Dân Việt

"Mẹ ruột bạo hành con trai 6 tuổi tử vong là hành vi không thể dung thứ"

Lan Hương 11/12/2022 18:20 GMT+7
Đó là chia sẻ của ông Hà Đình Bốn, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cùng luật sư trước vụ việc mẹ ruột bạo hành con trai 6 tuổi đến tử vong gây xôn xao dư luận ở huyện Quốc Oai, Hà Nội.

"Hành vi bạo hành con là không thể dung thứ"

Ngày 10/12, Công an huyện quốc Oai, Hà Nội tiến hành tạm giữ hình sự Nguyễn Thanh Thi (SN 1985, thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) để điều tra hành vi "Giết người". Thi được xác định là đối tượng đã bạo hành chính con ruột 6 tuổi của mình khiến cháu tử vong. Nạn nhân là cháu Nguyễn Mạnh K (SN 2016).

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hà Đình Bốn, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, trẻ em luôn được pháp luật bảo vệ. Mọi người phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ. Trẻ quá non nớt, dù viện vào bất cứ lý do gì để xâm phạm vào sức khoẻ, tính mạng của trẻ là điều không thể dung thứ.

 "Mẹ ruột bạo hành con trai 6 tuổi tử vong là hành vi không thể dung thứ" - Ảnh 1.

Nguyễn Thanh Thi được xác định đã nhiều lần bạo hành con trai ruột 6 tuổi của mình, lần cuối cùng đã khiến cháu không qua khỏi. Ảnh: VKSND Quốc Oai

"Dù người mẹ có viện vào lý do gì đi chăng nữa thì rõ ràng hành vi bạo hành con là không thể dung thứ, phải xử lý thật nghiêm minh. Với trẻ em, mẹ vẫn là nơi ấm áp, an toàn nhất nhưng chính những vụ việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần tuyên truyền tốt cho các gia đình để không xảy ra vụ bạo hành trẻ nhỏ trong gia đình, đặc biệt đối với gia đình có hôn nhân từng tan vỡ", ông Bốn chia sẻ.

 "Mẹ ruột bạo hành con trai 6 tuổi tử vong là hành vi không thể dung thứ" - Ảnh 2.

Ông Hà Đình Bốn, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lên án hành vi bạo hành con của người mẹ khiến cháu bé tử vong. Ảnh: Gia Khiêm

Tiếp lời ông Bốn, trao đổi với PV Dân Việt, TS - luật sư Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng nêu rõ, mọi hành vi đánh đập, hành hạ, xúc phạm trẻ em vì bất kỳ lý do gì, do bất kỳ ai thực hiện thì đều là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền trẻ em và người thực hiện hành vi sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật trong đó có chế tài hình sự.

"Vụ việc người phụ nữ đánh chết con đẻ mới 6 tuổi ở Quốc Oai Hà Nội là một vụ việc vi phạm pháp luật hình sự nghiêm trọng. Hành vi của người phụ nữ này là rất tàn nhẫn, đáng lên án, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em và là hành vi vi phạm pháp luật. Không chỉ hành hạ trẻ em, người phụ nữ này còn thực hiện hành vi trái pháp luật tước đoạt tính mạng của trẻ em. Bởi vậy người này sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 bộ luật hình sự và có thể sẽ xử lý thêm tội Hành hạ con theo Điều 185 Bộ luật hình sự", luật sư Cường phân tích.

"Đạo đức xuống cấp, coi nhẹ quyền trẻ em"

Theo ông Bốn, với hành vi bạo hành con ruột tử vong người mẹ phải đối diện với lao lý, có thể ở mức hình phạt cao nhất. Việc này sẽ do cơ quan Công an điều tra làm rõ và có biện pháp xử lý nghiêm minh mang tính chất răn đe. Bên cạnh đó, người mẹ sẽ phải chịu nhiều điều tiếng từ dư luận, hàng xóm…

"Qua sự việc này, các cơ quan chức năng phải xem xét cụ thể để hỗ trợ kịp thời cho gia đình để giảm bớt khó khăn khi hậu quả như vậy. Các cấp chính quyền phải căn cứ vào đó, đặc biệt hơn giáo dục cho tất cả bậc cha mẹ, nghĩa vụ trách nhiệm với con trẻ để không xảy ra sự việc đáng tiếc. Chứng tỏ công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức chưa đến nơi đến chốn, chưa nhận thức hết để họ mới xảy ra mức như vậy mà ngay tại Hà Nội càng không thể chấp nhận", ông Bốn thông tin thêm.

 "Mẹ ruột bạo hành con trai 6 tuổi tử vong là hành vi không thể dung thứ" - Ảnh 3.

TS, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, mọi hành vi đánh đập, hành hạ, xúc phạm trẻ em vì bất kỳ lý do gì, do bất kỳ ai thực hiện thì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh: NVCC

Luật sư Cường cho hay, Đảng và nhà nước Việt Nam luôn quan tâm chăm lo đến các thế hệ trẻ, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ trẻ em. Việt Nam là một trong những quốc gia đã sớm gia nhập công ước về quyền trẻ em và có nhiều hợp tác quốc tế về bảo vệ trẻ em. Hệ thống pháp luật trong nước cũng ngày càng hoàn thiện để bảo vệ tốt nhất quyền con người, quyền trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

"Pháp luật quy định cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái nhưng nghiêm cấm hành vi giáo dục bằng phương pháp sử dụng bạo lực. Mọi hành vi đánh đập, chửi bới, mạt sát, xúc phạm con cái vì bất kỳ lý do gì cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền trẻ em thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Cường nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Cường, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những hành vi bạo hành trẻ em xảy ra, trong đó nhiều trường hợp đối tượng thực hiện hành vi hành hạ trẻ em là cha mẹ, người thân của trẻ em. Nguyên nhân có thể là do những người cha, người mẹ đó có cuộc sống không hạnh phúc, nhận thức pháp luật và xã hội hạn chế, thiếu sự quan tâm giúp đỡ của những người thân và đôi khi là cả sự thờ ơ của những người hàng xóm xung quanh. 

"Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ việc bạo hành trẻ em do chính cha mẹ, người thân của trẻ em gây ra thì cần phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về hoàn thiện chính sách pháp luật đối với công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là chú trọng đến các cơ chế để đảm bảo quyền trẻ em không chỉ được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật mà còn phải được đảm bảo để thực hiện trong thực tế. Cần phải áp dụng triệt để các biện pháp hành chính và chế tài hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền trẻ em để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra", luật sư Cường cảnh báo.

Ngoài ra, luật sư Cường cho rằng, cần phải đổi mới phương thức giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức nhân cách lối sống để xây dựng, duy trì đạo đức xã hội, trong đó có lòng nhân ái, tình yêu thương con người. Cần giáo dục kiến thức pháp luật, đặc biệt là quy định pháp luật về quyền trẻ em cho các bậc phụ huynh, những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ em để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng và bảo vệ trẻ em, loại bỏ suy nghĩ lạc hậu là "đèn nhà ai nhà ấy rạng", "đánh còn là hành vi dạy dỗ"...

"Khi phát hiện hành vi bạo hành trẻ em thì bất kỳ ai cũng phải có trách nhiệm can thiệp, hỗ trợ, trình báo sự việc với cơ quan chức năng để can thiệp, xử lý kịp thời đối với hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ khi nào văn hóa, đạo đức xã hội được nâng cao, pháp luật được phổ biến rộng rãi và được tôn trọng thì khi đó quyền trẻ em mới được đảm bảo tốt nhất", luật sư Cường nêu rõ.

Phát hiện trẻ bị xâm hại, bạo hành cần báo tin cho ai?

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho hay, người dân cần lên tiếng tố cáo những trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ nhỏ. 

Theo ông Nam, trong bối cảnh thời đại số không thể "đánh đồng" cơ quan chức năng không tuyên truyền, truyền thông, rất nhiều thông tin trên mạng được đăng tải. Bất cứ vụ việc bạo lực trẻ em nào, người dân cũng cần gọi ngay tổng đài 111. 

Theo ông Nam, nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra nhưng người nhà cũng không có kiến thức. Nhiều bậc cha mẹ sau khi ly hôn hàng tháng bị ngăn cấm, không được gặp con cũng không nghĩ gì đến. Trong bối cảnh đó, nếu không được gặp phải đặt ra nghi vấn, nhờ cơ quan chức năng can thiệp kịp thời.

"Mọi trẻ em đều được bảo vệ bằng pháp luật, tất cả hành vi gây tổn hại cho trẻ em đều bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý, can thiệp bất luận là chuyện dạy con hay dạy học trò. Đây cũng là trách nhiệm người dân, trách nhiệm cộng đồng. Mỗi người dân hãy lên tiếng tố cáo nếu phát hiện cháu bé có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại…", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cho biết, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã được thiết lập, thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại trẻ em đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng đài này tiếp nhận thông tin phản ánh 24/24h kể cả ngày nghỉ lễ, Tết. 

"Luật pháp quy định rất rõ nên khi người dân gọi điện đến tổng đài 111 phản ánh, chúng tôi phải xử lý ngay, cơ quan nào không vào cuộc phải chịu trách nhiệm. Vấn đề nhiều người dân không tra cứu thông tin, không tố cáo vì lo sợ bị ảnh hưởng tình cảm hai bên sứt mẻ. Nếu gọi điện Cục Trẻ em sẽ ngay lập tức báo công an, chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời", ông Nam chia sẻ thêm.