Trước thềm trận tứ kết World Cup 2022 giữa Anh và Pháp, tờ Speider ví von "Nếu như eo biển Manche kết nối hai quốc gia Anh và Pháp, thì Adrien Rabiot là điểm nối trong cuộc chiến Anh - Pháp". Lý do là vì ở cái tuổi 13, cậu bé có thân hình mảnh khảnh Rabiot đã dứt áo rời khỏi lò đào tạo trẻ của Man City, chỉ 6 tháng sau khi đăng ký vào trung tâm ấy. Số phận sau đó đã mang anh đến với đội chủ sân Parc des Princes để rồi từng bước trở thành ngôi sao.
Ở tuổi 13, Rabiot rời thủ đô nước Pháp, cũng là quê hương anh, để ghi danh vào lò đào tạo của Man City. Anh hy vọng mình sẽ giành được những thành công tại Man City, giữa giải đấu Ngoại hạng Anh ngày càng nhộn nhịp. Nhưng chỉ sáu tháng, giấc mơ ấy tan vỡ. Người đã kéo Adrien trở lại với thực tế chính là mẹ anh, bà Véronique Rabiot.
Véronique xác nhận chính bà là người đã kéo cậu con trai ra khỏi Manchester, chứ hoàn toàn không phải vì Rabiot cảm thấy nhớ nhà như những nguồn tin đã đưa. Cho đến bây giờ, khi đã có thu nhập cao và giành đến 5 chức vô địch Ligue 1 cùng với PSG và 1 chức vô địch Serie A cùng Juventus, Rabiot vẫn nhất nhất nghe theo lời mẹ. Ở Pháp, có rất nhiều trang web lập ra để chế giễu việc này. Họ bảo anh là thanh niên bám váy mẹ. Họ bịa ra những điều kiệu mà bà Véronique yêu cầu với ban lãnh đạo PSG trước đây hay Juventus bây giờ, nếu không bà sẽ lại kéo anh ta sang một CLB khác. Những điều kiện rất phi lý kiểu như:
- Phải cho Rabiot uống sữa ngày ba bữa, sữa nguyên kem, đừng cho nhiều đường.
- Phải cho thằng bé ăn nhiều rau trong bữa ăn, dạo này nó đi toilet không đều mấy.
- Phải bôi kem chống nắng cho nó trước bữa tập, Paris dạo này nắng như đổ lửa ấy.
- Phải cho nó tắm trước, thằng bé ngượng khi phải tắm chung với người lạ.
Những chàng trai mới lớn luôn muốn thoát ly khỏi người mẹ của họ. Ai trong chúng ta mà chưa từng trải qua cơn khủng hoảng trưởng thành ấy. Muốn mẹ tránh xa mình ra, muốn tự lập đến trường mà không cần đưa rước. Nhưng Rabiot thì khác. Ở tuổi 27, anh vẫn muốn làm "cục cưng của mẹ". Những gì Rabiot thể hiện tại PSG rồi Juventus và ĐT Pháp, giữa một rừng những ngôi sao, vẫn khẳng định giá trị của bản thân, cho thấy sự trưởng thành vượt bậc. Việc gì phải gồng lên khi ta hoàn toàn có thể dựa dẫm vào người đã sinh ra ta? "Với những ai không còn bố mẹ, họ sẽ cảm thấy việc có một ai đó để dựa vào là một niềm an ủi lớn," Rabiot từng nói trên kênh TF1.
Với riêng Rabiot, việc gì anh phải nghịch ý khi chính bà đã góp phần đưa anh đến PSG, trở thành ngôi sao hạng A ở đội bóng này trước khi gia nhập Juventus để nhận mức lương lên tới 7 triệu euro/năm. Bố anh, Michel, vốn một CĐV trung thành của PSG từ khi đội bóng hãy còn chật vật vì chưa có tiền của tỷ phú. Cứ mỗi lần nhắc đến cậu con trai, mắt của ông Michel lại ánh lên một niềm hạnh phúc khôn tả. Ông giật giật mí mắt để biểu lộ sự hân hoan.
Mí mắt là bộ phận duy nhất trong cơ thể mà ông Michel còn có thể di chuyển được. Toàn bộ cơ thể của ông đã bị liệt sau một cơn đột quỵ, một năm trước khi Rabiot rời Paris sang Man City để theo đuổi ước mơ.
"Chừng nào chưa rơi vào tình cảnh này, bạn sẽ không biết nó khủng khiếp đến thế nào," Rabiot nói trên tờ Le Parisien trong lần ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong đời với PSG, ngay thềm sinh nhật lần thứ 17, năm 2012. "Cảm giác có một người thân như thế trong nhà thật kinh khủng. Sau ca đột quỵ của bố, khi vào sân tôi chẳng còn đá riêng cho bản thân mình. Tôi chiến đấu cho cả bố. Bố truyền cho tôi tình yêu với bóng đá, tình yêu ấy trong bố vẫn còn. Cơn đột quỵ đánh sập những giác quan của bố, nhưng trái tim bố vẫn ở đó, dõi theo bóng đá và dõi theo tôi. Khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, tôi nhìn thấy niềm tự hào trong mắt bố".
Man City nhìn thấy tiềm năng của Rabiot khi cậu bé đang chơi cho Créteil miền đông nam Paris. Sau khi rời Man City, Rabiot cũng không trở lại PSG ngay lập tức. Anh lang thang ở một vài CLB nhỏ ở miền nam nước Pháp trước khi chính thức vào đội trẻ của PSG ở tuổi 15. Và ở đó, cậu bé tiến bộ không ngừng nghỉ. Ở tuổi 16, Rabiot đã được HLV Carlo Ancelotti gọi lên tập cùng đội 1. HLV người Italia cho Rabiot đá trận đầu tiên cùng PSG trong hè 2012, trận giao hữu với Barcelona. Chỉ vài tháng sau đó, Rabiot đã trở thành cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử PSG ra sân tại Ligue 1, và sau đó là trẻ nhất trong lịch sử PSG ra sân ở Champions League.
Là một tiền vệ năng động, Rabiot thu hồi bóng rất tốt và có khả năng chuyền bóng chính xác. Anh sở hữu thể lực lẫn kỹ thuật tuyệt vời, chơi với các đàn anh hơn nhiều tuổi mà không hề lép vế. Khi ấy, Rabiot khiêm tốn giữa dàn sao thượng thặng của PSG, nhưng anh lại là một niềm tự hào rất Pháp. Đó là dù có bao nhiêu người nước ngoài chiếm những vị trí quan trọng đi nữa, một người Paris gốc vẫn có chỗ đứng của riêng anh.
Tuy nhiên, những năm sau đó, sự nghiệp của Rabiot khá lận đận. Phần lớn mùa bóng 2012-2013, anh phải đá tại Toulouse theo dạng cho mượn. Mẹ anh yêu cầu PSG điều đó, để anh được thi đấu nhiều hơn. Mùa giải tiếp theo, Rabiot được thi đấu nhiều hơn, nhưng chủ yếu là vào sân thay người. Lại được mẹ tư vấn, Rabiot từ chối ký hợp đồng mới và bị CLB giam lỏng trên ghế dự bị suốt một thời gian. Rồi cậu cũng đồng ý ký tiếp, sau khi Ban lãnh đạo PSG hứa sẽ cho cậu thi đấu nhiều hơn như ý nguyện. Vì lời hứa này, PSG đã bán Yohan Cabaye cho Newcastle mùa hè năm ngoái.
Nhưng rồi PSG cũng lại thất hứa. Mẹ của Rabiot lại lên tiếng: "Ở tuổi này, lẽ ra con tôi phải đá chính ít nhất 35 trận mỗi mùa". HLV của PSG khi đó là Laurent Blanc thỉnh thoảng cũng tỏ ra khó chịu với cái cung cách "ai cho ông chê con tôi dở" của mẹ Rabiot, nhưng rồi ông cũng đủ tỉnh táo để nhận ra là chàng tiền vệ trẻ càng đá càng hay. Thoạt đầu Rabiot chỉ đá thay cho Marco Verratti bị chấn thương. Song khi tiền vệ người Italia đã trở lại, Rabiot vẫn đá chính.
Mùa giải 2018/2019, Rabiot không được trọng dụng nhiều tại PSG. Mặt trận Ligue 1, anh chỉ góp mặt có 14 trận, còn nếu tính tất cả các giải đấu, con số này là 20, kèm theo đó là 2 bàn thắng. Một con số quá ít với một tiền vệ khi đó mới 23 tuổi và được đánh giá là "Zidane mới" của nước Pháp. Khép lại mùa giải, Véronique làm ầm chuyện con trai mình bị HLV Thomas Tuchel đối xử tệ bạc và đương nhiên, Rabiot không tái ký hợp đồng với PSG, đồng thời quyết định chuyển sang khoác áo Juventus theo dạng chuyển nhượng tự do.
Bản hợp đồng 5 năm, kèm mức lương 7 triệu euro/mùa đã giúp Rabiot yên tâm thi đấu. 3,5 mùa giải vừa qua, Rabiot đều là trụ cột trong màu áo "Lão bà", khi đã ra sân tổng cộng 145 trận, ghi 20 bàn thắng), cùng đội giành 1 chức vô địch Serie A, 1 Coppa Italia và 1 Siêu cúp Italia.
Tuy vậy, trước thềm World Cup 2022, Rabiot một lần nữa không được đánh giá quá cao giống như tại Euro 2021. Nhiều người tin rằng, tiền vệ 27 tuổi này khó lòng khỏa lấp vai trò mà người đồng đội Paul Pogba (chấn thương) để lại ở ĐT Pháp. Thế nhưng, qua 5 trận trên đất Qatar, Rabiot đã chứng minh điều ngược lại. Thậm chí tờ Daily Mail không ngần ngại cho rằng, Rabiot giống như "trái tim", như "viên kim cương" của tuyến giữa ĐT Pháp.
Khi nhà đương kim vô địch thế giới bị Anh gỡ hòa trong trận tứ kết, Rabiot đã ngay lập tức có câu trả lời bằng một cú sút một chạm cực khó, khiến thủ môn Jordan Pickford phải vất vả cản phá. Đó là một tình huống cho thấy sự toàn diện của Rabiot ở World Cup 2022.
Chính HLV Ddier Deschamp đã mô tả Rabiot là "tiền vệ toàn diện," và đem lại sự cân bằng cần thiết cho một ĐT Pháp vốn được đánh giá rất cao ở khía cạnh tấn công. Đó là một nhận xét hoàn toàn xác đáng.
Trong ngày mà Olivier Giroud được ca ngợi vì bàn thắng ấn định tỷ số 2-1 cho Pháp, Tchouameni khiến người xem thán phục với cú sút xa đẳng cấp, vai trò của Rabiot thầm lặng hơn, nhưng vẫn cực kỳ quan trọng. Ở hiệp 1, Rabiot cùng các tiền vệ của Pháp đã làm chủ hoàn toàn trận đấu, hạn chế tối đa không gian chơi bóng ở giữa sân của Anh, buộc Tam Sư phải đẩy bóng sang 2 cánh. Rabiot cũng tích cực hỗ trợ phòng ngự, theo kèm Jude Bellingham như hình với bóng. Chính điều này đã khiến cầu thủ trẻ của Anh có màn trình diễn tương đối nhạt nhòa.
Sang hiệp 2, Pháp để Anh gỡ hòa và có một số tình huống hãm thành đáng chú ý. Tuy nhiên hầu hết cơ hội của Anh đều đến từ tình huống cố định, trong khi tuyến giữa của Pháp, nhờ khả năng điều tiết nhịp độ của Rabiot, vẫn chơi rất tốt.
Tầm quan trọng của cầu thủ này không phải ở trận gặp Anh mới được thể hiện. Ở các trận đấu trước đó, khi Rabiot có mặt, anh là cầu thủ chạy nhiều nhất. Lần lượt là 12,1km, 11,6km và 11km trong các trận gặp Australia, Đan Mạch và Ba Lan.
Ở Nga 4 năm trước, Pháp thăng hoa nhờ Paul Pogba. Năm nay, khi Pogba bị chấn thương và không góp mặt, nhiều nghi ngại đã xuất hiện về sức mạnh hàng tiền vệ của Pháp. Nhưng với Rabiot, nghi ngại đó đã được xua tan. Khác với đồng đội ở Juventus, Rabiot kỷ luật hơn, âm thầm hơn, nhưng chính điều này đem lại sự nhịp nhàng và mới mẻ cho Pháp. Và nếu Les Bleus có thể một lần nữa đăng quang ở World Cup năm nay, Rabiot sẽ được nhớ đến với tài năng của mình, một “Zidane mới” của nước Pháp.
Ít người biết rằng, Rabiot từng tuyên bố rời khỏi kế hoạch của ĐT Pháp trước thềm World Cup 2018 vì nhận thấy không được HLV Deschamps coi trọng. Trước đó, tiền vệ đang khoác áo PSG bị loại khỏi danh sách 23 cầu thủ chính thức dự giải đấu trên đất Nga và chỉ được HLV Deschamps đưa vào nhóm dự phòng.
Khi đó, HLV Deschamps đã rất không hài lòng và nhiều người cho rằng, ngày nào nhà cầm quân này còn dẫn dắt ĐT Pháp, Rabiot khó lòng được gọi trở lại: “Tôi rất ngạc nhiên. Có thể hiểu được cậu ấy thất vọng ra sao, nhưng đó là sai lầm lớn. Hy vọng sau trường hợp này, cậu ấy sẽ suy nghĩ trưởng thành hơn. Rabiot tự loại bỏ mình khỏi kế hoạch của tôi. ĐT Pháp phải được ưu tiên hơn mọi thứ. Rabiot chỉ là cầu thủ trẻ. Một người chơi bóng ở cấp độ chuyên nghiệp không thể để cảm xúc chi phối hành động”.
Rất may là sau đó, hai thầy trò đã làm hòa. Rabiot có tên trong danh sách ĐT Pháp dự Euro 2021 và giờ, khi "Les Bleus" vắng cả Pogba lẫn Kante cho chiến dịch World Cup 2022, tiền vệ thuộc biên chế Juventus đã trở thành nhân tố quan trọng bậc nhất, thậm chí được coi như "viên kim cương" ở tuyến giữa của nhà ĐKVĐ.