Đào được nhiều tượng cổ Ấn Độ giáo trên đất Long An, có cả tượng cổ quý hiếm là bảo vật quốc gia
Trên đất Long An đào được nhiều tượng cổ Ấn Độ giáo, có cả tượng cổ quý hiếm là bảo vật quốc gia
Chủ nhật, ngày 04/12/2022 14:13 PM (GMT+7)
Thư viện tỉnh Long An hiện lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến Ấn Độ giáo, tiêu biểu có các pho tượng thần Vishnu. Tượng cổ thứ nhất được phát hiện tại Di tích gò Bảy Liếp (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An). Tượng cổ có kích thước lớn, bị sứt vỡ nhiều, chỉ còn nửa thân trên và 2 tay...
Ấn Độ giáo là một tôn giáo, hệ thống tín ngưỡng và đạo lớn thứ 3 trên thế giới, nhiều học giả tin rằng tôn giáo này có niên đại khoảng 4.000 năm, là tôn giáo lâu đời nhất.
Ấn Độ giáo du nhập vào các tỉnh Nam bộ (trong đó có Long An) từ những năm đầu Công nguyên, thông qua quá trình thông thương buôn bán của các thương nhân ở các thị cảng của Vương quốc Phù Nam và nhanh chóng phát triển mạnh mẽ. Nhiều hiện vật được tìm thấy trong quá trình khai quật tại Long An đã chứng minh điều đó.
Những bức tượng thần Vishnu tại bảo tàng
Trong tín ngưỡng của Ấn Độ giáo, có 3 vị thần tiêu biểu là Vishnu, Brahma và Shiva, hợp thành bộ tam thần Trimurti. Trong đó, thần Vishnu có đầy đủ sự uy phong, là vị thần tử tế, ít gây khiếp sợ và được thờ cúng rộng rãi nhất. Bảo tàng - Thư viện tỉnh hiện lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến Ấn Độ giáo, tiêu biểu có các pho tượng thần Vishnu.
Tượng thứ nhất được phát hiện tại Di tích gò Bảy Liếp (huyện Tân Thạnh). Tượng có kích thước lớn, bị sứt vỡ nhiều, chỉ còn nửa thân trên và 2 tay, từ phần mũ trơn còn sót lại trên đầu cho thấy thần đội mũ trụ.
Theo Tiến sĩ Bùi Phát Diệm (nguyên Giám đốc Bảo tàng Long An), tượng có niên đại khoảng thế kỷ thứ VI, mang đặc điểm nhân chủng Ấn - Âu, gần gũi với phong cách nghệ thuật Phnom Da (tiền Angkor). Tượng thứ 2 được phát hiện tại Di tích Gò Sao (huyện Đức Hòa), chỉ còn lại phần đầu, được chế tác từ đá sa thạch, có niên đại vào thế kỷ VI - VII.
Tượng thần Vishnu đào thấy tại Di tích gò Bảy Liếp, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.
Đặc biệt, pho tượng phát hiện ở gò Trâm Quỳ (huyện Đức Hòa) đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tượng được tạc từ đá sa thạch mịn, màu xám xanh, có tư thế đứng thẳng trên bệ.
Tay phải trên cầm bánh xe, tay trái trên cầm con ốc, tay phải dưới cầm viên ngọc, tay trái dưới chống gậy (chùy). Đầu tượng thần đội mũ ống vuông dạng hình trụ thẳng đứng. Thân trên để trần, thân dưới tạo hình quấn sampot(*). Chân tượng để trần đứng trên bệ trơn.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Liên (nguyên Trưởng phòng Khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học), những tạo tác của tượng đã có sự pha trộn, chuyển tiếp giữa phong cách tiền Angkor và Angkor, báo hiệu khuynh hướng mới trong trang phục.
Đây là pho tượng Vishnu còn nguyên vẹn nhất với các biểu tượng tiêu biểu, mang đặc điểm nghệ thuật đặc trưng của văn hóa Óc Eo vào giai đoạn phát triển có tính chất lý tưởng, thần thánh hóa (cuối thế kỷ VII - thế kỷ VIII).
Đồng thời, tượng có kích thước nhỏ, sự thiếu cân đối trong tỷ lệ các phần của nhân thể, sự thiếu trau chuốt của việc xử lý bề mặt,... phản ánh tính chất địa phương của di vật này vào giai đoạn bắt đầu suy tàn của nghệ thuật văn hóa Óc Eo.
Một tôn giáo từng phát triển mạnh mẽ
Các tượng kể trên đều được phát hiện trong quá trình khảo sát và khai quật các di tích kiến trúc tôn giáo tại các địa phương trong tỉnh, là minh chứng cụ thể cho đời sống tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng cư dân thuộc nền văn hóa Óc Eo của Long An nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung.
Tại Long An, theo thống kê của Bảo tàng - Thư viện tỉnh, trong 107 di tích của nền văn hóa Óc Eo (tương đương với thời kỳ tồn tại của Vương quốc Phù Nam) được phát hiện, có 65 di tích có dấu vết kiến trúc. Trong đó, các di tích đáng chú ý ở khía cạnh tôn giáo, gồm: Cụm di tích Bình Tả, gò Cao Su, gò Trâm Quỳ (huyện Đức Hoà); gò Rọc Chanh (huyện Tân Hưng);...
Bảo vật quốc gia, tượng thần Vishnu tại gò Trâm Quỳ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Ngoài tượng thần Vishnu, nhiều hiện vật nghệ thuật tôn giáo khác đã được tìm thấy như tượng nữ thần, nam thần, voi thần, tượng thần Siva,...
Các hiện vật dùng trong đền thờ như ấm kendi (bình có vòi), bát bồng,... Bên cạnh đó, những kiến trúc gạch được xây dựng theo bình đồ gần vuông, nền móng dày hơn 1m, có giật cấp và bẻ góc mô phỏng theo kiểu Ấn Độ. Với số lượng lớn hiện vật và di tích kiến trúc được phát hiện, có thể thấy, Ấn Độ giáo chiếm vị trí khá quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân Long An lúc bấy giờ.
Phế tích Ấn Độ giáo gò Đồn, thuộc Cụm di tích Bình Tả (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) được xây dựng theo bình đồ vuông có giật cấp và bẻ góc mô phỏng theo kiểu Ấn Độ
Tất cả là những chứng cứ đáng tin cậy cho sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ giáo tại Long An từ những thế kỷ đầu Công nguyên đến thế kỷ VII - VIII. Và sự tồn tại của Ấn Độ giáo chính là bằng chứng cho quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa cũng như sự phát triển của cộng đồng cư dân cổ trên đất Long An.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.