Nằm tiếp giáp với biển Đông, huyện cù lao Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên đối mặt hạn hán và xâm nhập mặn.
Để tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân khai thác các tiềm năng và lợi thế đất đai ổn định cuộc sống, địa phương đã chuyển đổi 3.600 ha đất lúa 1 vụ nhiễm mặn, thu nhập bấp bênh trước đây sang trồng chuyên canh cây sả.
Cánh đồng trồng sả chuyên canh ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí-TTXVN
Cây sả trồng trên đất lúa nhiễm mặn ở huyện Tân Phú Đông đã thích ứng biến đổi khí hâu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Diện tích trồng cây sả ở huyện Tân Phú Đông năm 2022 tăng gần 1.200 ha so với cùng kỳ năm trước và là huyện có diện tích trồng cây sả lớn nhất tỉnh Tiền Giang hiện nay. Diện tích trồng sả chuyên canh tập trung tại các xã Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Tân…
Từ đầu năm đến nay, nông dân huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đã thu hoạch đạt sản lượng 41.600 tấn sả cung ứng cho thị trường trong ngoài tỉnh.
Hiện nay, bà con đang vào vụ thu hoạch rộ diện tích trồng cây sả còn lại. Ước cả năm 2022, sản lượng sả thương phẩm toàn vùng đạt khoảng 55.000 tấn.
Điều đáng mừng là giá sả từ đầu năm đến nay luôn đứng ở mức cao. Thời điểm đầu năm, sả thương phẩm được thương lái thu mua giá 7.000 - 7.200 đồng/kg. Còn hiện nay, giá sả tuy có giảm nhưng giá sả vẫn giữ mức từ 4.500 đồng - 5.000 đồng/kg tùy thời điểm, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Với giá sả thương phẩm giữ mức cao như thế này, mỗi ha trồng sả đạt tổng thu trên 100 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân trồng sả còn lãi từ 50 – 60 triệu đồng, cao gấp ba lần trồng lúa một vụ trước đây.
Ông Lê Văn Tốt, chuyển đổi 2 ha đất trồng lúa thu nhập bấp bênh sang trồng chuyên canh sả cho biết, mỗi năm, gia đình ông đạt sản lượng 75 tấn sả thương phẩm.
Gia đình ông Tốt bán sả thương phẩm với giá 5.000 đồng/kg, ông thu trên 370 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng trên 150 triệu đồng.
Nhờ cây sả, gia đình ông Tốt đã vươn lên làm giàu, trở thành điển hình nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu tỉnh Tiền Giang, nhiều năm liền được Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen.
Ông Lê Văn Tốt đánh giá, cây sả không kén đất, chi phí ít, ít sâu bệnh và năng suất cao. Sả thương phẩm có giá, đầu ra thuận lợi đã thiết thực giúp nhiều nông dân vùng đất cù lao nhiễm mặn chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả và làm giàu bền vững.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết, xác định sả là cây dược liệu vừa là cây gia vị có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng vùng đất nhiễm mặn ven biển.
Các diện tích đất ven biển nhiễm mặn trồng lúa khó khăn, hiệu quả kém, thu nhập bấp bênh được địa phương triển khai thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện đến năm 2025” và Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.
Huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch vùng trồng cây sả, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích đất lúa một vụ nhiễm mặn sang trồng sả.
Đáng chú ý, cây sả còn có ưu điểm chịu khô hạn, ít công chăm sóc, trồng một lần vài năm sau mới phải cải tạo trồng lại. Đáng kể là mỗi năm cây sả cho thu hoạch 2 vụ, năng suất bình quân từ 25 đến 30 tấn/ha, nguồn lợi kinh tế vượt trội so với các cây trồng khác trên đất nhiễm mặn Tân Phú Đông như: cây lúa, cây màu khác...
Cây sả trồng ở đồng đất Tân Phú Đông cũng đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý trong nỗ lực xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của cây trồng đặc sản vùng đất nhiễm mặn cù lao hạ lưu sông Tiền.
Nhờ vậy, cây sả giúp nông dân huyện cù lao Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo nông thôn và xây dựng nông thôn mới thành công.