Lãnh đạo Sở NNPTNT cho biết, ngành nông nghiệp đã phối hợp tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND thành phố ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Các chính sách này tập trung theo hướng tiếp tục tạo điều kiện cho chủ thể là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ dân tham gia đầu tư phát triển sản xuất giống; tăng cường ứng dụng những giống mới, giống chất lượng cao vào quá trình sản xuất. Nội dung chính sách này đã được Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM thông qua vào tháng 6/2022.
Sở NNPTNT đang phối hợp tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết quy định hỗ trợ phát triển sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn TP.HCM.
Sở NNPTNT đánh giá, mô hình mô hình chăn nuôi dê sữa F1 (Saanen và Bách thảo) bước đầu cho thấy hiệu quả, có thể chuyển giao cho các địa phương, để hỗ trợ nông dân phát triển nghề chăn nuôi dê sữa theo hướng nông nghiệp đô thị.
Thực hiện Kế hoạch số 3931 ngày 25/11/2021 của UBND TP.HCM về triển khai Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, đến nay đã có 18 sở, ban, ngành, quận, huyện và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình.
Về kết quả triển khai chương trình đến tháng 10/2022, một nhiệm vụ khoa học và công nghệ nổi bật được nghiệm thu là nghiên cứu lai tạo dê sữa F1. Công tác nghiên cứu lai tạo dê sữa F1 do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao khoa học công nghệ chủ trì, thực hiện giữa 2 giống dê Saanen và dê Bách thảo. Đồng thời, trung tâm cũng xây dựng mô hình chăn nuôi dê sữa ở TP.HCM.
Hiện nay, Trung tâm đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi dê sữa F1 (Saanen và Bách thảo) tại 6 nông hộ thuộc huyện Bình Chánh và huyện Cần Giờ. Kết quả cho thấy lợi nhuận từ sữa của giống F1 được tạo ra trong đề tài mang lại cao hơn so với giống thuần Saanen hoặc giống Bách thảo.
Ngoài ra, phương pháp chăm sóc và nuôi dưỡng dê sữa lai này cũng phù hợp với điều kiện thực tiễn ở các vùng ven TP.HCM. Đây là những khu vực có nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào để xây dựng khẩu phần phù hợp cho dê sữa, nhưng lại hạn hẹp về diện tích chăn nuôi.
Chuyển giao mô hình hỗ trợ nông dân
Tại huyện Bình Chánh, HTX Chăn nuôi dê Đa Phước là một trong những đơn vị mạnh dạn thực hiện mô hình mới là nuôi dê lấy sữa. Anh Lê Minh Hải - Giám đốc HTX cho biết, sữa dê có hàm lượng dinh dưỡng cao. Giống dê chuyên sữa không kén thức ăn. Việc trồng cỏ ở Bình Chánh cũng thích hợp vì khí hậu và thổ nhưỡng ở đây thuận lợi, anh Hải quyết định nhập giống dê Saanen từ Thái Lan về nuôi.
Hiện HTX của anh Hải có 7 thành viên, với 500 con dê được nuôi theo quy trình sạch. Trung bình, mỗi con dê sữa cho từ 2 - 2,5 lít sữa/ngày, và cho liên tục từ 3-4 tháng. Sữa tươi thu được từ trại chăn nuôi sẽ chuyển về nhà máy, sản xuất theo quy trình lên men, đóng chai và đưa ra thị trường.
Trên diện tích 3ha, HTX Chăn nuôi dê Đa Phước có doanh thu 2 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, HTX mong muốn nhận được thêm sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp trong công tác giống để mở rộng mô hình sản xuất. Việc cải thiện, nâng cao năng suất từ con giống sẽ giúp HTX tạo ra được nhiều sản phẩm sạch phục vụ du lịch nông nghiệp ở TP.HCM.
"Từ đó, HTX có điều kiện hỗ trợ nông dân địa phương tốt hơn trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị" - anh Hải cho biết.