Việt Nam đang mua bao nhiêu nông sản của Campuchia?
Nhờ những ưu đãi về thuế quan, một vài năm gần đây ghi nhận dòng chảy nông sản từ Campuchia nhập về Việt Nam ngày càng lớn.
Đơn cử như mặt hàng gạo, ngay trong tháng đầu của năm 2022, Campuchia đã bán được 275.511 tấn gạo cho các thị trường Trung Quốc, EU, ASEAN,...
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo xay lớn nhất của Campuchia, với 31.181 tấn, tương đương 58,79% gạo xay xuất khẩu của vương quốc này; tiếp theo là 16 quốc gia EU và 3 quốc gia ASEAN.
Trong khi đó, Việt Nam lại đang nhập khẩu một lượng thóc lớn từ Campuchia.Thực tế, là một cường quốc xuất khẩu gạo nhưng năm 2021, Việt Nam vẫn nhập khẩu 3,52 triệu tấn lúa từ Campuchia, tăng 61,16% so với năm 2020 với giá trị nhập khẩu 631 triệu USD.
Có thể thấy, lượng nông sản Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam ngày càng lớn trong tổng số 7,98 triệu tấn nông sản nước này đã xuất khẩu vào năm 2021.
Ngoài lúa, Campuchia còn xuất khẩu gần 1 triệu tấn hạt điều sang Việt Nam, kế đến là sắn với 622.000 tấn, chiếm 70% tổng sản lượng sắn xuất khẩu của Campuchia.
Ngoài ra, Campuchia còn xuất khẩu sang Việt Nam 26.000 tấn đậu xanh, 26.000 tấn hạt tiêu, 66.200 tấn đậu tương.
Có thể thấy, nhờ thực thi các hiệp định thương mại tự do, nhiều mặt hàng nông sản của Campuchia được hưởng những ưu đãi về mặt thuế quan.
Mới đây, Bộ Công Thương vừa ký ban hành Thông tư 06/2022/TT-BCT quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt khi nhập khẩu vào Việt Nam năm 2021 và 2022.
Đối tượng áp dụng là các thương nhân nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo đó, tổng lượng hạn ngạch năm 2022 đối với mặt hàng gạo là 300.000 tấn, nếu là thóc thì tỷ lệ quy đổi là 2kg thóc = 1kg gạo; số lượng của năm 2021 cũng là 300.000 tấn.
Điều kiện để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do Bộ Thương mại Campuchia hoặc cơ quan được ủy quyền cấp theo quy định của phía Campuchia và làm thủ tục hải quan nhập khẩu tại các cặp cửa khẩu quy định.
Trung Quốc mua nhiều, Campuchia tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu gạo mới, Việt Nam có bị cạnh tranh?
Nhờ chiến lược đầu tư bài bản trong sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu, gạo Campuchia ngày càng được các thị trường ưa chuộng, đặc biệt là Trung Quốc, EU.
Do vậy, Liên đoàn gạo Campuchia đặt mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu gạo lên 800.000 tấn trong năm 2022, tăng khoảng 30% so với năm ngoái.
"Chúng tôi đã nhất trí về dự thảo kế hoạch hành động, với mục tiêu 2022 là năm phục hồi tăng trưởng và thúc đẩy xuất khẩu sau khi sụt giảm gần 11% vào năm 2021 do cuộc khủng hoảng Covid-19, bằng cách đặt mục tiêu xuất khẩu mới là 750.000 - 800.000 tấn trong năm 2022", Liên đoàn gạo Campuchia (CRF) cho biết.
Để đạt được mục tiêu này, CRF thúc đẩy quảng bá rộng rãi hơn sản xuất lúa gạo và giống lúa thuần của Campuchia, vốn đang nhận được nhiều nhu cầu trên thị trường quốc tế.
CRF hy vọng thị trường Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) sẽ mở rộng đối với xuất khẩu gạo của Campuchia, điều này sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo.
Lần đầu tiên xuất khẩu gạo của Campuchia sang Trung Quốc vượt 300.000 tấn vào năm 2021, đánh dấu một cột mốc lịch sử khác trong lĩnh vực gạo giữa hai nước.
Câu hỏi đặt ra là, liệu gạo Việt Nam có bị cạnh tranh với gạo Campuchia ở thị trường Trung Quốc?
Thực tế, đầu tháng 3/2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trong tuần này nhờ các tuyến giao thương với Trung Quốc mở lại, cùng với một số thương nhân cho rằng nhiều người có nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng thay thế do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 400 USD/tấn trong phiên 3/3, so với mức 395-400 USD/tấn trong tuần trước đó.
Đáng chú ý, hiện Trung Quốc đang có nhu cầu tăng nhập khẩu gạo do giá trong nước tăng mạnh và thời tiết bất lợi.
Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam trong thời gian tới, giá gạo xuất khẩu sẽ không giảm vì nhiều khách hàng đang có nhu cầu nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, gạo là một trong những nông sản chính Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn sang Trung Quốc nhưng đây cũng là mặt hàng chịu sự cạnh tranh cao từ các quốc gia khác như Campuchia và từ chính sản phẩm của Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.