá trị kinh tế cao hơn nên từ năm 2018, gia đình tôi đã trồng và chăm sóc na theo quy trình VietGAP. Quá trình sản xuất, tôi tuân thủ các quy trình kỹ thuật từ cách chăm sóc, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh đến thu hái, bảo quản quả na…
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật mà mẫu mã, chất lượng quả na đẹp hơn, bán được giá cao hơn so với trước. Hiện đang bước vào đầu vụ na, gia đình anh Trạch đang tất bật với công việc thu hái quả. Những quả na đầu mùa hiện đang được gia đình anh bán với giá từ 30 đến 60 nghìn đồng/kg, tùy kích cỡ. Bình quân mỗi năm, gia đình anh thu được từ 2,5 đến 3 tấn quả, thu nhập trên 200 triệu đồng.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Trạch còn luôn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn tận tình cho các hội viên nông dân trong chi hội khi có nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP…
Ông Đoàn Tuấn Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chi Lăng cho biết: Anh Trạch là một Chi hội trưởng Chi hội Nông dân rất năng động, nhạy bén, biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đem lại thu nhập cao cho gia đình. Ngoài ra, anh còn luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công tác hội; tích cực tuyên truyền, vận động hội viên trong chi hội thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, đem lại thu nhập cao.
Với những cố gắng, nỗ lực đó, anh Triệu Văn Trạch đã nhiều lần được nhận giấy khen của các cấp, ngành. Điển hình, tháng 2/2022, anh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen là nông dân có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.