Ngày 28/11/2022, tại Nhà khách Kinh tế - Quốc phòng 338, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị sơ kết mô hình nuôi cá nheo Mỹ trong lồng, bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Tham dự hội nghị có 40 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo chính quyền cơ sở nơi triển khai mô hình, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, cán bộ chăn nuôi, các hộ thực hiện mô hình và nông dân nuôi trồng thủy sản của 3 huyện: Lộc Bình, Văn Quan và Tràng Định.
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết mô hình nuôi cá nheo Mỹ trong lồng, bè trên sông và hồ chứa, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm năm 2022.
Từ nguồn kinh phí thuộc chương trình Khuyến nông Trung ương năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn đã lựa chọn địa điểm và triển khai "Mô hình nuôi cá nheo Mỹ trong lồng, bè trên sông và hồ chứa, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" tại thị trấn Lộc Bình và xã Sàn Viên của huyện Lộc Bình.
Mô hình nuôi cá nheo Mỹ có quy mô 800m3 lồng bè, mật độ thả nuôi 10 con/m3. Thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, các hộ nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 70% giá trị cá nheo Mỹ giống, thức ăn chăn nuôi và các loại thuốc phòng trị bệnh cá; số lượng vật tư còn lại do các hộ tham gia tự đầu tư đối ứng.
Qua 8 tháng đưa vào thả nuôi và chăm sóc theo kỹ thuật đã được chuyển giao cho các hộ nông dân, kết quả cho thấy việc đưa đối tượng cá nheo Mỹ nuôi lồng là hoàn toàn phù hợp.
Cá nheo Mỹ sinh trưởng và phát triển tốt, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, phù hợp với khả năng chăm sóc nuôi dưỡng của người dân. Trọng lượng bình quân đạt 1.500 gam/con; tốc độ tăng trọng mỗi tháng đạt 187,5 gam/con.
Về hiệu quả kinh tế, cá nheo Mỹ nuôi lồng bè có tỷ lệ sống đạt 97%, sản lượng đạt 1.455 kg/lồng. Sau khi khấu trừ các loại chi phí trong sản xuất, mỗi lồng cá nheo Mỹ đạt lợi nhuận gần 36,9 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá nheo Mỹ trong lồng, bè trên hồ chứa Tà Keo, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
Thông qua mô hình nuôi cá nheo Mỹ, các hộ nuôi trồng thủy sản ở địa phương và các vùng khác trong tỉnh có dịp học tập và làm theo, từng bước nhân rộng mô hình, góp phần làm thay đổi nhận thức, chuyển dịch từ tập quán nuôi thả cá quảng canh, tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa có sự quản lý, đầu tư thâm canh.
Mô hình nuôi cá nheo Mỹ còn góp phần hình thành và phát triển phong trào nuôi trồng thủy sản bền vững tại các vùng có tiềm năng về diện tích hồ đập, sông suối; các hình thức sản xuất liên kết tập thể mở rộng quy mô, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đăng ký nhãn hiệu, quảng bá xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm...