Dân Việt

Trồng thứ lúa đặc sản có một không hai, nông dân Tiền Giang cứ bán là có người mua ngay

Trần Đáng 10/12/2022 12:58 GMT+7
Mời gọi nông dân tham gia trồng lúa đặc sản VD20, ông Châu Minh Hải (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HK, Tiền Giang) đã giúp nhiều “hai lúa” khấm khá ngay trong thời điểm giá phân, thuốc tăng phi mã.

Hiện, Công ty HK đang liên kết với nông dân trồng lúa đặc sản VD20 tại vùng Gò Công (Tiền Giang) với 1.200ha.

Liên kết trồng lúa đặc sản có một không hai, ông nông dân giúp “hai lúa” Tiền Giang khấm khá - Ảnh 1.

Nhờ kiên trì, quyết tâm trồng lúa đặc sản VD20, ông Châu Minh Hải (Mỹ Tho, Tiền Giang) đã xây dựng được nhãn hiệu gạo đặc sản VD20 Gò Công. Ảnh Trần Đáng

Bán đất bù lỗ trồng lúa đặc sản

Tôi tình cờ gặp ông Hải tại Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần 3/2022 ở TP.HCM. Ông Hải cho biết, tại cuộc thi này, ông cho "đứa con tin thần" gạo đặc sản VD20 thi thố. Kết quả thi, gạo VD20 không như kỳ vọng, nhưng ông Hải không buồn và hẹn lần thi tới.

Trước đó, tại Hội thi Gạo ngon thương hiệu Việt tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ V, năm 2021, gạo VD20 của ông Hải đứng hạng Nhì.

Theo ông Hải, chỉ có vùng đất Gò Công mới trồng lúa đặc sản VD20 cho chất lượng gạo VD20 tốt nhất. Tuy nhiên, ngay trên vùng đất Gò Công không phải nơi nào cũng trồng được lúa đặc sản VD20.

"Lúa VD20 chỉ thích hợp với đất gò với phù sa bị nhiễm mặn. Tại Gò Công nếu khai thác tối đa cũng chỉ có khoảng 2.500ha đất thích hợp trồng lúa đặc sản VD20", ông Hải cho biết.     

Mặc dù, năng suất lúa VD20 không cao (5 – 5,5 tấn/ha), nhưng cho phẩm chất gạo giá trị cao. Hàm lượng gluco của gạo đặc sản VD20 khá thấp. Người bị bệnh tiểu đường đều dùng được. Phẩm chất của gạo VD20 khi nấu thành cơm cho mùi thơm, mềm, dẽo. Đặc biệt, do trồng lúa đặc sản VD20 trên vùng đất nhiễm mặn, nên cơm có vị mặn nhẹ. Khi chan canh, cơm rã hạt. Cơm để qua 24h không thiêu.

Clip: Ông Châu Minh Hải chia sẻ việc trồng lúa đặc sản VD20 với nông dân. Ảnh: Trần Đáng

Theo ông Hải, sản phẩm gạo đặc sản VD20 ngoài việc được UBND tỉnh Tiền Giang cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, còn được Công ty TNHH SGS Việt Nam chứng nhận đạt 13 chỉ tiêu châu Âu.

Ông Hải thổ lộ, để gạo VD20 có chỗ đứng trên thị trường như bây giờ, ông đã phải "lên bờ xuống ruộng" rất nhiều lần. Thậm chí, ông phải bán 2 mảnh đất để lấy vài chục tỷ đồng bù lỗ cho việc đi xây dựng thương hiệu gạo VD20.

Theo đó, 7 năm trước thấy giống lúa VD20 có phẩm chất đặc biệt, tiềm năng kinh tế cao, ông đã quyết tâm đi xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho gạo VD20 đặc sản Gò Công để có chỗ đứng trên thị trường.

Ông Hải chọn vùng đất Gò Công để xây dựng vùng nguyên liệu trồng lúa VD20. Để triển khai mô hình, ông Hải cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn nông dân quy trình trồng lúa theo hướng hữu cơ. 

Để khuyến khích nông dân tham gia mô hình, ông Hải đầu tư trọn gói chi phí vật tư, gồm: Giống, phân hữu cơ, thuốc BVTV dưới hình thức hỗ trợ vốn không tính lãi. Đến vụ thu hoạch, nông dân còn được ông Hải hỗ trợ thêm 300.000 đồng/ha.

Theo ông Hải, để được hỗ trợ đầu vào, đầu ra, nông dân phải thực hiện đúng quy trình canh tác do ông đưa ra và phải sử dụng giống lúa đặc sản VD20. 

Liên kết trồng lúa đặc sản có một không hai, ông nông dân giúp “hai lúa” Tiền Giang khấm khá - Ảnh 4.

Từ trồng lúa đặc sản VD20, ông Hải đã đưa sản phẩm đi tham gia nhiều cuộc thi về gạo ngon trong nước để xây dựng thương hiệu. Ảnh: Gian hàng trưng bày gạo đặc sản VD20 của ông Hải (áo hồng) tại Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần 3/2022 ở TP.HCM. Ảnh: Trần Đáng

Vấn đề khi ông Hải xây dựng vùng nguyên liệu lúa VD20, ông đã trở thành "cái gai" trong mắt các thương lái địa phương. Họ tìm mọi cách để phá vùng nguyên liệu lúa VD20 mà ông Hải gầy dựng.

"Thương lái địa phương đẩy giá thu mua loạn xạ hòng phá vùng nguyên liệu lúa tôi làm. Để đeo giá lúa thương lái "đạp giá" tôi phải mua lúa giá cao cho nông dân, rồi chấp nhận bán gạo lỗ. Có thời điểm tôi phải bán 2 miếng đất để trả nợ vì muốn duy trì vùng nguyên liệu nhằm xây dựng thương hiệu cho gạo đặc sản VD20", ông Hải bộc bạch.

Xây dựng chuỗi liên kết trồng lúa đặc sản VD20     

Chi cục PTNT tỉnh Tiền Giang đánh giá, so với một số doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa hàng hóa, mô hình của ông Hải triển khai tại các huyện phía Đông của tỉnh được đánh giá là thành công nhất. Vụ đông – xuân vừa qua, ông Hải đã mua hơn 1.000 tấn lúa VD20 cho nông dân tham gia mô hình.

Ông Võ Thanh Nhã (xã Vĩnh Hựu, Gò Công Tây), nông dân trồng lúa VD20, cho biết, ông đã tham gia chương trình trồng lúa của ông Hải 4 năm nay.

"Mỗi năm, tôi trồng 3 vụ lúa VD20. Tính ra, trung bình mỗi ha tôi lời 80 triệu đồng/năm. Nông dân ở đây tham gia trồng lúa với ông Hải rất phấn khởi vì lời khá tốt", ông Nhã thổ lộ.

Liên kết trồng lúa đặc sản có một không hai, ông nông dân giúp “hai lúa” Tiền Giang khấm khá - Ảnh 5.

Hiện, ông Hải đang trồng lúa đặc sản VD20 tại vùng Gò Công với 1.200ha. Ảnh: Thu hoạch lúa đặc sản VD20. Ảnh: Trần Đáng

Theo ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), giống lúa VD20 này là giống lúa cộng đồng nên ai cũng có thể trồng và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo này.

"Ông Hải lâu nay đã đầu tư trồng và bao tiêu lúa VD20 cho nông dân. Ông Hải đã giúp nhiều nông dân khấm khá nhờ trồng lúa ngay trong thời điểm phân, thuốc tăng cao như hiện nay. Nhờ ông Hải, gạo VD20 đã có thương hiệu và được người tiêu dùng yêu thích", ông Tùng chia sẻ.

Hiện, ông Hải đang cho đóng gói gạo đặc sản VD20 Gò Công nhằm phục vụ thị trường dịp Tết Qúy Mão 2023 để làm quá biếu.