Dân Việt

Cây cầu mới mang Tết sớm đến với bà con đồng bào tỉnh Cao Bằng

Nguyệt Minh 08/12/2022 18:52 GMT+7
Những ngày này, nhiệt độ tại Cao Bằng hạ xuống chỉ còn dưới 10 độ. Cái lạnh và buốt tưởng chừng như thấm vào da thịt, đủ khiến người ta e sợ mỗi khi ra ngoài vào sáng sớm. Thế nhưng, với bà con xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, hôm nay là một ngày đặc biệt và ấm áp chẳng khác gì một ngày Tết.

Ước mơ về cây cầu mới kiên cố

Sinh ra và lớn lên trong một thôn nghèo, khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương luôn được nung nấu trong lòng anh Hoàng Ngọc Chức (43 tuổi, thôn Tổng Ngoảng). Thế nhưng, những khó khăn và thử thách thường đến với anh nhiều hơn cơ hội.

Con đường đất từ nhà đến trung tâm xã, đến những mảnh nương rẫy chính là một trong những thử thách mà anh Chức hằng ngày phải vượt qua. Anh không đếm nổi số lần mình trượt ngã trên cây cầu bắc qua suối mỗi khi đi làm.

Cây cầu mới mang Tết sớm đến với bà con đồng bào tỉnh Cao Bằng - Ảnh 1.

Lễ cắt băng khánh thành “Cầu Nà Khóe – Vì Tầm Vóc Việt 4” được diễn ra long trọng với sự tham gia của đại diện Báo NTNN/Điện tử Dân Việt, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, chính quyền địa phương và đông đảo người dân xã Quảng Lâm. Ảnh: Nguyệt Minh.

Anh Chức tâm sự: “Trước đây, để sang được mảnh nương của gia đình, hoặc vào trung tâm xã, chúng tôi phải di chuyển trên con đường đất nối với cây cầu tre do dân và chính quyền cùng nhau ghép tạm.

Tôi không đi được xe máy qua cây cầu do cầu rung lắc, mặt cầu được ghép tạm nên không bằng phẳng. Ngày mưa lũ, nước ngập qua mặt cầu, lúc ấy chẳng ai dám đi qua, phải đi đường vòng thêm vài km. Chỉ chở bao phân sang nương bón cho lúa, kiếm cỏ về cho trâu bò ăn mà cũng khó”.

Cây cầu mới mang Tết sớm đến với bà con đồng bào tỉnh Cao Bằng - Ảnh 2.

Toàn cảnh “Cầu Nà Khóe – Vì Tầm Vóc Việt 4” được xây dựng trong 4 tháng, với trị giá 600.000.000 VNĐ. Ảnh: Nguyệt Minh.

Cũng như anh Chức, để góp phần có thêm thu nhập cho gia đình, chị Nguyễn Thị Mộc (32 tuổi, thôn Tổng Ngoảng) quyết tâm nuôi thêm vài con bò. Cánh đồng cỏ xanh mướt cho bò ăn nằm phía bên kia con suối, vì thế hằng ngày chị Mộc phải dắt bò đi qua cầu. Người đi trên cầu, còn bò phải lội suối. Chị Mộc nhớ lại:

“Những ngày nắng, tôi còn có thể dắt bò sang bên kia suối để kiếm cỏ ăn. Thế nhưng, những ngày mưa, tôi không dám cho bò đi qua suối do dòng nước siết. Nếu chỉ mưa thôi, tôi vẫn vác được cỏ về để nuôi bò, thế nhưng có những đợt lũ lớn, cây cầu bằng tre bị lũ cuốn trôi. Tôi lại phải đi đường vòng vài km để cắt cỏ mang về”.

Cây cầu mới mang Tết sớm đến với bà con đồng bào tỉnh Cao Bằng - Ảnh 3.

Người dân vui mừng đi trên cây cầu mới, từ giờ con đường đi làm của người dân sẽ trở nên an toàn hơn. Ảnh: Nguyệt Minh.

Cây cầu tạm bằng tre mà anh Chức, chị Mộc nhắc tới chính là điểm giao thông quan trọng của hơn 400 hộ dân 5 thôn: Tổng Ngoảng; Nà Luông; Tổng Chảo; Nà Kiềng; Phiêng Phát và Cốc Lùng.

Ông Nguyễn Đức Nhân – Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm chia sẻ: “Cây cầu là nút giao thông quan trọng, người dân các thôn phải đi qua cầu để đến trung tâm xã, trường học và nương rẫy. Mặc dù biết cây cầu có tầm quan trọng lớn trong việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của người dân. Nhưng xã lại không có đủ kinh phí để xây dựng lại cây cầu mới kiên cố”.

Cầu mới thay đổi diện mạo thôn nghèo

Sáng nay, anh Chức đã dậy thật sớm cùng gia đình chuẩn bị tham dự Lễ khánh thành “Cầu Nà Khóe – Vì Tầm Vóc Việt 4”. Hít căng bầu không khí trong lành vào lồng ngực, dù thời tiết ngoài trời vẫn lạnh cắt da cắt thịt, nhưng anh vẫn thấy lòng mình rạo rực niềm vui.

Cây cầu mới mang Tết sớm đến với bà con đồng bào tỉnh Cao Bằng - Ảnh 4.

Nhà báo Tống Hương - Phó Trưởng Ban Bạn Đọc trao quà cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn của xã Quảng Lâm. Ảnh: Nguyệt Minh.

Cảm giác tươi vui không khác gì mong đợi dịp tham gia lễ hội lớn của đồng bào dân tộc anh mỗi dịp Tết đến xuân về. Chỉ mới 4 tháng trước, anh Chức cũng như nhiều người dân khác của xã Quảng Lâm vẫn phải đi qua suối bằng cây cầu tre tạm, vậy mà ngày hôm nay, ước mơ bấy lâu của anh và người dân đã thành hiện thực.

Cây cầu tạm làm bằng tre đã được thay thế bằng cây cầu bê tông cốt thép khang trang, kiên cố, hiên ngang mỗi khi trời mưa lũ. Nhìn ngắm cây cầu mới, anh Chức hạnh phúc: “Cây cầu đẹp như mơ ước của chúng tôi. Từ nay, tôi có thể đi xe máy qua cầu, trâu bò cũng yên tâm dắt qua. Quãng đường được rút ngắn một nửa so với việc phải đi đường vòng”.

Cây cầu mới mang Tết sớm đến với bà con đồng bào tỉnh Cao Bằng - Ảnh 5.

Ông Trần Văn Thanh - TGĐ Công ty Cổ phần Trang trại bò sữa và Chế biến sữa CNC tỉnh Cao Bằng – Đại diện Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Bà Lục Thị Dư - Chuyên viên Ban tuyên truyền vận động tỉnh Cao Bằng tặng quà cho các em học sinh nghèo vượt khó. Ảnh: Nguyệt Minh.

Cây cầu mới đã thay đổi diện mạo của xã nghèo, mang lại điều kiện cơ bản để thúc đẩy kinh tế, văn hóa của xã thêm phát triển. Đặc biệt, với các em nhỏ của 5 thôn khu vực thường xuyên đi qua cây cầu,  con đường đến trường từ nay đã an toàn. Em Mạ Văn Anh (lớp 5, thôn Tổng Ngoảng) tâm sự:

“Trước đây, nếu trời mưa to, bố mẹ bận đi làm thì con phải nghỉ học. Do đi qua cầu 1 mình rất nguy hiểm. Giờ đây, có cầu mới, con sẽ không phải nghỉ học nữa”.

Cây cầu mới mang Tết sớm đến với bà con đồng bào tỉnh Cao Bằng - Ảnh 6.

Nhà báo Tống Hương hạnh phúc chụp ảnh cùng các em học sinh trên cây cầu mới. Đây là cầu nối quan trọng trên con đường đến trường của các em. Ảnh: Nguyệt Minh.

Những ngày cuối năm cận kề, Tết Quý Mão đang dần tới. Đối với người dân xã Quảng Lâm, họ sẽ chuẩn bị đón một cái Tết ấm cúng và hạnh phúc với đường sá sạch đẹp, cầu mới khang trang. 

Trong buổi lễ khánh thành, ông Nông Văn Lương – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm bày tỏ:

“Cây cầu hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân xã Quảng Lâm đi lại, giao thông, buôn bán. Đặc biệt đảm bảo an toàn cho các em học sinh đến trường mỗi đợt mưa lũ. Thay mặt bà con, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến Báo NTNN/Điện tử Dân Việt, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và các nhà hảo tâm trên cả nước”.

Cây cầu mới mang Tết sớm đến với bà con đồng bào tỉnh Cao Bằng - Ảnh 7.

Người dân vui mừng chia sẻ niềm hạnh phúc khi có cây cầu mới với Bà Phí Thu Hà – Trưởng phòng truyền thông Nha khoa Sài Gòn H.N. Ảnh: Nguyệt Minh.

Cây cầu mới mang Tết sớm đến với bà con đồng bào tỉnh Cao Bằng - Ảnh 8.

Anh Hoàng Ngọc Chức (43 tuổi, thôn Tổng Ngoảng) tự tin đi xe máy trên cây cầu mới, điều mà trước nay anh không thể làm được với cây cầu cũ. Ảnh: Nguyệt Minh.

Cây cầu mới mang Tết sớm đến với bà con đồng bào tỉnh Cao Bằng - Ảnh 9.

Ông Trương Cao Luận – Giám đốc Nha khoa Sài Gòn H.N, Bà Phí Thu Hà – Trưởng phòng truyền thông Nha khoa Sài Gòn H.N trao tặng tiền ủng hộ làm đường bê tông liên xóm trị giá 10.000.000 VNĐ. Ảnh: Nguyệt Minh.

Qua sự điều phối kết nối của Báo NTNN/Dân Việt tổng giá trị Lễ khánh thành “Cầu Nà Khóe – Vì Tầm Vóc Việt 4” lên đến 750 triệu đồng. Số tiền được trích từ chương trình gây quỹ “Giọt nước yêu thương” của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là CBNV Tập đoàn TH và BAC A BANK, Nha Khoa Sài Gòn H.N nhằm hỗ trợ người dân và địa phương có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Chi phí xây dựng cầu là 600.000.000 VNĐ, bên cạnh đó còn rất nhiều phần quà được trao tặng gồm: 16 suất quà tết cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, 20 suất quà tết cho 20 học sinh nghèo vượt khó, 5 chiếc ghế đá, hỗ trợ xây đường bê tông trị giá 10 triệu đồng.