Tôi tin như vậy! Mỗi năm cứ đến hẹn lại lên, tôi lại nao lòng khi nhìn thấy hoa lau nở khắp các biền bãi dọc hai bờ sông quê tôi…
Ai đó nói chút phiêu diêu loài hoa này như mắc nợ, như sự sinh tử bất diệt qua mưa gió bão giông là tôi cứ nghĩ mãi về những bông hoa lau nhỏ xíu, tinh khôi nơi những bãi biền sông quê nhà. Là thời khắc khi gió heo may tràn về, tiết trời se se lạnh, cũng là lúc những bông lau bắt đầu trổ bông.
Ngày trước, ba tôi bảo, đó là một tín hiệu vui đối với nhà nông là qua mùa mưa gió, lụt bão. Cây lau tưởng chừng như yếu ớt, chỉ còn xác xơ qua những trận mưa sa bão táp ấy lại mang theo sự hồi sinh mãnh liệt, nảy lộc và nở trắng xóa.
Cứ thế mà đã gieo vào lòng người niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống và làm xao xuyến những người yêu cái đẹp thiên nhiên thuần khiết. Những ngày đầu mùa đông này, nắng vàng hanh hao, không gian “cờ lau” quê tôi thật là đẹp. Những bông lau trắng tinh khôi mềm mại, đua nhau vươn theo chiều gió khiến những bãi biền xanh ngát rau màu của dải đất ven sông quyến rũ đến lạ thường.
Về quê, ra bãi sông, tôi bị mê đắm bởi sắc hoa lau. Giữa ánh nắng vàng, những cơn gió mơn man dịu nhẹ, lau rộ lên trắng ngần giữa nền trời xanh thẳm.
Mùa cỏ lau quê tôi...
Loài hoa quen thuộc này được chăm sóc bởi những vệt nắng ấm, những làn gió mơn man tươi mát của đất trời vào đông để hoa mềm mại ngả theo chiều gió. Những ngày này, nhiều bạn trẻ tìm tới những đám hoa lau, check in duyên dáng từng chiếc ảnh đẹp.
Những cành hoa lau, ôm ấp vào lòng, là đã đón nhận sự dịu dàng lan tỏa, sự hòa hợp vô cùng tự nhiên đến từ thế giới nội tâm của mối giao hòa với cỏ cây, hoa lá. Biết là thân yếu, lá mềm nhưng tôi thầm nghĩ, như đợi khi gió đến, cỏ lau lại háo hức buông mình theo gió viễn du đất trời. Tôi chợt nhớ trong tiết giảng văn ngày học phổ thông, thầy giáo giảng rất hay và tôi hình dung ra những “miền lau trắng” nơi núi rừng của đoàn quân Tây Tiến năm xưa “Người đi Châu mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ” (Tây Tiến – Quang Dũng), hay có lúc đọc ở đâu đó những câu thơ hay: “Hoa lau/ Như chưa có loài hoa nào dại hoang đến thế/ Kiêu hãnh miền sỏi đá/ Bất cứ đâu/ Nơi chân trời góc bể/ Tự bung mình cho sự sống mai sau…” (Hoa lau - Trần Lâm Bình) và chép vào cuốn sổ tay thơ nho nhỏ cho riêng mình…
Đứng giữa cánh đồng lau bạt ngàn màu trắng tinh khôi này, chắc hẳn ai cũng thấy mình nhỏ lại.
Những bông lau trắng thi nhau đón gió, tung tẩy phô bày sự phóng khoáng dưới ánh nắng của mùa đông. Một vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc. Tôi hít hà mùi cỏ cây thiên nhiên đất trời ấy, hương thơm bình dị mà rất đỗi thân quen như gợi nhớ về tuổi thơ và chốn quê kiểng đã đi qua để trở về trong muôn vàn bình yên ấm áp.
Mùa vẫn nối mùa lau qua mỗi năm, trong tôi vẫn bị mê hoặc trước vẻ đẹp của lau, vì những ký ức quê nhà. Đồng đất ấy có mùa rau trái ngọt ngào, có thớ đất cuốc của ba, có đôi gióng gánh của mẹ, có bạn bè đồng thuở giong trâu bò bãi cỏ ngày nào. Ký ức về những mùa cỏ lau tuổi thơ trong tâm khảm tôi cho tôi những bâng khuâng riêng có…
Tôi đã từng thấy lau mọc và nở ở nhiều nơi như triền sông, ven đường, sườn núi, đồi đá có vách cheo leo… Và hoa lau nở vào mùa đông, tiết trời se sắt lạnh thì mới thấy hết được vẻ đẹp dân dã, điềm nhiên đón nhận tất cả những gì khắc nghiệt để vượt lên.
Tôi nghĩ đến sự thủy chung của hoa lau. Không sặc sỡ chẳng xanh tươi, cỏ lau cứ lặng lẽ, âm thầm, vươn lên nở trắng cho mùa hoa ấn tượng, dâng tặng đất trời một nét đẹp ban sơ, thuần khiết trong những ngày đông tràn…
Tôi đang đi giữa mùa lau trắng quê tôi. Bấm vài tấm ảnh ưng ý và lưu vào rồi gửi cho đứa bạn thân đang sống xa quê. Rằng đó là cho thỏa đi sự nhớ nhung của bạn, và cả của tôi, của những ai đã sinh ra, lớn lên và đi qua bao mùa lau nơi này. Nắng sớm mai nhẹ, những cành hoa lau trắng đang tràn trên tay đếm của tôi. Một sắc hoa miên man đến nao lòng. Mùa lau trắng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.