Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại đã được phản ánh vào số liệu kinh tế của nền kinh tế số 1 thế giới khi GDP của Mỹ trong quý II/2022 giảm 0,9%, quý giảm thứ 2 liên tiếp.
Đồng thời, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 xuống 1,2%, từ mức 1,7% trước đó.
Các đối tác thương mại lớn khác của Việt Nam như châu Âu, Trung Quốc cũng đối mặt với dự báo tăng trưởng kinh tế ảm đạm trong giai đoạn 2022-2023.
Trong báo cáo mới nhất, IMF đã cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng chậm lại đáng kể vào năm 2023, trong đó một số quốc gia chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong năm 2022 hoặc 2023.
Do đó, IMF đã hạ mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 xuống còn 2,7% từ mức dự báo trước đó là 3,2%, trong đó IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu năm 2023 xuống còn 0,5% so với mức 1,2% trước đó.
IMF dự báo kinh tế Đức và Italy có thể rơi vào suy thoái vào năm 2023 với mức tăng trưởng GDP lần lượt là -0,3% và -0,2%
Bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán Vn-Direct cho rằng, câu trả lời phần lớn phụ thuộc vào việc liệu các NHTW có thể đưa lạm phát xuống mức chấp nhận được hay không. Tuy nhiên một vài NHTW đã lộ ra ý định sẵn sàng giảm tốc độ tăng lãi suất.
Hiện tại, đa phần thị trường dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 125 điểm cơ bản trong năm 2023 và cắt giảm 25 điểm cơ bản vào cuối năm 2023.
Tương tự, các NHTW khác như ECB cũng có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2023 khi xuất hiện những dấu hiệu rõ rang hơn về việc lạm phát đã giảm đáng kể.
"Tuy nhiên chúng tôi cho rằng đợt giảm lãi suất điều hành sớm nhất sẽ diễn ra trong quý I/2024. Khả năng lãi suất điều hành của Fed đảo chiều sẽ khó xảy ra trong năm 2023, nếu như kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái. Vì vậy, chúng tôi cho rằng Fed sẽ chỉ thực hiện đợt cắt giảm nhẹ 25 điểm cơ bản đầu tiên trong quý I/2024.
Theo các diễn biến trong quá khứ, xác suất đợt giảm lãi suất đầu tiên thường xảy ra cách lần tăng cuối cùng khoảng 7 tháng. Rủi ro chủ yếu vẫn là lạm phát giảm song không thể xuống chấp nhận được, do đó các NHTW không còn sự lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục biện pháp thắt chặt và không thể nới lỏng các điều kiện tài chính trong một sớm một chiều", các chuyên gia VnDirect nhấn mạnh.
Đối với Việt Nam, các chuyên gia dự báo áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước và tỷ giá hối đoái có thể kéo dài cho đến quý II/2023, sau đó sẽ giảm bớt đáng kể sau khi Fed chuyển dịch chính sách tiền tệ sang hướng trung lập hơn.
Tuy nhiên, NHNN có thể giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023 bởi một số lý do.
Thứ nhất, Fed giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2023 và chỉ số đồng USD có xu hướng giảm (một số tổ chức nghiên cứu hàng đầu dự báo chỉ số đồng USD sẽ ở mức 103-106 trong năm 2023).
Hai là, lạm phát trong nước tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm, NHNN có thể xem xét ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023.
Dự báo, lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 6,0% và lãi suất tái chiết khấu duy trì ở mức 4,5% trong năm 2023; đồng VND có thể tăng 1-2% so với USD trong năm 2023 do Fed chuyển từ chính sách "thắt chặt tiền tệ" sang "bình thường hóa" vào năm tới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia VnDirect, không thể loại trừ rủi ro Fed sẽ thắt chặt tiền tệ mạnh hơn và lâu hơn so với kỳ vọng của thị trường nếu lạm phát hạ nhiệt không như kỳ vọng của Fed (do xung đột Nga-Ukraine leo thang, khủng hoảng lương thực, gián đoạn chuỗi cung ứng). Nếu điều đó xảy ra, tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam có thể chịu nhiều áp lực nhiều hơn so với kỳ vọng trong năm 2023.