Như Dân Việt đã đưa tin, 4 doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu, Công ty Vận tải biển Gemadept, Công ty Cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng, Công ty Cổ phần Tân Cảng Cypress, cùng đứng tên tố cáo, gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn… về việc một số cán bộ hải quan ở Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp làm thủ tục.
Sau khi vụ việc được đưa lên mặt báo, phía Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức buổi đối thoại giữa đơn vị này và 4 doanh nghiệp nêu trên, vào sáng ngày 5/12/2022.
Tại buổi đối thoại này, có một người tên Long (được Cục Hải quan TP.HCM giới thiệu là Đặng Đình Long - người đại diện cho Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu - PV). Tại buổi đối thoại, người này cũng đặt ra một loạt vấn đề liên quan đến việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh.
Sau buổi đối thoại, phía Cục Hải quan TP.HCM còn khẳng định, dù 4 doanh nghiệp được mời nhưng chỉ có 1 đại diện đến tham dự là Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu. 3 doanh nghiệp còn lại vắng không lý do...
Ngay sau buổi tiếp xúc, phía 4 doanh nghiệp nêu trên đã có phản hồi đến Cục Hải quan TP.HCM và nêu lý do không dự buổi đối thoại được. Các doanh nghiệp này cũng khẳng định, không cử ai tên Long, cũng không có ai tên Đặng Đình Long là đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu đến dự cuộc họp.
Theo quan sát của Dân Việt, người tên Đặng Đình Long này khi được Cục Hải quan TP.HCM giới thiệu là đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu, cũng không phủ nhận. Người này sau đó cũng ngồi tại vị trí bảng tên "đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu".
Phía 4 doanh nghiệp nêu trên cũng phản ánh rằng, lý do các doanh nghiệp không thể tham dự buổi đối thoại vì thời gian quá gấp, vào ngày nghỉ (thứ 7) mới nhận được thư mời (bản chụp), nên lãnh đạo doanh nghiệp không thể tham gia vì không sắp xếp được.
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp này cũng cho rằng, thời gian phù hợp để tham gia đối thoại là sau khi nhận được kết quả xác minh các vấn đề nêu trong công văn ngày 4/11/2022 mà các doanh nghiệpđã gửi các cơ quan quản lý chuyên trách.
"Buổi đối thoại nên mời các cơ quan liên quan, như: Uỷ ban sông Mekong, Cơ quan thường trực hiệp định đường thuỷ Việt Nam và Camphuchia; các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, báo chí để buổi làm việc có được kết quả cao nhất", các doanh nghiệp này đồng kiến nghị.
Trước thông tin người "đại diện" này là giả mạo, Dân Việt đã liên lạc với Cục Hải quan TP.HCM để xác minh vụ việc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Tuấn Nam, Trưởng phòng giám sát quản lý Cục Hải quan TP.HCM, thừa nhận, đã không kiểm tra kỹ trường hợp người xưng là đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu.
Theo ông Nam, 4 giấy mời mà Cục Hải quan TP.HCM gửi đến các doanh nghiệp là gửi đích danh đến tận từng cá nhân và điều này là hoàn toàn bí mật.
Vì vậy, ông Nam nhấn mạnh rằng, cách doanh nghiệp khẳng định người này không phải là người của doanh nghiệp chỉ là… "cách họ nói thôi".
Theo ông Nam, 4 doanh nghiệp này đã gửi văn bản đến Cục Hải quan TP.HCM để thông báo không tham dự đối thoại sau khi cuộc họp đã kết thúc hơn... 4 tiếng.
"Có nghĩa là để chống chế cho công văn đó, họ buộc phải phủ nhận người này không phải là đại diện của Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu, chứ không thể nào mà người ngoài lại nắm rõ vấn đề và tiếp cận được thư mời mà Cục Hải quan gửi như thế", ông Nam nói thêm.
Cũng theo ông Nam, buổi tiếp xúc đã thông tin có 1 doanh nghiệp tham dự, "báo chí cũng đã đăng tin thì cứ chốt như vậy thôi, đừng quan tâm nữa...".
Để tìm hiểu rõ thêm về người "đại diện" tên Đặng Đình Long này, từ nhiều nguồn thông tin, chúng tôi biết được người này hiện đang là CEO của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại MEGA A, có địa chỉ tại số 163 Nguyễn Văn Trỗi, P.11, Quận Phú Nhuận.
Trên website: https://ddtrans.co/about-mega-a/, giới thiệu Mega A là công ty logistics uy tín của Việt Nam với hệ thống kho bãi trải rộng hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phạm vi kinh doanh của Mega A bao gồm nhiều dịch vụ logistics khác nhau, phục vụ rộng khắp các khu vực châu Á, châu Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương, và châu Phi.
Ngoài ra, theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, ông Đặng Đình Long này còn là đại diện của một loạt các doanh nghiệp khác như: Công ty CP Thiết bị PCCC Khải Minh Việt Nam; Công ty TNHH Kỹ nghệ Burgeon; Chi nhánh Công ty TNHH Kỹ nghệ Burgeon.
Hải quan TP.HCM: Sai phạm của 4 doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn!
Trở lại vụ việc 4 doanh nghiệp tố cáo một số cán bộ hải quan ở Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, theo tìm hiểu của Dân Việt, các cán bộ bị tố cáo như trong đơn thư của 4 doanh nghiệp này gồm: ông Nguyễn Thanh Long, Chi Cục phó; ông Đặng Bùi Việt, Đội Trưởng Đội Giám sát và các công chức thực hiện thủ tục hàng quá cảnh tại đội Hải quan Giám sát (công chức Hồ Đại Lăng, công chức Trần Kim Ngà) đã cố ý gây khó khăn, phiền hà doanh nghiệp khi thực hiện kiểm tra thực tế thủ công kéo dài số lượng lớn container hàng hóa quá cảnh đi Campuchia bằng đường thủy nội địa.
Nội dung khiếu nại gồm: Việc kiểm tra 1 container trong một tờ khai nhưng lại giữ lại toàn bộ các container trong tờ khai đó, dẫn đến 30-50 container cùng vận đơn và tờ khai bị giữ lại đến khi hoàn thành kiểm hóa. Thời gian từ lúc container bị tạm dừng thông quan đến lúc hoàn thành kiểm hóa kéo dài trung bình từ 15 đến 45 ngày. Việc ra quyết định giữ hàng kiểm hóa phải sau 3 ngày đến 10 ngày mới gửi cho người khai hải quan...
Liên quan đến tố cáo của 4 doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Long, Cục phó Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1, cho hay, những phản ánh và kiến nghị mà 4 doanh nghiệp đưa ra đều không có cơ sở, không có căn cứ, có tính chất vu khống, làm mất uy tín, danh dự cho bản thân ông.
"Đề nghị các cơ quan cấp cao hơn tiến hành xác minh những nội dung mà 4 doanh nghiệp phản ánh, nếu sai tôi và cán bộ công chức hải quan Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 sẵn sàng nhận, chịu trách nhiệm và sửa lỗi, còn nếu không đề nghị đơn vị đã phản ánh phải công khai xin lỗi", ông Long kiến nghị.
Cũng theo ông Long, phía 4 doanh nghiệp nêu trên thời gian qua đã có nhiều sai phạm vượt rất cao.
Cụ thể, số lượng tờ khai của 4 doanh nghiệp trong năm 2022: 3.605 tờ khai (tỷ lệ thị phần 9,35%); Số lượng container: 27.409 cont (tỷ lệ thị phần 33,44%). Số lượng dừng thông quan để kiểm tra: 575 tờ khai/ 607container. Tỷ lệ dừng: 2,21% (container)
Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện sai phạm của 4 doanh nghiệp lên tới 49,22% (cao hơn mức trung bình của các doanh nghiệp là 48,69%). Trong đó, số vụ vi phạm của 4 doanh nghiệp là 283 vụ (trong tổng số 633 vụ vi phạm).