Phương thức chuyển tải vốn hiệu quả
Theo Agribank chi nhánh Đông Gia Lai, việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân thông qua tổ vay vốn và thực hiện ủy thác cho tổ trưởng thu lãi là phương thức chuyển tải vốn rất hiệu quả. Việc cho vay qua tổ rất phù hợp với yêu cầu thay đổi phương thức quản lý tín dụng gắn với mục tiêu phát triển dịch vụ, mở rộng việc cho vay theo hạn mức tín dụng quy mô nhỏ đối với hộ vay đến 300 triệu đồng và ủy thác tối đa việc thu lãi hàng tháng cho tổ vay vốn.
Là một tổ trưởng tổ vay vốn thuộc Hội Nông dân, ông Phạm Tơ (thôn 5, xã An Phú, TP.Pleiku) cho biết: "Những ngày đầu thành lập tổ, tôi gặp nhiều khó khăn trong việc thu lãi hàng tháng của từng tổ viên. Nhưng hiện nay tổ vay vốn đã hoạt động ổn định và hiệu quả với 54 tổ viên, dư nợ 7,34 tỷ đồng, tỷ lệ thu lãi bình quân đạt 100%, đặc biệt là không phát sinh nợ xấu".
Còn theo bà Trương Thị Bích Nguyên, Tổ trưởng Tổ vay vốn số 2 Hội Phụ nữ (thôn 3, xã Diên Phú, TP.Pleiku), tổ do bà phụ trách có 50 tổ viên với dư nợ 5,2 tỷ đồng, không có nợ quá hạn, đặc biệt là chị em sử dụng vốn đúng mục đích và rất hiệu quả. Có được kết quả trên là nhờ tổ trưởng luôn sâu sát với hoạt động của tổ, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của tổ viên; thông tin cho cán bộ Agribank để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý nguồn vốn tín dụng.
Phát triển dịch vụ về nông thôn
Cho vay khách hàng cá nhân qua tổ vay vốn gắn với phát triển dịch vụ là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt của Agribank Đông Gia Lai. Hiện nay, Chi nhánh đã đưa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại như thẻ Nông nghiệp nông thôn, thẻ Lộc Việt, Agribank E-Mobile Banking đến từng tổ viên tổ vay vốn để trải nghiệm. Trong đó thẻ Lộc Việt giúp người dân được tiếp cận vốn kịp thời, hạn chế việc vay nặng lãi cho các nhu cầu cấp bách như thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí, vật tư nông nghiệp… đặc biệt trong giai đoạn hộ gia đình không có nguồn thu nhập khi chưa vào vụ thu hoạch. Nhờ vậy nhiều người dân nông thôn không còn phải tìm đến "tín dụng đen" như trước đây.
Riêng đối với khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán hóa đơn qua kênh E-Banking đã giúp giảm chi phí đi lại, thời gian giao dịch. Đối với các đơn vị kinh doanh chấp nhận thanh toán thẻ của Agribank đã giảm được thời gian trong khâu kiểm đếm tiền mặt, giảm rủi ro về việc nhận tiền giả, thiếu tiền trong quá trình bán hàng.
Và để phát triển các dịch vụ này tại thị trường nông thôn, các tổ vay vốn đã phát huy vai trò tích cực. Ông Phạm Tơ cho biết: "Trong quá trình phát triển tổ vay vốn, tôi luôn kết hợp triển khai các sản phẩm dịch vụ dành cho các tổ viên như: Thu ủy thác tiền lãi, thu hộ tiền điện nước qua tài khoản khách hàng, quét mã QR Code. Giờ đây, các tổ viên đều nắm bắt được lợi ích của các dịch vụ mới, chọn các gói vay đúng theo nhu cầu của mình, góp phần sử dụng vốn có hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình".
Từ những kết quả đạt được, Agribank Đông Gia Lai đề ra mục tiêu đến cuối năm 2023, phấn đấu hoàn thành 100% khách hàng cá nhân dư nợ từ 300 triệu đồng trở xuống đủ điều kiện vào tổ vay vốn. Đồng thời, phấn đấu đạt tối thiểu 50% khách hàng vay vốn theo hạn mức quy mô nhỏ sử dụng hạn mức thấu chi để thực hiện các dịch vụ ủy quyền thanh toán tiền điện, tiền nước, cước viễn thông...
Cho vay khách hàng cá nhân thông qua tổ vay vốn gắn với phát triển dịch vụ được Agribank Đông Gia Lai triển khai từ tháng 5/2021. Tính đến tháng 7/2022 toàn chi nhánh đã có 891 tổ vay vốn, 15.855 tổ viên với dư nợ 1.772 tỷ đồng. Trong đó, Hội Nông dân quản lý 404 tổ với 10.696 tổ viên, dư nợ 1.235 tỷ đồng; Hội Phụ nữ quản lý 75 tổ với 2.116 tổ viên, dư nợ 292 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên quản lý 1 tổ với 34 tổ viên, dư nợ 4 tỷ đồng; Công đoàn đơn vị quản lý 409 tổ với 2.970 tổ viên, dư nợ 236 tỷ đồng; UBND xã quản lý 2 tổ với 39 tổ viên, dư nợ 5 tỷ đồng.
Các sản phẩm dịch vụ hiện đại của Agribank được giới thiệu rộng rãi đến khách hàng.