Dân Việt

Việt Nam lập kỷ lục chưa từng có khi bán một loại hạt cho thị trường thế giới

Khánh Nguyên 10/12/2022 06:28 GMT+7
Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trong 11 tháng đầu năm ước tính đạt 6,68 triệu tấn, trị giá 3,24 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đây là một kỷ lục mới.

Theo Bộ NNPTNT, ước tính trong tháng 11/2022, Việt Nam đã xuất khẩu được 600.000 tấn gạo với trị giá 295,8 triệu USD, tăng 6,0% về khối lượng nhưng giảm 0,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. 

Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trong 11 tháng đầu năm ước tính đạt 6,68 triệu tấn, trị giá 3,24 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, Philipines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 2,74 triệu tấn, trị giá 1,27 tỷ USD, chiếm 39,1% về khối lượng và 43,0% về giá trị trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022. So với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu gạo sang Philipines đã tăng 30,8% về khối lượng và 18,4% về giá trị. 

Đứng thứ hai là Trung Quốc với 757.600 tấn, trị giá 382,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 16,8% về khối lượng và 13,0% về giá trị, giảm 18,0% về khối lượng và 16,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. 

 Đứng thứ ba là Bờ Biển Ngà với 588.600 tấn, trị giá 264,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,8% về khối lượng và 9,0% về giá trị, tăng 88,4% về khối lượng và 66,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. 

Có nên “siết” nhập khẩu gạo?  - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo năm 2022 lập kỷ lục mới. Trong ảnh: Nông dân Cần Thơ thu hoạch lúa. Ảnh: H.X

Trong báo cáo ngành lương thực, Công ty TCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết ngành xuất khẩu gạo đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2023.

Cụ thể BSC cho rằng, diễn biến thời tiết bất lợi khiến các nhà xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Pakistan giảm sản lượng xuất khẩu, trong khi nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc vẫn tăng cường nhập khẩu gạo trước kỳ vọng mở cửa nền kinh tế. Trong bối cảnh cầu tăng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng sẽ được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá.

Ngoài ra, Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để tăng giá gạo xuất khẩu trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

Tín hiệu thị trường khả quan song BSC cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh lương thực vẫn phải đối mặt với thách thức tăng trưởng, đặc biệt trong trung hạn.

BSC phân tích năng lực cạnh tranh của gạo xuất khẩu của Việt Nam chưa cao do chủ yếu cạnh tranh với các đối thủ về giá bán, phần lớn chưa đảm bảo được yêu cầu về quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Nhật… Điều này khiến mức tăng giá kỳ vọng có thể thấp hơn mức tăng giá xuất khẩu trung bình thế giới.

Mặt khác, vấn đề chi phí đầu vào, logistics của Việt Nam cao hơn các đối thủ, trình độ chuyên môn hoá và năng lực sản xuất còn hạn chế, diện tích canh tác manh mún… sẽ tiếp tục tạo áp lực lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành gạo.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến trung tuần tháng 11, cả nước thu hoạch được 1.326,7 nghìn ha lúa mùa, chiếm 85,4% diện tích gieo cấy và bằng 101,2% cùng kỳ năm trước. 

Vụ mùa năm nay, mặc dù lượng mưa lớn nhưng các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản điều tiết nước; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ công tác chống ngập úng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do các yếu tố bất lợi của thời tiết gây ra nên sản xuất vụ mùa đạt kết quả tốt, năng suất tăng so với năm trước.

Về lúa thu đông, diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2022 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 648.700ha, giảm 70.600ha so với vụ thu đông năm trước do sản xuất vụ này không ổn định, không chủ động được nguồn nước, bên cạnh đó vụ lúa thu đông năm nay còn bị tác động bởi giá phân bón, vật tư đầu vào tăng cao nên người dân hạn chế đầu tư hoặc chuyển sang trồng cây lâu năm cho hiệu quả kinh tế cao hơn..

Về lúa đông xuân 2022 -2023, tính đến ngày 15/11/2022, các địa phương phía Nam đã gieo cấy được 308.100ha lúa đông xuân sớm, bằng 86% cùng kỳ năm trước.