Cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu như một cuộc chiến thường thấy nhưng nhanh chóng, nó biến thành cuộc chiến hỗn hợp với các chủ thể phi nhà nước, kích hoạt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga như một phần của chiến tranh kinh tế và biến thành cuộc chiến năng lượng, với việc Nga cố gắng cắt giảm càng nhiều năng lượng càng tốt cho các đối thủ, trong khi đó phương Tây cũng cố gắng giảm thiểu lợi ích tài chính của Nga, bằng cách giới hạn giá năng lượng và cưỡng chế các quốc gia không tuân thủ, mặc dù điều này cũng gây ra một số bất đồng quan điểm trong khối liên minh.
Trong khi cuộc chiến đang trên mặt trận hỗn hợp tiếp diễn giữa Nga và Ukraine, thì NATO do Mỹ đứng đầu cũng tiếp tục tiến hành một cuộc chiến phi tiếp xúc trực tiếp trên các lĩnh vực kinh tế, thông tin, ngoại giao và chính trị chống lại Nga.
Vòng trong của Putin tê liệt khi nền kinh tế Nga có nguy cơ sụp đổ sau chi tiêu chiến sự
Điện Kremlin đang đấu tranh để duy trì tinh thần xung quanh cuộc tấn công Ukraine trong trận chiến quân sự của Moscow để giữ lãnh thổ bị chiếm đóng qua mùa đông.
Hay nói rõ hơn, Tổng thống Vladimir Putin đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ủng hộ trong vòng thân cận của mình khi cuộc chiến Nga - Ukraine đã làm cạn kiệt ngân sách của Điện Kremlin. Tổng thống Putin ban đầu vạch ra kế hoạch nhanh chóng chiếm Kiev và sáp nhập toàn bộ Ukraine trong vòng vài tuần, nhưng hơn 9 tháng đã qua, quân đội Nga đã mất hàng nghìn km lãnh thổ bị chiếm đóng. Sergiy Petukhov, cựu thứ trưởng tư pháp Ukraine, khẳng định cuộc xung đột đã bước vào giai đoạn "quan trọng" chắc chắn sẽ thử thách các đồng minh thận cận trong nước của Putin.
Phát biểu trên đài phát thanh Times Radio, Petukhov báo cáo: "Putin có thể đang mất đi sự ủng hộ trong xã hội của ông ấy và ngay cả trong một chế độ chuyên chế như Nga. Điều này quan trọng bởi vì đến một lúc nào đó, ông ấy có thể không có đủ tiền để trả cho lực lượng quân đội của mình và những người phụ thuộc vào ngân sách Nga để chi trả hằng năm, họ cũng chính là những người vốn làm chỗ dựa chính của ông ấy ở Nga".
Sergiy Petukhov, cựu thứ trưởng tư pháp Ukraine tiếp tục: "Thành thật mà nói, tôi nghĩ đây là thời điểm quan trọng đối với tất cả chúng ta vì ai có nhiều tiền hơn, được hỗ trợ nhiều hơn về mọi mặt và kiên cường hơn sẽ sống sót qua mùa đông này. Hy vọng rằng với sự hỗ trợ của các đồng minh NATO, tất cả sẽ ngả về Ukraine và xã hội Nga sẽ khá mệt mỏi với cuộc chiến không cần thiết này".
Thậm chí, ông dẫn lời rằng Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh đã cảnh báo về tinh thần cực kỳ thấp trong các lực lượng quân sự của Moscow. Trong chính nước Nga, người dân đã phải đối mặt với áp lực kinh tế khủng khiếp sau khi một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây được áp đặt để đáp trả cuộc xâm lược của Tổng thống Putin.
Phân tích độc lập từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đã chỉ ra rằng, GDP của Nga dự kiến sẽ giảm ít nhất 3,4% vào cuối năm 2022.
Dữ liệu còn cho thấy nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục suy giảm trong suốt năm 2023, với dự báo GDP sẽ giảm tới 4,5% so với cùng kỳ năm trước đó.
Kinh tế Nga đang dần ngạt thở
Abby Schrader, giáo sư lịch sử tại Đại học Franklin & Marshall, cho biết: "Các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Nga đối với các đầu vào công nghệ cao trong lĩnh vực năng lượng mà nước này phụ thuộc vào, nó có thể sẽ có tác động thậm chí còn sâu sắc hơn đến khả năng tài chính của Nga".
Bà nói với tờ Newsweek rằng ,các biện pháp trừng phạt này kết hợp với việc hạn chế giá dầu và dự trữ tiền tệ ngày càng giảm của Nga "có thể làm tê liệt nền kinh tế Nga".
Trong một bài đăng trên blog của nhóm chuyên gia cố vấn thuộc Trung tâm Wilson vào tháng trước, Boris Grozovski đã viết rằng việc huy động một phần quân đội của Putin "đã gây ra nhiều hệ lụy đau đớn cho nền kinh tế Nga, điều mà các biện pháp trừng phạt của phương Tây cho đến nay vẫn chưa đủ đô sức mạnh. Hàng trăm nghìn người đàn ông Nga đã bỏ nước ra đi và bên cạnh việc nhu cầu đối với các sản phẩm của họ giảm sút, nhiều doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên có kinh nghiệm.
Grozovski viết: "Người dân đã bắt đầu nghi ngờ rằng cuộc phiêu lưu quân sự của Putin đang diễn ra với cái giá phải trả của họ". Còn Dave Gulley, giáo sư kinh tế tại Đại học Bentley, Massachusetts, nói rằng các biện pháp trừng phạt về năng lượng và công nghệ cũng như hạn chế khả năng di chuyển và tiếp cận các quỹ tài chính của Nga trên khắp thế giới đang có "tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga".
Ông nói với Newsweek: "Kết hợp lại, chúng đang có tác động nghiêm trọng và có thể sẽ tăng lên theo thời gian nếu chúng được duy trì và thực thi; Bên cạnh các biện pháp trừng phạt, chi phí nội bộ là rất quan trọng. Ví dụ, hàng chục ngàn người Nga có tay nghề cao đã rời khỏi đất nước".
Sergiy Petukhov, cựu thứ trưởng tư pháp Ukraine còn chỉ ra rằng căng thẳng trong nước Nga có thể tăng cao trong thời kỳ mùa đông, khi các quỹ của Điện Kremlin tiếp tục được rót vào quân đội, chuyển tiền từ các dịch vụ công cộng quan trọng.
Trong một nỗ lực nhằm hủy hoại tinh thần của người Ukraine, Nga đã gia hạn các cuộc tấn công bằng tên lửa vào cơ sở hạ tầng dân sự trong những tuần gần đây, đặc biệt nhắm vào lưới điện để gây ra sự cố mất điện trên diện rộng.
Vụ đánh bom đã khiến hàng nghìn dân thường mất điện, nhưng Sergiy Petukhov cho biết quyết tâm tiếp tục chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của Nga vẫn rất mạnh mẽ tại Ukraine. Ông nói với Times Radio: "Điện Kremlin hy vọng rằng người Ukraine sẽ chuyển cơn thịnh nộ chống lại chính phủ của chính mình. Nhưng điều đang xảy ra là người Ukraine ngày càng tức giận hơn với Chính phủ Nga, những người đang gây thiệt hại không cần thiết cho dân thường".
Đề cập đến các cuộc tấn công vào lưới điện, Petukhov nói: "Điểm chính của việc này là làm suy sụp tinh thần của người Ukraine, và buộc họ phải chấp nhận một số hiệp định đình chiến với người Nga để tập hợp lại lực lượng và giành lại quyền lực. Nhưng điều này đã không xảy ra cho đến nay. Người Ukraine, một lần nữa đã thể hiện khả năng phục hồi khá đáng kinh ngạc".
Tổng thống Zelensky đã tuyên bố triển khai "Điểm bất khả chiến bại" trên khắp Ukraine. Các trung tâm sẽ cung cấp nơi trú ẩn cho dân thường bị ảnh hưởng bởi các cuộc không kích của Nga. Chính quyền Ukraine đã xác nhận gần 1.000 trung tâm như vậy đã được thành lập trên khắp Ukraine kể từ khi chương trình này được triển khai vào giữa tháng 11, cho phép người dân tiếp cận hệ thống sưởi, điện và thông tin liên lạc bất chấp bị mất điện đồng loạt.
"Hy vọng duy nhất" của Vladimir Putin chỉ còn nằm trong các cuộc đàm phán với Ukraine khi Nga "bị nghiền nát"
Cựu chỉ huy Hoa Kỳ Ben Hodges tuyên bố các lực lượng Nga "hoàn toàn bị nghiền nát" ở Ukraine khi mùa đông đến. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh ở Anh, cựu trung tướng khuyên Putin rằng, hy vọng duy nhất của Nga bây giờ là chấp nhận thất bại và đàm phán với Ukraine.
Ông Hodges nói với Times Radio: "Hiện tại họ đang hoàn toàn bị nghiền nát. Họ đang thua trên mọi mặt trận, họ bị cô lập trên thế giới".
Ông còn nói thêm rằng: "Hiện tại, hy vọng duy nhất của họ là kéo dài chuyện này ra với hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ mất ý chí tiếp tục ủng hộ Ukraine. Họ đang chạy đua vì chinh bản thân họ đang ở trong tình trạng tồi tệ như vậy".
Trong khi đó, Chỉ huy Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling tin rằng Ukraine đang "nắm thế thượng phong" trước Nga về chiến sự trong mùa đông. Nhiệt độ đang giảm ở Ukraine khi binh lính của cả hai bên phải đối mặt với cuộc chiến trong điều kiện băng giá.
Ông Hertling nói với CNN: "Thành thật mà nói, thời tiết đóng vai trò ngang nhau đối với cả hai bên, nhưng điều bạn đang nói đến là sự chuẩn bị sẵn sàng và kỷ luật trong lực lượng. Những gì chúng ta thấy trong lực lượng Nga cho đến nay là sự thiếu kỷ luật, thiếu khả năng lãnh đạo và được trang bị kém. Họ không chuẩn bị để giải quyết những thứ liên quan đến dầu cho thiết bị, những thứ cần để giữ khô ráo, đồng phục giữ ấm cho binh lính; Những gì NATO đang cung cấp cho Ukraine hiện nay là loại đồng phục mà chính Nga đang cần để tự duy trì sự sống còn trên mặt trận chiến sự. Binh linh Nga không có nơi trú ẩn, tôi đã xem một bức ảnh vào ngày hôm trước về một nơi trú ẩn của Nga về cơ bản là trú quanh cây chỉ để tránh gió. Lính Ukraine thì có lều, họ còn có nơi trú ẩn dưới lòng đất.
"Vì vậy, theo quan điểm của tôi, sự kết hợp giữa tiêu chuẩn hoạt động của thiết bị và kỷ luật, mặc dù thời tiết ngang bằng với cả hai bên, nhưng nhiều yếu tố khác sẽ mang lại lợi thế cho Ukraine trong cuộc chiến mùa đông này nhưng họ vẫn sẽ rất khó khăn".
Ngoài ra, cũng đã có báo cáo từ tiền tuyến của Nga cho thấy những người lính nhập ngũ được huấn luyện kém và trang bị thiết bị vũ khí, công nghệ quân sự lắp ráp kém.
Một lính nghĩa vụ nói với tờ Guardian vào tháng 10 rằng: "Họ hoàn toàn không cung cấp cho chúng tôi thiết bị nào. Quân đội không có gì, chúng tôi phải tự mua tất cả các thiết bị của mình. Tôi thậm chí phải sơn khẩu súng của mình để che đi vết rỉ sét. Đó là một cơn ác mộng... Chẳng bao lâu nữa họ sẽ bắt chúng tôi mua lựu đạn cho riêng mình".
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết chi tiêu quân sự cho vũ khí mới sẽ tăng 50% trong năm tới. Ông nói thêm rằng Chính phủ Nga có kế hoạch "thu hẹp quy mô lớn" tại các căn cứ quân sự nơi đặt tên lửa hạt nhân của Nga, điều đó để tập trung nổ lực chứa các loại vũ khí hạt nhân mới nhất. Được biết, Nga có kho dự trữ vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với gần 6.000 đầu đạn.
"Tôi chỉ thấy thua lỗ": Làn sóng chống lại Putin khi người Nga tuyên bố chiến tranh đã làm họ bẽ mặt
Người dân trên đường phố Moscow đã được hỏi về những gì Nga đã đạt được từ cuộc chiến với Ukraine, khi người Nga dần quay lưng lại với cuộc xâm lược của Vladimir Putin. Nhiều người chỉ trích chiến sự, nói với Đài Châu Âu Tự do rằng một cuộc khủng hoảng đang rình rập ở Nga. Một công dân Nga nói rằng họ không thấy bất kỳ lợi ích nào trong cuộc chiến, đồng thời nói thêm: "Tôi chỉ thấy những mất mát, thua lỗ".
Một phụ nữ trẻ Nga khác trả lời: "Mọi người đều sợ hãi. Bạn bè của tôi sợ bị động viên để nhập ngũ. Họ đang lẩn trốn hoặc rời khỏi đất nước". Một thanh niên Nga khác nói thêm: "Đã có lệnh trừng phạt và một số thương hiệu đã rời khỏi đất nước của chúng tôi. Đến một lúc nào đó, nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng ở đây. Nó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Nga hơn các quốc gia khác".
Một người đàn ông trung niên nói với Đài Châu Âu Tự do: "Nga đã làm mất đi sinh mạng của những người lính. Họ được gì? Đối với cá nhân tôi, điều đó mất mát lớn hơn bất kỳ lợi ích nào". Một người đàn ông khác chia sẻ: "Nga đã mất đi bạn bè và danh tiếng của mình".
Khi phần lớn những người được phỏng vấn chỉ trích cuộc chiến, một người đàn ông đã tóm tắt lại một câu ngắn gọn: "Nga chẳng đạt được gì cả. Nỗi đau của những người mẹ, những người trẻ chết ở cả hai bên. Rất nhiều thường dân đã thiệt mạng".
Tuy nhiên, hai trong số những người nổi bật trong các cuộc phỏng vấn đã ủng hộ những nỗ lực của Tổng thống Putin. Hai cụ bà nói rằng, Nga "phải làm điều đó" và tuyên bố Tổng thống Putin "đã chiến thắng".
Một số người từ chối thảo luận về cái gọi là 'chiến dịch quân sự đặc biệt', do khả năng đàn áp từ Điện Kremlin, có người nói: "Tôi không thể thảo luận về điều đó, bạn biết quá rõ lý do tại sao rồi đó".
Tâm lý này xảy ra khi các đồng minh phương Tây đồng ý hạn chế giá dầu của Nga, nhằm hạn chế nguồn thu của Nga cho cuộc chiến ở Ukraine. Giới hạn này được thông qua nhằm mục đích ngăn chặn các quốc gia trả hơn 60 đô la (48 bảng Anh) cho một thùng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết mức áp trần giá sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của Nga và hạn chế hơn nữa tài chính của Tổng thống Nga.
Bà Yellon cho biết mức giá trần này sẽ "hạn chế doanh thu mà ông ta sử dụng để tài trợ cho cuộc xâm lược tàn bạo của mình". Bà nói thêm: "Với nền kinh tế Nga đang suy thoái và ngân sách ngày càng mỏng đi, giá áp trần sẽ ngay lập tức cắt giảm nguồn thu nhập quan trọng nhất của Putin". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ "không chấp nhận" mức giá trần này.
Putin chịu áp lực khi cuộc thăm dò mới nhất cho thấy sự ủng hộ của Nga đối với chiến sự giảm mạnh
Những người ủng hộ việc giữ quân đội Nga ở Ukraine hiện đã giảm 57% so với mùa hè năm nay. Cụ thể, một cuộc thăm dò bị rò rỉ do các quan chức cấp cao của Nga tại Cơ quan Bảo vệ Liên bang công bố cho thấy, chỉ còn 1/4 người dân Nga muốn quân đội Nga ở lại Ukraine. Tài liệu được thu thập bởi Meduza, một trang web truyền thông điều tra độc lập.
Denis Volkov, người đứng đầu Trung tâm Levada, một tổ chức độc lập và phi chính phủ của Nga chuyên nghiên cứu về thăm dò ý kiến, đã nói về những phát hiện mới: "Nhiều người dân Nga từng coi đây là điều không liên quan đến họ. Sau những rủi ro đã tăng lên, giờ đây họ chỉ muốn các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu".
Huỳnh Dũng- Theo WSJ/Newsweek/Wionews/Express